Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 18 tháng 09 năm 2024,
Đối thoại với TP.HCM, doanh nghiệp FDI mong thủ tục đầu tư, lao động thông thoáng hơn
Trọng Tín - 18/09/2024 14:03
 
Cộng đồng doanh nghiệp FDI cho rằng còn nhiều vấn đề mà TP.HCM và các tỉnh phía Nam cần phải thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi cũng như thu hút dòng vốn mới từ các nhà đầu tư.

Ngày 18/9, UBND TP.HCM phối hợp với Liên minh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình đối thoại chính sách năm 2024 với chủ đề “Tạo động lực cho tăng trưởng bền vững: Tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng”.

Tại buổi đối thoại, cộng đồng doanh nghiệp FDI cho rằng, TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam đã có nhiều thiện chí, cải thiện những đề xuất mà cộng đồng doanh nghiệp FDI đã đưa ra.

Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển mới hiện nay, còn nhiều vấn đề mà các tỉnh thành nói chung cần phải thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi cũng như thu hút được dòng vốn mới từ các nhà đầu tư.

 Cộng đồng doanh nghiệp FDI cho rằng, để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư, Việt Nam cần phải cải thiện hạ tầng giao thông, giảm chi phí logistics, và phát triển các giải pháp bền vững trong vận tải và logistics xanh.

Ông Seck Yee Chung, Đồng trưởng nhóm Đầu tư và Thương mại VBF cho biết, theo quy định, đối với một ngành mà Việt Nam không cam kết trong bất kỳ điều ước quốc tế nào, nếu pháp luật Việt Nam không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành đó và không có điều kiện nào ngay cả khi áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước, thì họ vẫn có quyền thực hiện ngành đó tại thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế, khi xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho hoạt động đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực chưa có cam kết trong các điều ước quốc tế, ông nhận thấy nhiều vướng mắc từ các cơ quan có thẩm quyền khi đưa ra quan điểm còn quá khuôn khổ trong việc chấp thuận cho nhà đầu tư, mặc dù giải trình đã nêu rõ ràng và đầy đủ về việc tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Điều này đã gây ra nhiều trở ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài, có thể ảnh hưởng đến bối cảnh đầu tư chung vào Việt Nam.

Ngoài ra, ông cũng ghi nhận việc quá tải khối lượng công việc của một số cơ quan đăng ký doanh nghiệp, dẫn đến việc các hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại một số địa phương bị tồn đọng.

Thời gian giải quyết hồ sơ bị kéo dài hơn thời gian quy định theo luật. Thậm chí, có thể kéo dài đến hơn 1 tháng cho hồ sơ điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong khi đó, thời gian theo luật định để thực hiện thủ tục này chỉ là 3 ngày làm việc.

Trong nhóm lao động việc làm, ông Colin Blackwell, Trưởng Nhóm Nguồn Nhân lực VBF cũng đề nghị cần thiết mở rộng hiệu lực về mặt địa lý của giấy phép lao động. Quy định hiện hành đòi hỏi người lao động phải xin giấy phép lao động tại nơi dự kiến làm việc và cập nhật từng địa điểm làm việc khi người lao động được cử đi làm việc ở các địa phương khác nhau là không thực tế trong nhiều trường hợp.

Thay vào đó, việc cấp một giấy phép lao động duy nhất tại địa điểm đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và thực hiện báo cáo khi người lao động được cử đi công tác từ 30 ngày trở lên tại một địa phương khác sẽ hiệu quả và mang tính thực tiễn hơn.

Hai là đảm bảo việc áp dụng nhất quán quy định pháp luật trên các tỉnh/thành phố. Hiện nay, tuy cùng một nội dung pháp luật nhưng các địa phương lại có thể có cách diễn giải khác nhau. Các cơ quan địa phương thực hiện theo đúng khung pháp lý, đảm bảo rằng các quy được áp dụng thống nhất. Điều này sẽ tạo ra khả năng dự đoán tốt hơn cho các doanh nghiệp hoạt động tại nhiều địa phương khác nhau.

Ba là đơn giản hóa quy trình xét duyệt trước khi tuyển dụng người nước ngoài. Cuối cùng là cho phép các trường hợp ưu tiên xử lý nhanh hồ sơ cấp giấy phép lao động đối với các dự án có tác động lớn, các dự án có khoản đầu tư lớn hoặc dự án có hồ sơ tuân thủ tốt...

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại sự kiện.

Còn ông Trần Anh Đức, Đồng trưởng nhóm đầu tư và thương mại VBF, cũng nêu ra một số vướng mắc về chuyển đổi phương tiện vận tải truyền thống sang xe điện; hạ tầng hàng không, việc tắc nghẽn tại cửa khẩu hàng không quốc tế ảnh hưởng đến trải nghiệm của các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài khi đến Việt Nam.

Các doanh nghiệp cho rằng Việt Nam vẫn thiếu một trung tâm logistics quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Ông Đức nhấn mạnh rằng mặc dù còn nhiều thách thức, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất lạc quan về tiềm năng của thị trường logistics Việt Nam. Với vị trí chiến lược tại khu vực châu Á, cùng với nhu cầu nội địa lớn, Việt Nam có nhiều cơ hội để trở thành trung tâm sản xuất và logistics quan trọng trong khu vực.

“Tuy vậy, để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư, Việt Nam cần phải cải thiện hạ tầng giao thông, giảm chi phí logistics, và phát triển các giải pháp bền vững trong vận tải và logistics xanh”, ông Đức đề xuất.

Trước ý kiến của các nhà đầu tư, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết Thành phố và các tỉnh thành sẵn sàng hợp tác, đồng hành cùng các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp FDI trong giải quyết các vấn đề khó khăn vướng mắc liên quan đến chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp FDI nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Từ đó, khuyến khích nhà đầu tư có sự cam kết đầu tư dài hạn, chiến lược tại thành phố và vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Hoan, với những diễn biến địa chính trị, cạnh tranh thương mại đang diễn ra, bức tranh kinh tế thế giới chưa thật sự có nhiều điểm sáng, trong khi nguồn cung và giá năng lượng, hàng hóa thiết yếu biến động mạnh.

Do đó, yếu tố phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới và kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn.

Tại các quốc gia, tốc độ đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh, việc hình thành các trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo giữa các thành phố lớn ngày càng gia tăng đáng kể. Cuối cùng là chuyển đổi năng lượng từ năng lượng hóa thạch, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng này sang các nguồn năng lượng sạch ngày càng phổ biến và sâu rộng.

Trong bối cảnh đó, Thành phố đã ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 – 2030 nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2030.

Thành phố đã và đang xây dựng các định hướng và chính sách nhằm tạo động lực cho tăng trưởng bền vững, tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng. Trong đó, tập trung thúc đẩy các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ tài chính xanh, và công nghiệp xanh; khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang các mô hình sản xuất tiên tiến, sạch và bền vững.

Doanh nghiệp FDI đóng góp gần 72% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước
Tính đến hết tháng 8/2024, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 265,44 tỷ USD, tăng 15,9%, trong đó doanh nghiệp FDI đóng góp 190,08 tỷ USD,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư