Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đối phó dịch COVID-19: Cần thúc đẩy cả sản xuất và tiêu thụ
Nguyên Vũ - 10/03/2020 08:54
 
Theo ông Nguyễn Hữu Quang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, giãn, giảm thuế hay giảm lãi suất đều cần thiết. Nhưng thời điểm này, quan trọng hơn là cần có giải pháp thúc tổng thể, thúc đẩy cả sản xuất và tiêu thụ.

Như Báo Đầu tư đã đưa tin, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cuộc chiến chống dịch COVID-19 bắt đầu sang một giai đoạn mới.

Trước đó, Thủ tướng cũng đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng đang chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh, Bộ Tài chính đã có những đề xuất liên quan đến thuế để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, nên triển khai nhanh việc giãn thuế nhập khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu được nguyên liệu sản xuất, để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.

.
Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Theo Phó chủ nhiệm Nguyễn Hữu Quang, vấn đề còn nằm ở khâu tiêu thụ chứ không chỉ ở khâu sản xuất, vì thế quan trọng là phải có giải pháp toàn diện, thúc đẩy cả sản xuất và tiêu thụ. Bởi phải có thị trường thì mới thúc đẩy sản xuất, bởi cho dù có sản xuất ra đấy nhưng không tiêu thụ được thì kinh tế vẫn trì trệ.

"Nhiều người lo lắng là làm thế nào để đảm bảo sản xuất, nhưng cái đó không phải là gốc, hiện nay kinh tế có sự trì trệ là sự thật khách quan phải chấp nhận. Chỉ nói riêng ngành du lịch, dịch vụ, vì chống dịch thì phải hạn chế nhập cảnh, trước đây khách sạn giá thuê 1 triệu 1 đêm, giờ 500 ngàn một đêm có khi cũng không có khách thuê", ông Quang nói.

Trả lời câu hỏi trong vai trò đại biểu Quốc hội, ông có dự định đề xuất cơ chế, chính sách gì để cùng Chính phủ tháo gỡ cho doanh nghiệp, ông Quang cho rằng trước tiên Chính phủ phải chủ động đề xuất. Vì có những nội dung không cần chờ đến họp Quốc hội mới có thể quyết được.

Chẳng hạn, việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho người dân như Bộ Tài chính đề xuất mới đây thì thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì mỗi tháng họp một lần, Quốc hội một năm chỉ họp hai lần.

Ông Quang cũng cho biết, đến ngày 9/3, Ủy ban Tài chính -  Ngân sách của Quốc hội (cơ quan được giao chủ trì thẩm tra những đề xuất liên quan đến ngân sách thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội) chưa nhận được đề xuất nào từ Chính phủ liên quan đến tài chính, thuế. 

Cũng trả lời câu hỏi về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực để vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn này, chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, thực hiện được đầy đủ các giải pháp tại Chỉ thị 11/CT-TTg là đã rất tốt trong bối cảnh hiện nay.

Trước hết, phải nhìn nhận rằng, tác động tiêu cực của Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng tại thời điểm này là chưa thể lường hết được. Diễn biến tình hình còn quá phức tạp, nên việc chống dịch là ưu tiên hàng đầu, Chính phủ đã đưa ra thông điệp khá rõ: vì sức khỏe của nhân dân có thể hy sinh về kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu là phải tập trung mọi nỗ lực để bảo đảm  các hoạt động của nền kinh tế và hơn thế nữa phải tập trung các giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua các tác động tiêu cực của dịch.

Theo chuyên gia Trần Du Lịch, không đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng GDP của năm 2020, mà phấn đấu thực hiện ở mức cao nhất có thể được. Tuy nhiên, dù không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, nhưng cũng phải dự báo các kịch bản tăng trưởng để cân đối các yếu tố có liên quan như đầu tư, ngân sách, tín dụng, lãi suất, lạm phát...

"Tôi nghĩ rằng, Chính phủ không điều chỉnh mục tiêu tăng GDP không có nghĩa là không tính toán các phương án phát triển và giải pháp thực thi. Chỉ thị 11/CT-TTg mà Thủ tướng vừa ban hành đã nói lên điều đó", ông Lịch trao đổi với Báo Đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam sẽ chặn đứng dịch bệnh COVID-19
Cho rằng cuộc chiến chống dịch COVID-19 bắt đầu sang một giai đoạn mới, Thủ tướng nêu rõ Việt Nam sẽ kiểm soát tốt và chặn đứng dịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư