Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Đón sóng TPP, doanh nghiệp Hoa Kỳ tấp nập đến Việt Nam
Vũ Anh - 06/03/2014 16:23
 
Nếu Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ ngày càng quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam.

Đó là điều ông Joe Massey, Chủ tịch Global Reach K.K (Hoa Kỳ) nhấn mạnh với doanh nghiệp Việt Nam tại buổi Gặp gỡ Doanh nghiệp hai nước được tổ chức sáng nay (6/3). Cuộc gặp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Liên minh phát triển Thương mại Seattle và Phòng Thương mại Seattle, Hoa Kỳ tổ chức.

Theo ông Joe Massey, lý do mà các công ty Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm đến Việt Nam chính là môi trường kinh tế vĩ mô đã được cải thiện rất đáng kể. Lạm phát và tỷ giá hối đoái được ổn định, điều này giúp các doanh nghiệp Hoa Kỳ yên tâm trong làm ăn, kinh doanh tại đây.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế các dự án còn hiệu lực của Hoa Kỳ tại Việt Nam tính đến ngày 20/2/2014 là 685 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 10,6 tỷ USD.

VCCI, doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Hoa Kỳ
Theo VCCI, Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong việc bỏ vốn tham gia vào quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2014.

Thực tế, sự tham gia của các nhà quản lý cấp cao từ hơn 30 tập đoàn hàng đầu Hoa Kỳ trong vài năm trở lại đây cho thấy sự quan tâm rất lớn của họ tới các cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Sự hấp dẫn trong môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam đã thể hiện rõ.

Nếu như năm 2013, chỉ có 22 doanh nghiệp Hoa Kỳ đến tìm hiểu và quan tâm đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam, thì đến đầu năm 2014, con số này đã tăng lên 33. Sự quan tâm này sẽ càng lớn hơn khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Việc gia nhập WTO đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và ngược lại. Hiện Hoa Kỳ là thị trường lớn và quan trọng của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam. Năm 2013, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ đạt giá trị khoảng 20 tỷ USD. Năm 2014, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường lớn và quan trọng của Việt Nam, dự kiến kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này sẽ tăng trưởng khoảng 10%.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã quen và hiểu thị trường Hoa Kỳ, từ đó có cách tiếp cận phù hợp và hiệu quả hơn với thị trường này. Mặt khác, doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam và có hướng chuyển sang mua một phần hàng Việt Nam thay vì các thị trường khác trong khu vực.

Tuy nhiên, xuất khẩu vào Hoa Kỳ luôn gặp khó khăn về rào cản thương mại, các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, có mặt hàng hết sức quan trọng đối với Việt Nam như thủy sản (tôm, cá basa, cá tra…) hay các mặt hàng giày dép, dệt may (hàng có kim ngạch lớn trong tổng xuất khẩu của Việt Nam).

Các doanh nghiệp Việt Nam có mặt tại cuộc gặp gỡ sáng nay đều cho rằng, do hạn chế về nguồn tài chính, chất lượng sản phẩm, thiếu thông tin và hiểu biết về luật lệ, cách thức kinh doanh, nên họ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trước thông tin trên, phía Liên minh phát triển Thương mại của Seattle, Hoa Kỳ cho biết, nếu biết chọn đúng mặt hàng và biết khai thác đúng lợi thế kinh doanh thì Việt Nam vẫn có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho hay, năm 2014 cơ hội càng mở thêm cho sự hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước.

“Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là các doanh nghiệp nhà nước. Chính vì vậy, Việt Nam kêu gọi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp quốc tế, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong việc bỏ vốn tham gia vào quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước”, bà Hằng nói.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng rất mong các doanh nghiệp Hoa Kỳ giúp đỡ Việt Nam trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, hóa chất, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, logistic…

Dệt may chạy đua với TPP
Dồn vốn vào các dự án đầu tư nguyên phụ liệu đang là cách để doanh nghiệp dệt may không bỏ lỡ cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư