Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 09 năm 2024,
Nike gặp khó với giấy phép lao động nước ngoài tại TP.HCM
Trọng Tín - 16/09/2024 11:47
 
Nike cho biết TP.HCM là nơi duy nhất yêu cầu nộp hồ sơ xin giấy phép lao động nước ngoài vào Việt Nam theo từng đợt, cũng như quy trình tuyển dụng tại Thành phố đã gây khó cho doanh nghiệp.

Trước thềm chương trình đối thoại chính sách 2024 do UBND TP.HCM và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức vào ngày 18/9 tới, cộng đồng doanh nghiệp FDI đã gửi ý kiến phản ánh những vướng mắc mà họ gặp phải trong quá trình hoạt động tại TP.HCM cũng như một số tỉnh, thành phía Nam.

Cụ thể, Nike cho biết hiện tại, TP.HCM yêu cầu các công ty chỉ có thể nộp hồ sơ xin giấy phép lao động sau khi các hồ sơ trước đó đã hoàn tất. Điều này đã gây ra sự chậm trễ đáng kể trong việc đưa lao động nước ngoài vào Việt Nam.

Nghiên cứu thủ tục tại các địa phương khác, Nike cho biết, TP.HCM là nơi duy nhất yêu cầu nộp hồ sơ xin giấy phép lao động theo từng đợt. Trên thực tế, tần suất hoặc thời điểm một doanh nghiệp cần nộp hồ sơ xin giấy phép lao động phụ thuộc vào nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp.

“Chúng ta cần phản ứng nhanh hơn để có thể thực hiện quy trình phê duyệt giấy phép lao động khi cần. Chính sách phê duyệt theo lô hiện tại tạo ra tình trạng tồn đọng và những thách thức bổ sung cho hoạt động kinh doanh”, Nike cho biết.

Nike cho biết TP.HCM là nơi duy nhất yêu cầu nộp hồ sơ xin giấy phép lao động theo từng đợt. Chính sách này tạo ra tình trạng tồn đọng và những thách thức bổ sung cho hoạt động kinh doanh.

Quy trình tuyển dụng tại TP.HCM cũng gây khó cho doanh nghiệp. Nike cho hay, công ty được yêu cầu phải phỏng vấn 3 ứng viên được cơ quan có thẩm quyền lựa chọn và báo cáo kết quả phỏng vấn cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

Yêu cầu này đặt ra một số thách thức. Đầu tiên là tạo ra một lượng lớn tồn đọng và khối lượng công việc cho viên chức nhà nước. Đó là một thách thức để tìm được đúng nhân viên để đánh giá hàng ngàn yêu cầu công việc khác nhau trên nhiều lĩnh vực, nhiều công việc chắc chắn nằm ngoài khả năng hiểu biết và kiến thức của một nhân viên.

Về phía doanh nghiệp, yêu cầu này đang trì hoãn quá trình tuyển dụng và công ty tuyển dụng không còn khả năng tự tuyển dụng những người mà họ đánh giá là phù hợp nhất cho công việc.

Nike cho rằng việc đăng tin tuyển dụng thông qua cổng thông tin của Chính phủ theo Luật định là để khuyến khích tuyển dụng nhân tài địa phương, đây là điều đúng đắn cần làm.

Tuy nhiên, tại các tỉnh khác, cơ quan chức năng đang thực hiện theo Nghị định 70/2023/NĐ-CP mà không bổ sung yêu cầu doanh nghiệp phải phỏng vấn 3 ứng viên được cơ quan có thẩm quyền lựa chọn và báo cáo kết quả phỏng vấn cho cơ quan có thẩm quyền.

Nhóm công tác Nguồn nhân lực của VBF cũng nhìn nhận Nghị định 84/2024/NĐ-CP về thí điểm phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền cho TP.HCM đã ủy quyền xử lý phê duyệt vị trí công việc và hồ sơ xin giấy phép lao động từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho UBND TP.HCM, và thông thường các hồ sơ này được xử lý bởi Sở Lao động Thương Binh và Xã hội Thành phố.

Cho đến nay, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội đã ngừng tiếp nhận các hồ sơ này nhưng cả UBND TP.HCM và Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội Thành phố vẫn chưa bắt đầu tiếp nhận và xử lý các hồ sơ này.

UBND TP.HCM và Sở Lao động,  Thương binh và Xã hội TP.HCM nên phối hợp giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt vì có nhiều hồ sơ khẩn cấp từ các doanh nghiệp cần được nộp.

Còn tại Bình Dương, Nhóm công tác Nguồn nhân lực của VBF cũng chỉ ra Sở Lao động Thương Binh và Xã hội địa phương này không công nhận hình thức/danh mục công việc của Giám đốc, Giám đốc Điều hành, Chuyên gia và Kỹ thuật viên (MEDET) như quy định tại Nghị định 152 /2020/NĐ-CP.

Trong khi ở các tỉnh khác, hình thức này được các doanh nghiệp sử dụng trong trường hợp phân công một nhân viên làm việc cho một chi nhánh của cùng một công ty, mà không phải là công ty mẹ của pháp nhân Việt Nam và do đó không được coi là chuyển nhượng nội bộ theo luật pháp Việt Nam.

Gần 80 tỷ đồng tiền hoàn thuế của Itochu bị "ngâm" 2 năm

Công ty TNHH Itochu Việt Nam cho biết, công ty đáp ứng đầy đủ điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định, nhưng Cục Thuế chậm giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng của Công ty trong thời gian dài (2 năm) do Cục Thuế xác định Công ty có mua hàng của các nhà cung cấp có rủi ro về hóa đơn và yêu cầu xác minh.

Theo đó, Công ty đã giải trình nhiều lần về giao dịch mua bán hàng hoá nhưng đến nay Cục Thuế vẫn chưa kết luận và có hướng giải quyết dứt điểm cho công ty, làm ảnh hưởng đến dòng tiền của Công ty lên đến hàng chục tỷ đồng tiền hoàn thuế.

Itochu là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, có hoạt động chính là nhập khấu hạt nhựa để xuất khẩu và mua thép phế liệu từ nội địa và bán lại cho khách hàng nội địa.

Công ty đã nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế đầu vào đối với hoạt động xuất khẩu hạt nhựa cho kỳ từ 10/2020 – tháng 4/2022 đến Cục Thuế vào tháng 6/2022 và đã được Cục Thuế tiến hành kiểm tra trước hoàn thuế từ tháng 6/2022 đến nay.

Tuy nhiên, quá trình xác minh của Cục Thuế kéo dài từ năm 2022 đến nay mà Cục Thuế vẫn chưa kết luận, giải quyết hồ sơ hoàn thuế của Công ty, trong khi Công ty đã tích cực phối hợp cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng từ mua bán với các nhà cung cấp này, kể cả chứng từ vận chuyển hàng hoá từ khâu của các nhà cung cấp cấp 2 cho đến khách hàng của Công ty để chứng minh tính có thực của luồng vận chuyển hàng hoá.

Itochu Việt Nam cho biết số tiến thuế bị tồn đọng lên đến gần 80 tỷ đồng, và việc chậm trễ trong xử lý hồ sơ hoàn thuế đã gây ảnh hưởng lớn về dòng tiền của Công ty trong khi tình hình hoạt động kinh doanh của Công ty đang gặp rất nhiều khó khăn. Đồng thời, cũng ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện chính sách hoàn thuế của Chính phủ, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư.
TP.HCM thắt chặt quản lý lao động nước ngoài
Vẫn còn thiếu sự liên thông, kết nối dữ liệu giữa các cơ quan quản lý trong hoạt động quản lý lao động nước ngoài.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư