Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 12 năm 2024,
Đón cơ hội “độc nhất vô nhị” trong ngành bán dẫn
Hà Nguyễn - 12/11/2024 09:01
 
Không chỉ là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mà mục tiêu của Việt Nam còn là hướng tới xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tiên tiến, hấp dẫn của khu vực và thế giới.
Việt Nam đã có những động thái tích cực để đón nhận các cơ hội của ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh: shutterstock

Cơ hội “độc nhất vô nhị”

Triển lãm Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam (SEMIExpo Việt Nam 2024) đã kết thúc tốt đẹp, sau dày đặc các hoạt động triển lãm, hội thảo, tọa đàm và kết nối hợp tác đầy ý nghĩa và hiệu quả. Một trong những hành động đẹp đọng lại là việc đại diện các bộ, ngành, địa phương và các đối tác quốc tế, bao gồm các “ông lớn” ngành bán dẫn toàn cầu, cùng nhấn nút đánh dấu bước khởi đầu cho một quá trình hợp tác để “nâng tầm” ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

“Thông qua việc mở rộng quan hệ với các đối tác bán dẫn uy tín trên thế giới, Việt Nam đã và đang thực hiện phương châm ‘muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau’, luôn đồng hành cùng các đối tác, doanh nghiệp để từng bước khẳng định được vị trí trong bản đồ bán dẫn thế giới”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.

Tư tưởng cởi mở này của ông, hay rộng hơn là của Chính phủ Việt Nam, nhận được sự đồng tình của đông đảo nhà đầu tư quốc tế. Thậm chí, ông Hans Duisters, Nhà sáng lập Brainport Industries, Giám đốc điều hành và Nhà sáng lập Tập đoàn Sioux Technologies (Hà Lan) nói, ông rất thích tư duy cởi mở đó. “Tôi muốn đến Việt Nam, vì nghe Bộ trưởng nói, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, ông chia sẻ.

Hans Duisters không phải là nhà đầu tư duy nhất muốn đến Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp lớn như Intel, Samsung, Amkor, rồi Cadence, Synosyps, Qorvo, Siemens, Marvell, ARM, Infineon… đã đặt nhà máy và thiết lập các quan hệ hợp tác tại Việt Nam. Tuy vậy, trong bối cảnh Việt Nam được xác định là có vai trò vô cùng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu ngành bán dẫn, sẽ ngày càng có nhiều nhà đầu tư hơn nữa tìm đến Việt Nam.

Việt Nam, theo bà Mariam Sherman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới, đã trở thành nước lớn thứ 3 xuất khẩu các sản phẩm bán dẫn vào Hoa Kỳ và có cơ hội để chuyển mình từ một trung tâm sản xuất thành một trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trong đó có ngành bán dẫn.

“Việt Nam đang có vị trí tốt để khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu từ thiết kế mạch tích hợp, lắp ráp, thử nghiệm đến đóng gói”, ông KC Ang, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn khu vực Đông Nam Á của SEMI, Chủ tịch khu vực châu Á Global Foundries nói và khẳng định, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ và các lãnh đạo ngành chủ chốt, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sáng tạo năng động và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhưng tham vọng của Việt Nam không dừng lại ở đó. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn hướng tới xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tiên tiến, hấp dẫn của khu vực và thế giới, giúp Việt Nam tự chủ và phát triển bền vững trong lĩnh vực này”.

Đó chính là cơ hội mà theo ông Arnaud Ginolin, Giám đốc Điều hành và Đối tác tại Boston Consulting Group (BCG), là “độc nhất vô nhị” của Việt Nam. Việt Nam không chỉ thuận lợi về địa chính trị, mà còn có các chính sách tiên phong trong thu hút đầu tư để trở thành một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn toàn cầu.

Chờ đợi sự chuyển mình

Việt Nam đã có những động thái tích cực để đón nhận các cơ hội của ngành công nghiệp bán dẫn. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định điều đó và nhắc tới việc một chiến lược quốc gia bài bản đã được ban hành, kèm theo một đề án về phát triển 50.000 nhân lực bán dẫn đến năm 2030…

Việt Nam cũng bước đầu phát triển được hệ sinh thái trong ngành này, với sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và cam kết đồng hành của các đối tác quốc tế. Việc tổ chức SEMIExpo 2024 cũng là một bước đi quan trọng, không chỉ là một sự kiện kết nối, mà còn là “nơi khởi đầu cho những kế hoạch hợp tác dài hạn”, nơi các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng phát triển và lợi ích khi đồng hành cùng Việt Nam.

Với quyết tâm cao của Chính phủ, với chiến lược rõ ràng, với chính sách cạnh tranh, hấp dẫn, với lợi thế về nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ vươn lên đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu ngành bán dẫn.

- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Trong cuộc đối thoại cấp cao giữa Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới và Việt Nam trong lĩnh vực này, rất nhiều cam kết đã được đưa ra. “Trong vòng 1 năm qua, chúng tôi đã tăng 30% nhân sự tại Việt Nam và thời gian tới, sẽ tiếp tục tăng tốc mở rộng các hoạt động đầu tư tại Việt Nam”, ông Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam nói.

Nhiều nhà đầu tư cũng “hiến kế” để Việt Nam có thể tận dụng các cơ hội, chuyển mình và “nâng tầm” ngành công nghiệp bán dẫn. “Việt Nam không thể sao chép y nguyên, mà cần có con đường riêng”, ông Arnaud Ginolin nói và nhắc đến việc “muốn đi xa thì đi cùng nhau”, song cần đi nhanh hơn nữa, đi thật nhanh, vì nếu không, có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội.

Bên cạnh nhân lực, sự chuẩn bị về cơ sở hạ tầng là rất quan trọng. Hơn nữa, trong bối cảnh thế giới đang đề cao vấn đề phát triển bền vững, đòi hỏi còn là năng lượng xanh và nước sạch, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên nước. “Nếu Việt Nam muốn thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, thì khi xây dựng hạ tầng, phải có tầm nhìn vài chục năm”, ông CS Chua, Chủ tịch, kiêm Giám đốc Infineon Technologies châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ.

Thiết kế, đóng gói và kiểm thử là hai khâu quan trọng trong quy trình sản xuất bán dẫn. Việt Nam đang xác định trước tiên hướng đến phát triển và thu hút đầu tư trong hai lĩnh vực này. Tuy vậy, khâu sản xuất không phải là không được tính đến, một khi mục đích là hướng tới xây dựng một hệ sinh thái cho toàn ngành.

Các nhà đầu tư quốc tế cho rằng, để xây nhà máy, cần nguồn lực 5-7 tỷ USD/nhà máy. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam cần có chính sách mạnh mẽ, như sẵn sàng chung tay hỗ trợ một nguồn tài chính có thể lên tới 2 tỷ USD/dự án. Đây là điều mà nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện để thu hút đầu tư trong ngành bán dẫn.

Cơ chế, chính sách, các thủ tục đầu tư trong ngành bán dẫn là điều được các nhà đầu tư quan tâm. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang trình Quốc hội nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút đầu tư vào công nghệ cao, trong đó có ngành bán dẫn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự kiến trong năm 2024, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tạo tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao…, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Đến năm 2050, quy mô doanh thu ngành bán dẫn Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư