Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Doanh nhân Trương Tường Lân: Đào tạo lao động du lịch theo chuẩn quốc tế
Trần Hà - 16/02/2018 19:20
 
Sau 22 năm làm du lịch và hơn chục năm ấp ủ ước mơ, năm 2016, Trương Tường Lân chính thức khởi nghiệp với lĩnh vực đào tạo nhân lực ngành du lịch. Chỉ sau 1 năm, Trường trung cấp Nghề du lịch Hà Nội (HHTC) của Hiệu trưởng Trương Tường Lân đã có hàng trăm doanh nghiệp sẵn sàng nhận học viên và nhiều hợp đồng hợp tác được ký kết với các đối tác nước ngoài.

10 năm ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp

Ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực đào tạo nhân lực ngành du lịch đến với Trương Tường Lân từ hơn 10 năm trước, khi ông được tham gia một khóa đào tạo thuộc Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU) vào năm 2006.

Sau một thời gian dài ấp ủ, năm 2016, Trương Tường Lân bắt tay vào thực hiện ước mơ bằng việc mua lại HHTC, một trường trung cấp nghề tư thục nhỏ, chỉ đào tạo 2/4 chuyên ngành được cấp phép. “Nhiều người hỏi tôi tại sao không xây dựng trường đại học, cao đẳng mà lại chọn trường trung cấp? Quan điểm của tôi rất rõ ràng, các doanh nghiệp du lịch, khách sạn lưu trú tại Việt Nam cũng như trên thế giới hiện nay chỉ thiếu thợ”, ông Lân khẳng định.

.
Doanh nhân Trương Tường Lân

Sau khi mua lại HHTC, Trương Tường Lân gần như phải xây dựng lại từ đầu, từ cơ sở hạ tầng, đội ngũ giáo viên, nội dung chương trình… Ông đã xin cấp phép thêm 4 chuyên ngành đào tạo, nâng tổng số ngành đào tạo của trường lên 8 ngành phục vụ du lịch và khách sạn.

Hướng tới thị trường quốc tế

“Với 12 năm kinh nghiệm làm chủ doanh nghiệp (Công ty Du lịch Nam Cường), tôi thấy, trong số 100 ứng viên nộp hồ sơ tuyển dụng, thường chỉ có khoảng 3 ứng viên được nhận, chưa kể phải đào tạo lại. Đó là sự lãng phí nguồn lực xã hội”, ông Lân nhớ lại.

Đã từng tới hàng chục quốc gia trên thế giới, vị doanh nhân này xót xa khi người lao động Việt Nam phục vụ trong ngành du lịch ở nước ngoài còn chưa được coi trọng, thậm chí phải làm việc “chui” do không đáp ứng đủ tiêu chuẩn làm việc, mặc dù nhiều cường quốc phát triển du lịch đang báo động đỏ về nhân sự ngành này.

“Nếu không có kỹ năng làm việc thì người lao động sẽ không được chào đón ở môi trường quốc tế. Việc này không chỉ thiệt thòi cho người lao động, mà còn ảnh hưởng tới hình ảnh Việt Nam tại quốc gia sở tại. Tôi muốn thay đổi thực tế này và bạn sẽ thấy, chỉ thời gian ngắn nữa thôi, một số quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan, Malaysia  sẽ tìm đến Việt Nam như điểm đến tin cậy về chất lượng nhân lực du lịch”, ông Lân nhấn mạnh. 

Kỳ vọng này của ông Lân là có cơ sở, vì trước buổi trò chuyện với tôi, đã có doanh nghiệp ngành khách sạn từ UAE (Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất) đến HHTC nhận 6 học viên vào làm việc. Doanh nghiệp này cũng bày tỏ nhu cầu được hợp tác với nhà trường để tuyển thêm lao động ở vị trí quản lý nhà hàng, lễ tân, phục vụ buồng và phục vụ nhà hàng.

Ông Lân còn đặt mục tiêu lớn hơn là lao động ngành du lịch của Việt Nam có thể đi khắp nơi trên thế giới làm việc. Ông cho biết, ngoài các doanh nghiệp đến từ Đức, Italia, HHTC đang triển khai ký kết hợp tác với một số đối tác của Canada, Mỹ. Hiện các doanh nghiệp Italia đã chấp nhận chứng chỉ của HHTC và chỉ kiểm tra đầu vào 1 lần trước khi tiếp nhận lao động. Còn các doanh nghiệp Đức và Canada yêu cầu phải “đào tạo kép”, nghĩa là, để đáp ứng yêu cầu được làm việc tại các quốc gia này, học viên của HHTC bắt buộc phải được đào tạo tại hệ thống trường của họ. Tại Đức, học viên sẽ được doanh nghiệp miễn học phí, chỉ phải lo chi phí ăn, ở (khoảng 4.000 - 5.000 USD/năm), nếu được trả lương khi thực tập, học viên có thể trang trải một phần chi phí này.

“Sau khi được đào tạo, người lao động sẽ có đủ kỹ năng để làm việc ở hầu hết thị trường châu Âu. Tất nhiên, tại Đức, cũng có điều kiện ràng buộc đối với người lao động, thông thường là 3 năm làm việc cho doanh nghiệp đối tác của họ. Khi đủ kỹ năng, người lao động sẽ được cấp thẻ xanh làm việc dài hạn, thậm chí còn có cơ hội định cư ở nước ngoài”, ông Lân chia sẻ.

Chiến lược cạnh tranh bài bản

Khi ước mơ xuất ngoại lao động của ông Lân cần có thời gian trả lời, thì ở trong nước, các thương hiệu tên tuổi như Vinpearl, Viettel đã tìm tới HHTC để tìm kiếm nhân lực. Thậm chí, May 10 còn giao toàn bộ các khâu từ thiết kế khách sạn, lựa chọn số sao, dự kiến nhân sự và tính toán thời gian hoàn vốn cho HHTC để xây dựng 2 khách sạn ở khu vực phố cổ Hà Nội; công việc còn lại của họ chỉ là bỏ vốn đầu tư.

Doanh nhân Trương Tường Lân sinh năm 1975. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp, Khoa Địa lý du lịch, ông bắt đầu làm việc với vị trí nhân viên sale & marketing, tiếp đó là các vị trí: Phó phòng Outbound, Trưởng phòng điều hành Công ty Du lịch Hà Nội và Giám đốc Công ty Du lịch Nam Cường trước khi trở thành Hiệu trưởng HHTC.

Trong lúc trao đổi với tôi, ông Lân liên tục nhận được khá nhiều cuộc hẹn gặp của các trường dạy nghề về việc chuyển giao công nghệ đào tạo cho họ.

Ông Lân cho biết, HHTC là mô hình khách sạn thu nhỏ, giáo trình đạt chuẩn VTOS (tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam) theo khung tiêu chuẩn châu Âu và dành đến 80% tổng số giờ học cho thực hành, thời gian học lý thuyết chỉ có 20%. Nếu coi tổng thời gian thực hành là 100%, thì số giờ học viên được thực hành tại doanh nghiệp chiếm 70%, còn 30% là thực hành tại HHTC.

Đó cũng là lý do khiến Hiệu trưởng HHTC “đau đầu” với bài toán về đội ngũ giảng viên, vì theo ông, để đảm nhận giảng dạy với thời lượng thực tập lớn như vậy, giảng viên phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm, thậm chí là 10 năm đối với chuyên ngành quản lý. 

“Giáo trình tốt, phương pháp hay, nhưng nếu người truyền tải không đủ năng lực, thì chất lượng đào tạo cũng không đạt được như mục tiêu đề ra”, ông Lân khẳng định. 

Ông cũng tỏ ra khá tự tin trước sức ép cạnh tranh từ các tên tuổi lớn cùng lĩnh vực hoạt động, trong đó có cả đối tác ngoại, vì HHTC có thể chưa nhiều kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng hạn chế, nhưng tiêu chuẩn giảng dạy thì không hề thua kém các đối thủ.

Tuy nhiên, ông Lân thừa nhận, nhà trường cũng là một doanh nghiệp, nếu không nghiên cứu, khảo sát phân chia thị trường thì sẽ thất bại ngay từ đầu.

Ông phân tích, các cơ sở đào tạo của nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư lớn, đồng nghĩa với học phí cao và chủ yếu đào tạo lao động theo hướng để làm “thầy”; còn HHTC hướng tới mô hình trường trung cấp dành cho những người làm “thợ”, cam kết đầu ra đạt “chuẩn thợ”.

“Điểm cạnh tranh đầu tiên của HHTC là học phí. Tôi cân nhắc tiêu chí học viên ở cả chất lượng đầu vào và khả năng tài chính để xây dựng chương trình cũng như biểu giá học phí hợp lý”, ông Lân khẳng định.

HHTC còn ký kết với Ngân hàng BIDV để cung cấp khoản tín dụng dành cho sinh viên theo học tại trường, HHTC trả lãi cho các khoản vay này - một sự hỗ trợ vô cùng quý giá đối với những học viên gặp khó khăn về tài chính.

Công tác đào tạo phải đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ông Lân cho biết, HHTC luôn đưa ra khảo sát về vị trí doanh nghiệp muốn đào tạo, doanh nghiệp đang thiếu gì, cần gì, trình độ đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp đang ở đâu… Dựa trên những khảo sát này, HHTC sẽ xây dựng chương trình đào tạo theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp, đưa văn hóa của doanh nghiệp vào chương trình đào tạo, hòa hợp giữa tiêu chuẩn của nhà trường với tiêu chuẩn đặt ra của doanh nghiệp.

“Mục tiêu cao nhất mà HHTC hướng tới là mang lại lợi ích cho các bên: học viên có kiến thức và kỹ năng tốt để làm việc, doanh nghiệp có đội ngũ nhân lực đáp ứng nhu cầu để kinh doanh hiệu quả và người tiêu dùng sẽ được hưởng những dịch vụ tốt nhất từ ngành du lịch”, ông Lân chia sẻ.

Trò chuyện với doanh nhân Trương Tường Lân:

Điều đầu tiên ông đào tạo cho những học viên của mình là gì?
Tiêu chuẩn của lao động châu Âu là kiến thức, thái độ và hành vi. Tôi luôn bắt đầu đào tạo cho học viên bằng việc thay đổi thái độ và nhận thức của họ, để họ hiểu được mọi thành công hay thất bại đều do mình làm nên.

Kế hoạch tiếp theo của ông?
Mở rộng cơ sở, vì số học viên của HHTC đang ngày một tăng lên. Tôi đang có hướng hợp tác với những trường đã có cơ sở vật chất nhưng ít học viên, họ có thể góp vốn với HHTC bằng chính hạ tầng sẵn có.

Doanh nhân Lý Ngọc Minh: Người giữ hồn của đất
Dành gần trọn cuộc đời để tìm hiểu, yêu và gắn bó với đất, ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long I thực sự đã trở thành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư