Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Đối mặt với làn sóng phẫu thuật thẩm mỹ “chui”
Dương Ngân - 30/03/2022 07:47
 
Nhiều phụ nữ tìm tới thẩm mỹ viện, spa để làm đẹp, song có những trường hợp đã một đi không trở về, số khác thì không những không đẹp lên, mà còn phải chịu những di chứng nặng nề.
Căn phòng ổ chuột, nơi thực hiện kỹ thuật nâng ngực chui tại quận 7, TP.HCM
Căn phòng ổ chuột, nơi thực hiện kỹ thuật nâng ngực chui tại quận 7, TP.HCM.

Biết rồi, khổ lắm, nói mãi

Đã có hàng trăm câu chuyện về những ca biến chứng kinh hoàng sau khi làm đẹp như biến dạng khuôn mặt, nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, hoại tử da, vỡ túi ngực, sốc, tử vong. Các cơ quan truyền thông, báo chí đã liên tiếp cảnh báo nguy cơ tổn hại sức khỏe khi làm đẹp mà không tìm hiểu kỹ, nhưng người dân dường như vẫn phớt lờ với tâm lý “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”.

Gần đây nhất, liên tiếp 2 ca tử vong sau phẫu thuật thẩm mỹ tại Hà Nội và TP.HCM một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo với cả người dân và cơ quan quản lý nhà nước.

Cụ thể, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho hay, cơ quan này đang điều tra vụ việc chị P.T.D.H. (22 tuổi, quê Long An, tạm trú tại Hà Nội) tử vong sau 2 tháng hôn mê vì phẫu thuật thẩm mỹ.

Khi thị trường làm đẹp đang hỗn loạn như hiện nay, bản thân người dân trước khi muốn làm đẹp cần có sự tư vấn từ bác sỹ chuyên ngành sâu. Nâng cao hiểu biết khoa học vẫn là chốt an toàn lớn nhất để bảo vệ mình.

Trước đó, ngày 14/1, chị P.T.D.H. đến cơ sở thẩm mỹ được bạn giới thiệu để nâng mũi. Một ngày sau, gia đình nạn nhân nhận được thông tin của Bệnh viện Bạch Mai thông báo về tình trạng nguy kịch của chị. Dù được tích cực cứu chữa, nhưng sau 2 tháng hôn mê, khoảng 23h ngày 16/3, chị H. đã tử vong.

Cùng ngày, Công an quận Tân Bình (TP.HCM) phối hợp cùng Thanh tra Sở Y tế TP.HCM và các đơn vị liên quan điều tra vụ một phụ nữ tử vong khi phẫu thuật nâng ngực tại Bệnh viện 1A (Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM). Nạn nhân là chị N.T.N.N. (32 tuổi, ngụ TP.HCM) đã đến Bệnh viện 1A để thực hiện phẫu thuật nâng ngực.

Trước đó, năm 2021, tại TP.HCM liên tiếp ghi nhận nhiều vụ tai biến thẩm mỹ khiến một số nạn nhân bị biến chứng tử vong.

Điển hình là trường hợp bệnh nhân N.T.N.T. (50 tuổi, ngụ quận Bình Tân) đến một bệnh viện thẩm mỹ ở quận Tân Bình để hút mỡ bụng.

Một ngày sau, người nhà phát hiện bà T. có dấu hiệu nguy kịch và yêu cầu chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, nhưng bệnh nhân đã tử vong với chẩn đoán bị sốc nhiễm trùng, viêm cân mạc hoại tử (viêm hoại tử sâu thành bụng).

Bác sỹ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt, tạo hình và thẩm mỹ (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) kể, ông đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân gặp tai biến khi làm đẹp, song tới cấp cứu chậm, khiến họ mất thị lực vĩnh viễn hoặc phải bỏ nhãn cầu để thay mắt giả suốt đời. Nhiều trường hợp sau khi nâng mũi không chỉ bị mất thị lực, mà còn liệt nửa người.

Mỗi năm, Việt Nam có trên dưới chục ca mù hoàn toàn sau khi nâng mũi bằng tiêm chất làm đầy. Các biến chứng có thể nhẹ như nhiễm trùng nông, tới hoại tử da, hoặc nặng như sốc phản vệ, sốc nhiễm trùng hoặc tắc mạch gây nguy hiểm đến tính mạng.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Vài năm trở lại đây, nhu cầu làm đẹp tăng mạnh. Việt Nam đối mặt với một làn sóng các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ “chui”. Rất nhiều cơ sở không được phép như spa, cửa hàng cắt tóc, gội đầu, chăm sóc da, phun xăm thẩm mỹ cũng làm phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ. Họ truyền nhau cách làm, tự mua, mượn máy móc thực hiện.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, các hoạt động phẫu thuật, thủ thuật như nâng ngực, nâng mũi, tạo hình hai mí, độn cằm, tiêm filler hay botox phải được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa được cấp phép và do bác sỹ chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ thực hiện. Bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ ở các nước phát triển phải qua đào tạo từ 12 tới 14 năm mới được hành nghề.

Với một “rừng” cơ sở làm đẹp hiện nay, người dân rất khó phân biệt các trung tâm, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép với các “viện thẩm mỹ” thực tế chỉ có chức năng chăm sóc da, tóc, móng tay.

Các tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ xảy ra chủ yếu ở các cơ sở không phép, cơ sở “chui”. Tại sao các lực lượng chức năng tại cơ sở không phát hiện ra, mà chỉ đến khi hậu quả xảy đến mới tiến hành điều tra, xử lý?

Nhiều ý kiến cho rằng, qua sự việc cô gái 22 tuổi bị chết sau phẫu thuật thẩm mỹ ở Hà Nội, cơ quan chức năng cần xem xét, siết chặt công tác quản lý đối với các hoạt động thẩm mỹ, kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở thẩm mỹ hoạt động trái phép, xử lý nghiêm minh các cán bộ buông lỏng quản lý, dung túng cho sai phạm.

Với trường hợp tử vong trong quá trình nâng ngực tại Bệnh viện 1A, nếu quy trách nhiệm, có ý kiến cho rằng, cả bác sỹ gây mê và phẫu thuật viên chính đều có lỗi. Sở dĩ như vậy là do, nguyên tắc trong vòng 6 tiếng đồng hồ phẫu thuật cần phải theo dõi sát biểu hiện của bệnh nhân, gồm mạch, huyết áp, nhịp thở, nhịp tim, nồng độ ô-xy trong máu, điện tâm đồ, song các nhân viên tại đây đã lơ là nhiệm vụ. Không những vậy, họ còn trốn tránh, giấu người nhà của bệnh nhân khi bệnh nhân đã tử vong.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý, theo bác sỹ Nguyễn Hồng Hà, việc thẩm định cấp phép cho một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ đòi hỏi đáp ứng rất nhiều yếu tố, trong đó bắt buộc phải có phòng mổ, các trang thiết bị máy móc và hệ thống hồi sức cấp cứu. Cơ quan chức năng cần tiến hành thẩm định nghiêm túc, trách nhiệm. Về phần nhân sự, quan trọng nhất vẫn phải có người đảm bảo trình độ chuyên môn và kinh nghiệm; bên cạnh sự giám sát về chuyên môn bởi cơ quan y tế địa phương.

Để tránh những ca tử vong hay biến chứng nặng nề gây ra bởi phẫu thuật thẩm mỹ, Bộ Y tế, sở y tế và các phòng - trung tâm y tế cấp quận/huyện phải có cơ chế quản lý. Theo đó, các địa phương (cụ thể là UBND và công an phường/xã hoặc các tổ dân phố, ấp...) đều phải có trách nhiệm giám sát.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư