Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Doanh nhân Vũ Đình Phương, CEO Tôm Fruits: Bán lẻ theo mô hình “mua tận gốc, bán tận ngọn”
Thế Hải - 21/02/2024 14:29
 
Cung cấp hàng hóa thiết yếu với giá bán thấp hơn 25-30% so với giá thị trường, doanh nhân Vũ Đình Phương, CEO Tôm Fruits tự tin sẽ thành công với lối đi riêng, sớm cán mốc 300 điểm bán vào cuối năm 2025.
Doanh nhân Vũ Đình Phương, CEO Tôm Fruits

Cú “quay xe” sau nhiều thất bại

Những ngày cuối năm 2023, CEO Vũ Đình Phương tất bật với kế hoạch mở mới 2 cửa hàng bán lẻ của hệ thống Tôm Fruits tại 74 - Nam Đồng và 307 - Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội). Như vậy, Tôm Fruits có 32 điểm bán được mở trong vòng 5 năm (2019-2023), trừ đi gần 2 năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19, đồng nghĩa cứ hơn một tháng lại có 1 điểm bán mới được ra mắt người dân Thủ đô.

Ngay đầu tháng 1/2024, Tôm Fruits tiếp tục chào đón thành viên mới thứ 33 tại 540 - Trương Định (Hà Nội). “Tham vọng của tôi là cán đích 300 điểm bán lẻ vào cuối năm 2025 và 2 năm tới là cao điểm để tôi cụ thể hóa mục tiêu này”, ông Phương nói.

Từng thất bại với một số dự án khởi nghiệp, từ kinh doanh máy tính, cung cấp vật liệu xây dựng, logistics, nên khi chuyển sang mảng bán lẻ, ông Phương không mong cầu quá lớn lao.

“Ở thời điểm khó khăn nhất vào năm 2018, tôi và vợ quyết định kinh doanh online chỉ với suy nghĩ không cần quá nhiều vốn, có thể bắt tay vào làm ngay. Tôi tập trung vào sản phẩm tiêu dùng thiết yếu hàng ngày và ship hàng đến tận tay người tiêu dùng, miễn sao có tiền để trang trải cuộc sống thường nhật”, ông Phương kể lại.

Nhưng cú “quay xe” này không chỉ giúp gia đình ông đi qua những khó khăn nhanh hơn dự tính, mà còn bồi đắp, mở ra những ý tưởng kinh doanh mới cho vị doanh nhân sinh năm 1989 này. Một năm sau đó, năm 2019, cửa hàng bán lẻ mang thương hiệu Tổng kho bán lẻ Tôm Fruits đầu tiên thuộc Công ty TNHH Đầu tư Tôm Fruits Việt Nam được ra mắt.

Ban đầu, Tôm Fruits chuyên nhập khẩu và phân phối hoa quả, thực phẩm từ Mỹ, Australia, New Zealand, Chile…, rồi dần dần mở rộng danh mục hàng hóa. Khi dịch Covid-19 bùng phát, hệ thống mở rộng thêm các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng, đồ gia dụng…

Kinh doanh bán lẻ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, nhưng ông Phương không đi theo lối đại trà, bởi sẽ không thể cạnh tranh nổi với những tên tuổi đã định vị trên thị trường. Định hướng của Tôm Fruits là trở thành tổng kho bán lẻ hàng thiết yếu quy mô lớn, giúp người tiêu dùng tiết kiệm tối đa chi phí.

“Tôm là tên con trai của tôi và tổng kho là để thể hiện mong muốn nhập hàng tận nhà máy, liên kết sản xuất, bỏ qua các khâu phân phối, giảm chi phí trung gian, đưa sản phẩm có mức giá tốt tới tay người tiêu dùng cuối cùng”, CEO của Tôm Fruits giải thích.

Với bất kỳ mô hình kinh doanh nào, đặc biệt là ngành bán lẻ, yếu tố tác động trực tiếp đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng chính là chất lượng và giá bán sản phẩm. Ông Phương xác định, phải tìm kiếm và tập hợp được nhà cung cấp với sản lượng đủ lớn, cắt bỏ tối đa khâu trung gian, để giá bán hàng hóa luôn thấp hơn giá thị trường.

Luôn coi trọng chữ “Tín”

Không được đào tạo chính quy về nghiệp vụ kinh doanh, kiến thức về bán lẻ gần như bằng “0”, nhưng khi bước chân vào kinh doanh, ông Phương luôn nỗ lực học hỏi để không bị “lạc đường” và tụt hậu.

Sau thất bại trong kinh doanh máy tính, ông chuyển hướng sang làm dự án liên quan đến xây dựng, nhưng cũng không thành công, thậm chí còn mất toàn bộ khoản tiền tích lũy. Khi bắt tay làm Tôm Fruits, ông Phương hoàn toàn trắng tay, phải đi vay để tái khởi nghiệp.

Ba năm đầu tiên là giai đoạn khó khăn của hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp, hơn thế, Tôm Fruit còn bị vướng phải đại dịch. “May mắn nhất với tôi trong hành trình khởi nghiệp lần này là chọn ngành kinh doanh hàng hóa thiết yếu, nên doanh số vẫn tăng trưởng trong bối cảnh các lĩnh vực kinh doanh khác bị gián đoạn vì đại dịch”, ông Phương nói.

Đại dịch không may xảy đến, nhưng lại tạo cho Tôm Fruits một “sức bật” mạnh mẽ. Sức bật đó nằm ở mô hình kinh doanh tổng kho, nhập hàng hóa trực tiếp từ các nhà máy sản xuất trong nước, hay các doanh nghiệp nhập khẩu, mua số lượng lớn, rồi bán thẳng tới tay người tiêu dùng.

Nhờ đó, giá bán sản phẩm của Tôm Fruits thường rẻ hơn so với giá thị trường từ 20 đến 30%, một số mã hàng rẻ hơn tới 40%. Thậm chí, nhiều cửa hàng bán lẻ nhập hàng từ tổng kho Tôm Fruits để về bán lại mà vẫn thỏa mãn được yếu tố lợi nhuận. Ngoài ra, thông qua hệ thống vận hành online như app, website, Tôm Fruits đã tối ưu hóa chi phí và trải nghiệm cho khách hàng.

Kinh doanh bất kỳ lĩnh vực nào, nhất là với hàng tiêu dùng thiết yếu, không bao giờ được có ý nghĩ dùng chiêu trò để kiếm nhiều lợi nhuận hơn - đó là tôn chỉ kinh doanh của ông chủ Tôm Fruits. “Tôi tin vào luật nhân quả, tin vào chữ ‘Tín’. Khi mình kinh doanh trung thực, tử tế, có trách nhiệm và không ngừng cải tiến, khách hàng sẽ không phụ mình”, ông Phương bộc bạch.

Còn nhớ, có giai đoạn khan hiếm khẩu trang, không ít nơi thổi giá hàng trăm ngàn mỗi hộp, nhưng hệ thống của Tôm Fruits chỉ bán 19.000 đồng/hộp, vì được các nhà sản xuất  “chia lửa”. Tôm Fruits nhập trực tiếp hàng từ nhà sản xuất và xác định không tính đến lợi nhuận cho mặt hàng này, vì chỉ muốn phục vụ được nhiều khách hàng trong giai đoạn cao điểm dịch.

Mục tiêu mở được 300 điểm bán lẻ của CEO Tôm Fruits không quá xa vời. Để chuẩn bị cho giai đoạn bứt phá về điểm bán, Tôm Fruits đã hoàn thiện quy trình vận hành, tạo bàn đạp cho giai đoạn 2024-2025, xây dựng các phòng ban chuyên nghiệp.

“Nếu không phải lúc này thì khó có cơ hội. Sau dịch, các mặt bằng bán lẻ đang rất sẵn, chưa bao giờ chúng tôi chốt hợp đồng thuê mặt bằng thuận lợi như hiện nay. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi nhận thấy, vốn không phải là vấn đề quá lớn. Nếu mình gây dựng được chữ ‘Tín’, thì đối tác, khách hàng luôn tin tưởng đồng hành với mình”, ông Phương chia sẻ.

Không ngừng học hỏi, kinh doanh tử tế, không đi đường tắt, chú tâm vào các giá trị mà doanh nghiệp mang lại cho khách hàng, doanh nhân Vũ Đình Phương đang có nhiều đất diễn để trải nghiệm các ý tưởng kinh doanh mới.

“Kinh doanh thì không có khó khăn này, sẽ xuất hiện khó khăn khác. Lúc này, kinh tế toàn cầu và trong nước đều đang tăng trưởng chậm, nhưng tôi tin khó khăn này chỉ là ngắn hạn, mô hình Tôm Fruits đang phát triển trong tầm kiểm soát”, ông Phương tự tin.

 

Thất bại là nền móng cho phát triển

Tại sao ông chọn bán lẻ thực phẩm mà không phải một lĩnh vực kinh doanh nào khác?

Ban đầu, tôi không nghĩ sẽ làm lớn với mảng kinh doanh này, hai vợ chồng chỉ muốn có một nghề để duy trì cuộc sống và đi qua giai đoạn khó nhất. Nhưng khi bắt tay làm, thấy có hiệu ứng tốt, tôi có thêm nhiều năng lượng để thực hiện các mục tiêu mới.

Ông nghĩ sao về thất bại? Kinh qua các lĩnh vực kinh doanh và nếm trải không ít thất bại, điều gì khiến ông tâm đắc nhất?

Với tôi, thất bại là nền móng cho phát triển, nhờ thất bại mà ta đúc rút được nhiều bài học, vốn sống. Điều tôi tâm đắc nhất là mình được thay đổi liên tục. Cuộc sống không diễn ra như mình muốn, buộc mình phải bắt nhịp với những đổi mới của thị trường.

Thử hình dung Tôm Fruits sau 5 năm nữa?

Tôm Fruits sẽ trở thành tập đoàn thương mại, dịch vụ và sản xuất hoạt động trên quy mô toàn quốc với 3 trụ cột chính là thương mại (bán lẻ, xuất nhập khẩu, phân phối) - cung cấp các dịch vụ xoay quanh hệ sinh thái - đầu tư vào sản xuất.

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư