Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 07 năm 2024,
Doanh thu 5 “ông lớn” thương mại điện tử tại Việt Nam nửa đầu năm 2024 ra sao?
Nguyễn Linh - 16/07/2024 17:22
 
Theo thống kê của nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric, người Việt đã chi khoảng 156.000 tỷ đồng để mua sắm trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam trong nửa đầu năm 2024.

Những con số này không chỉ phản ánh sự phát triển nhanh chóng của thị trường mà còn cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt.

Cụ thể, trong quý II/2024, tổng doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam, bao gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop đạt khoảng 85.000 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, trong quý I/2024, doanh thu bán lẻ trên 5 sàn này đã đạt 71.200 tỷ đồng, tăng 78,6% so với quý I/2023. 

Sự tăng trưởng này vượt xa so với dự báo doanh thu thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2024, dự kiến chỉ tăng khoảng 35% so với năm 2023. Trong đó, nền tảng Shopee tiếp tục dẫn đầu với doanh thu 53.740 tỷ đồng, chiếm 67,9% thị phần. Xếp thứ hai là TikTok Shop với 18.360 tỷ đồng, chiếm 23,2% thị phần. Lazada và Tiki lần lượt đạt 6.030 tỷ đồng (7,6% thị phần) và 997,06 tỷ đồng (1,3% thị phần).

Ảnh minh hoạ

Theo báo cáo mới nhất của NielsenIQ Việt Nam, người tiêu dùng đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023. Trung bình, mỗi người mua hàng trực tuyến gần 4 lần mỗi tháng và dành ra hơn 8 giờ mỗi tuần để mua sắm online. Con số này cao gần gấp đôi so với tần suất đi siêu thị hàng tháng của người Việt Nam. 

“Trung bình mỗi người sử dụng 3,2 nền tảng để phục vụ cho việc mua sắm online. Điện thoại di động là thiết bị được sử dụng nhiều nhất để mua hàng, chiếm 94%”, đại diện NielsenIQ nói.

3 nhóm mặt hàng được quan tâm và đạt doanh số cao nhất là mỹ phẩm, thực phẩm và đồ uống. Tiếp đó là các mặt hàng thời trang - thể thao, chăm sóc nhà cửa, công nghệ, mẹ và bé, dịch vụ số như đăng ký dịch vụ, đặt phòng online, và vận chuyển hàng hóa. 

Sở dĩ ngành làm đẹp có thể duy trì vị thế từ năm này qua năm khác là bởi các sản phẩm có sức mua lại cao, nhiều chương trình khuyến mại so với cửa hàng offline, khách hàng phần nhiều là nữ, tệp khách hàng chủ yếu của các sàn thương mại điện tử.

Nếu như trước đây người dùng chỉ sử dụng thương mại điện tử cho các mặt hàng không thiết yếu như đồ điện tử, gia dụng và thời trang thì hiện tại, người Việt đã đi chợ qua mạng thường xuyên hơn để mua sắm các nhu yếu phẩm hàng ngày.

Có thể thấy, giá rẻ không còn là lý do lớn nhất quyết định hành vi mua sắm online. Theo báo cáo của NielsenIQ, 2 lý do được nhiều người quan tâm nhất là mua để dự trữ tiêu dùng cho gia đình (25%) và phục vụ ăn uống tức thì (21%). Những con số này cho thấy mua sắm trực tuyến đã trở thành hoạt động phổ thông, và việc mua sắm các mặt hàng thiết yếu cũng trở nên phổ biến. 

Sự thay đổi này yêu cầu các sàn thương mại điện tử tìm động lực tăng trưởng mới, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay. Theo dự báo của Metric, mùa cao điểm kinh doanh của thị trường sẽ tăng tốc từ quý II/2024, với tốc độ tăng 19,2% so với quý I/2024, tương đương tăng khoảng 78% so với quý II/2023. Những tháng còn lại của năm 2024, thị trường bán lẻ trực tuyến sẽ tiếp tục có những tín hiệu tăng trưởng tích cực.

Thời gian qua, các chính sách phát triển kinh tế số và thương mại điện tử tại Việt Nam đã tạo ra nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, các chính sách bao gồm việc hoàn thiện khung pháp lý, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư, phát triển hạ tầng số, bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng, thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ mới.

Việc áp dụng các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và Internet vạn vật (IoT) cũng giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất và kinh doanh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp mở rộng quy mô và tăng trưởng nhanh chóng. 

Trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, Nhà nước có vai trò quản lý, xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của thương mại điện tử. 

Sự minh bạch và dễ dàng trong thực hiện các thủ tục hành chính không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp mà còn góp phần vào việc phát triển bền vững ngành lâm nghiệp, bảo vệ môi trường và tài nguyên rừng của thành phố. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý để đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả của ngành thương mại điện tử.

Các sàn thương mại điện tử cần tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng. Sự phát triển bền vững của thương mại điện tử không chỉ đóng góp vào nền kinh tế số mà còn mang lại lợi ích lâu dài cho xã hội và môi trường. 

Hạn chế tối đa gian lận thuế từ thương mại điện tử
Sau một năm thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư