Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 18 tháng 08 năm 2024,
Doanh nhân Võ Thị Lấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan: Mong muốn mang sức khỏe đến mọi nhà
Hoài Sương - 18/08/2024 08:08
 
Khởi nghiệp ở tuổi 60, nữ doanh nhân Võ Thị Lấn tâm huyết gây dựng thương hiệu Trà Tâm Lan với mong muốn mang sức khỏe đến mọi nhà.
Dù đã “U80”, doanh nhân Võ Thị Lấn vẫn say sưa với công việc cùng các hoạt động xã hội từ thiện và chưa hề có ý định “về hưu”
Dù đã “U80”, doanh nhân Võ Thị Lấn vẫn say sưa với công việc cùng các hoạt động xã hội từ thiện và chưa hề có ý định “về hưu”

Giấc mơ của người phụ nữ bản lĩnh

Nhìn vẻ bề ngoài của doanh nhân Võ Thị Lấn, có lẽ, không ai đoán được bà đã “U80”. Gặp gỡ, tiếp xúc và trò chuyện với bà, tôi có cảm giác được truyền một nguồn năng lượng mới từ nhiệt huyết, khát khao của một nữ doanh nhân bản lĩnh, sắc sảo và quyết đoán.

Mười sáu năm trước, ở tuổi 60, độ tuổi mà hầu hết mọi người đều gác lại công việc để nghỉ ngơi, thì bà quyết định... khởi nghiệp. Bà Lấn kể, do cha mẹ mất sớm, bà phải gánh vác công việc gia đình, nuôi 6 người em. Rồi khi lập gia đình, sinh tới 10 người con, bà không còn thời gian để chăm sóc bản thân và lo cho sức khỏe. Bước sang tuổi 60, bà thường xuyên đau ốm.

“NGÀY NÀO CÒN SỨC KHỎE, THÌ NGÀY ĐÓ CÒN LÀM”

Với nhiều người, khởi nghiệp ở tuổi 60 là quá muộn, vì sao khi đó bà lại quyết tâm làm?
Khởi nghiệp, theo quan điểm của tôi, không quan trọng ở tuổi tác. Nếu mình có điều kiện hoặc có đam mê, quyết làm tới cùng, thì chắc chắn sẽ thành công.

Vậy bà dự định bao giờ sẽ “về hưu”?
Tôi chưa hứa được ngày nào sẽ về hưu. Dù đã “U80”, nhưng tôi vẫn còn khỏe mạnh, đi ruộng, đi rẫy bình thường, vẫn có thể làm việc với công nhân từ sáng tới chiều. Ngày nào còn sức khỏe, thì ngày đó còn làm.

Điều gì khiến bà tự hào nhất trong hành trình xây dựng và phát triển Trà Tâm Lan?
Từ điểm xuất phát khiêm tốn, chủ yếu chế biến thủ công, đến nay, Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan đã đi một chặng đường dài và gặt hái được nhiều “trái ngọt”.
Doanh nghiệp đã đạt chứng nhận “Trâu vàng đất Việt”, cúp Vàng sản phẩm nông nghiệp AgroViet năm 2010, danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2014, liên tiếp 12 năm đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn, Huy chương Vàng và danh hiệu Thực phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng, được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ vào năm 2019... Đây là thành quả giúp sản phẩm Trà Tâm Lan vươn xa hơn trên thị trường quốc tế.

“Nằm trên giường bệnh những ngày giáp Tết, tôi suy nghĩ rất nhiều, vì thuốc thang mãi mà sức khỏe không cải thiện, lại khiến các con phải lo lắng. Nhớ lại những kiến thức về thuốc đông y mà ba đã dạy, tôi quyết định trở về nhà, mày mò công thức, tự tay làm và sử dụng. Sau hơn ba tháng, sức khỏe của tôi dần tốt hơn”, bà Lấn nhớ lại.

Trải qua những tháng ngày bệnh tật triền miên, thấm thía hơn ý nghĩa của việc chăm sóc sức khỏe, bà Lấn mong muốn mang sức khỏe đến mọi nhà. Tự tin ở tay nghề của mình và được bạn bè ủng hộ, bà quyết định mở cơ sở sản xuất trà thảo dược dạng túi lọc, bào chế từ các loại thảo dược như hoàn ngọc, lược vàng, cúc hoa, kim ngân hoa.

Khó khăn đầu tiên mà bà đối mặt không phải là việc nghiên cứu, sản xuất sản phẩm, xác định con đường kinh doanh hay tìm cách để chinh phục người tiêu dùng, mà chính là sự ngăn cản quyết liệt của các con, bởi tuổi của bà đã cao, mà thương trường thì cạnh tranh rất khốc liệt, bước vào kinh doanh đồng nghĩa với khó khăn, vất vả.

“Lúc ấy tôi nghĩ, có phải ‘đánh nhau’ đâu mà sợ, hàng của ai tốt thì khách sẽ mua, nên càng quyết tâm. Tôi còn tự nhủ, má sẽ cho tụi con thấy, khi má đã quyết định làm thì sẽ như thế nào...”, bà Lấn kể và cười vang.

Sau khi được cơ quan chức năng cấp phép, bà một mình xách giỏ về miền Tây, xuống Cà Mau rồi ngược lên Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bến Tre… để chào hàng. Như bao doanh nghiệp khác, giai đoạn đầu, bà Lấn gặp muôn vàn khó khăn bởi sản phẩm mới, thương hiệu lạ. Nhưng với quyết tâm cao, cộng với suy nghĩ “nếu làm không được, thì thật sự mắc cỡ với con dâu, con rể”, sau 2 năm, bà Lấn đã có được những thành tựu đầu tiên. Khách hàng tìm đến cơ sở của bà để mua trà ngày càng đông, tiếng thơm lan đến nhiều tỉnh, thành phố.

Đơn hàng nhiều hơn, thị trường được mở rộng hơn, cơ sở thủ công sản xuất không kịp để giao hàng. Năm 2010, không còn phản đối mẹ như lúc đầu, các con của bà đồng tình ủng hộ, góp vốn để bà Lấn nâng cấp cơ sở sản xuất lên thành Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan (Công ty Trà Tâm Lan), bắt đầu một chặng đường mới.

“Trải qua không ít thử thách khắc nghiệt của thương trường, tôi đã đạt được những kết quả ban đầu và thuyết phục được các con. Cơ sở sản xuất thủ công nay đã trở thành một công ty đạt chuẩn trong nước và quốc tế. Thành quả này có được không chỉ bằng sự cố gắng, quyết tâm, mà còn bằng cả trách nhiệm với gia đình và lương tâm với xã hội”, nữ doanh nhân Võ Thị Lấn trải lòng.

Trà dây thìa canh - một trong những sản phẩm của Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan
Trà dây thìa canh - một trong những sản phẩm của Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan

Xây dựng và bảo vệ thương hiệu

Khi thương hiệu Trà Tâm Lan chinh phục được khách hàng, cũng là lúc doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực cạnh tranh cao độ của thị trường từ tứ phía. Bà Lấn quyết định đầu tư bài bản để sản phẩm ổn định chất lượng, doanh nghiệp phát triển bền vững và hạn chế các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh trên thương trường.

“Bảo vệ được sản phẩm cũng chính là bảo vệ thương hiệu, bảo vệ doanh nghiệp. Bởi vậy, vài năm trở lại đây, tôi đầu tư nhà máy gần 100 tỷ đồng với hệ thống máy móc nhập khẩu, dây chuyền công nghệ tiên tiến, thiết lập hệ thống nhà xưởng và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GMP, ISO 22000:2005 để tạo ra sản phẩm tốt nhất, đáp ứng đúng quy định của Bộ Y tế”, Giám đốc Công ty Trà Tâm Lan chia sẻ.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn đầu tư vùng nguyên liệu 30 ha để trồng cây nguyên liệu thảo dược theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng tiêu chí “3 không” (không dùng thuốc trừ sâu, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và không bón phân hóa học vô cơ) nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng, sạch và ổn định.

Hiện tại, vùng nguyên liệu này đã được lấp đầy bằng nhiều loại dược liệu, như kim ngân hoa, xạ đen, lược vàng, hoàn ngọc, đinh lăng, thìa canh, cây vối… Doanh nghiệp chủ động nuôi bò lấy phân - cho trùn quế xử lý phân - bón cho các vườn cây nguyên liệu, khép kín quy trình sản xuất từ nông trại, nhà máy đến sản phẩm.

“Xu hướng tiêu dùng xanh đang trở nên phổ biến, theo đó, yêu cầu đặt ra với doanh nghiệp là không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm cho sức khỏe người tiêu dùng, mà còn phải đảm bảo môi trường và lợi ích chung cho cộng đồng. Vì vậy, vùng nguyên liệu của Công ty Trà Tâm Lan đang hướng về mô hình trang trại tuần hoàn, nghĩa là đầu ra của khu vực sản xuất này sẽ là đầu vào của khu vực sản xuất khác”, bà Lấn nói.

Sau hành trình dài nỗ lực xây dựng và phát triển, Trà Tâm Lan đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, ghi được dấu ấn với người tiêu dùng bằng các sản phẩm trà túi lọc đa dạng như trà xạ đen, trà vối, trà dây thìa canh, trà đinh lăng... Hệ thống phân phối của Công ty có mặt ở khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Sản phẩm Trà Tâm Lan cũng đã được xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới như Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Australia, Phần Lan và khu vực Đông Nam Á…

Tự tin với con đường phía trước

Khi quy trình sản xuất đi vào ổn định, thì sức mua của thị trường lại là thử thách mới đối với Công ty Trà Tâm Lan. Bà Lấn cho biết, từ khi đại dịch Covid-19 ập đến tới nay, Công ty chưa bao giờ hoạt động hết công suất, vùng nguyên liệu trước kia đến 50 ha, nay giảm gần một nửa...

Sau đại dịch, nền kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với khó khăn do những tác động từ tình hình địa chính trị, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, sản phẩm của Trà Tâm Lan chưa được coi là hàng thiết yếu và dễ bị bỏ ra khỏi giỏ hàng thường ngày. Công ty tìm nhiều giải pháp để mở rộng thị trường, song cũng khá thận trọng với việc gọi vốn hay ra sản phẩm mới.

Nhìn lại chặng đường đã qua, doanh nhân Võ Thị Lấn chia sẻ: “Tôi khởi nghiệp năm 60 tuổi, gọi là thành công thì nói thật là chưa như ý muốn, nhưng nhìn chung cũng tương đối. Rất tiếc là sau khi xây nhà máy mới, muốn vươn ra thế giới nhiều hơn, thì dịch bùng lên. Tôi kỳ vọng có nhiều cơ hội hợp tác để xúc tiến thương mại, gia tăng xuất khẩu và tự tin với con đường phía trước”.

Giờ đây, ở tuổi “U80”, ngoài công việc kinh doanh, bà Lấn dành nhiều thời gian cho các hoạt động xã hội, từ thiện như ủng hộ quỹ khuyến học; giúp đỡ bà con ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào bị thiên tai; xây dãy nhà cưu mang gần 20 con em của các gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư