Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 11 tháng 08 năm 2024,
Độc quyền còn lớn trong một số lĩnh vực then chốt
Thế Hải - 10/07/2018 09:47
 
Do tình trạng độc quyền, thiếu động lực nâng cao chất lượng, giảm giá thành để tăng cạnh tranh, ngành đường sắt, một trong những ngành công nghiệp mạng lưới đã rơi vào khủng hoảng.

Khủng hoảng vì độc quyền

Hội thảo “Cải cách độc quyền nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội đã đề cập đến nhiều bất cập liên quan đến độc quyền nhà nước trong một số lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, như viễn thông, đường sắt, điện, hàng không.

.
Đến nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn gần như độc quyền toàn bộ ngành đường sắt.

Trình bày Báo cáo nghiên cứu Cải cách độc quyền nhà nước trong ngành công nghiệp mạng lưới ở Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban Thể chế kinh tế (CIEM) nêu dẫn chứng về độc quyền nhà nước, khiến doanh nghiệp không thể “lớn” nổi, thậm chí rơi vào khủng hoảng.

Ngành đường sắt là ví dụ điển hình. Đến nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn gần như độc quyền toàn bộ ngành đường sắt. Do không có cạnh tranh nên ngành này thiếu hẳn động lực nâng cao chất lượng, giảm giá thành, dẫn đến thị phần giảm.

Nếu năm 2010 có 11,2 triệu lượt khách đi tàu hỏa, thì đến năm 2017, con số này chỉ còn 9,5 triệu lượt. Tương tự, thị phần vận tải hàng hóa của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giảm từ 0,97% (năm 2010) xuống 0,39% (năm 2017). Hàng hóa vận tải của ngành đường sắt trong cùng giai đoạn này cũng giảm từ 7,8 triệu tấn xuống 5,55 triệu tấn.

“Do doanh nghiệp vừa kinh doanh kết cấu hạ tầng, điều hành giao thông đường sắt, lại vừa kinh doanh vận tải, nên  không tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh và không phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp tham gia kinh doanh đường sắt”, TS. Luyến phân tích.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM, ngành đường sắt Việt Nam đang lâm vào cuộc khủng hoảng rất lớn và thị phần đang ngày một giảm.

“Độc quyền nhà nước trong ngành đường sắt trao cho doanh nghiệp nhà nước, nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam độc quyền kinh doanh vận tải và khai thác sử dụng hạ tầng đường sắt. Nhưng hạ tầng ngành đường sắt những năm qua chỉ được đầu tư nhỏ giọt; đầu máy, toa xe, khổ đường đều lạc hậu nhiều chục năm”, TS. Lê Đăng Doanh chỉ rõ.

Để đường sắt có thể “lớn” được và thoát khỏi khủng hoảng, theo các chuyên gia, cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, thực hiện tách bạch rõ ràng giữa hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải đường sắt

Mạnh tay loại bỏ độc quyền 

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, dù đã có nhiều cố gắng, nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa hoàn tất được chính sách cạnh tranh, loại bỏ độc quyền ở nhiều ngành then chốt. Điều này khiến cho thị trường méo mó, tính tự do cạnh tranh bị xâm hại, khiến cho các động lực thay đổi không đạt được.

Ông Cung cho rằng, thực trạng của ngành đường sắt rất đáng lo ngại, phải có giải pháp cải cách, đầu tư để nhanh chóng thoát khỏi trì trệ, khủng hoảng. 

Dẫn chứng cho câu chuyện cải cách độc quyền trong ngành điện, Báo cáo nghiên cứu Cải cách độc quyền nhà nước trong ngành công nghiệp mạng lưới ở Việt Nam chỉ ra rằng, trước khi Luật Điện lực năm 2004 được ban hành, Tập đoàn Điện lực Viêt Nam (EVN) độc quyền toàn bộ quy trình sản xuất, kinh doanh điện. 

Nhờ cải cách, cho nhiều thành phần tham gia, mà hiện tại, EVN không còn là đơn vị duy nhất trong khâu sản xuất điện, giúp quy mô thị trường phát điện cạnh tranh không ngừng được mở rộng.

Tất nhiên, điện vẫn đang là ngành độc quyền cao, đặc biệt ở khâu truyền tải, phân phối, bán lẻ, khi EVN đang nắm độc quyền các phân khúc từ mua buôn điện, truyền tải điện, đến phân phối/bán lẻ điện.. mà ngành điện cần tiếp tục cải cách trong thời gian tới.

Báo cáo nghiên cứu kiến nghị tiếp tục cải cách và lưu ý xác định khâu trọng tâm cần duy trì sở hữu nhà nước; có cách thức quản lý, giám sát phù hợp, tránh chuyển từ độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với ngành đường sắt, cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; thành lập cơ quan độc lập quản lý hạ tầng đường sắt, có cơ chế tiếp cận, kết nối hạ tầng mạng đường sắt công bằng, đảm bảo cho các chủ tàu mới tham gia kinh doanh vận tải đường sắt cạnh tranh... 

Trong lĩnh vực hàng không, những khuyến nghị đáng lưu ý bao gồm: đảm bảo khả năng tiếp cận cảng hàng không công bằng, bình đẳng cho các hãng hàng không; thực hiện giám sát giá tiếp cận các dịch vụ cảng hàng không; ban hành cơ chế kiểm soát đơn vị quản lý các cảng hàng không…  

Đối với ngành viễn thông, cơ quan điều tiết ngành được đề nghị thực hiện giám sát, ngăn chặn tình trạng liên kết độc quyền, thống lĩnh thị trường.

Độc quyền nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới: Nhìn từ "điển hình" của ngành đường sắt
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là ví dụ điển hình về độc quyền nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới, với vị thế độc quyền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư