Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Đồng bằng Sông Cửu Long gần hơn với du khách
Hải Hà - 12/11/2014 09:50
 
Đường bay trực tiếp của Hãng hàng không Vietjet Air từ Hà Nội và Đà Nẵng tới Cần Thơ giúp cho du khách ở hai khu vực trên thuận lợi hơn khi đến với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi được xem là điểm du lịch khá hấp dẫn.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Người dân đổ xô đến Khu du lịch Đại Nam, mọi ngả đường kẹt cứng
Khu du lịch Đại Nam nổi tiếng nhờ lý do gì?
Khai trương Vinpearl Phú Quốc đẳng cấp 5 sao
Nhiều tour du lịch giảm giá cuối năm
Các tỉnh thành vùng ĐBSCL sẽ liên kết 5 lĩnh vực

Ngày 17/10 vừa qua, Hãng hàng không Vietjet Air đã chính thức khai thác đường bay Hà Nội - Cần Thơ. Đây là đường bay thứ 2 của Hãng đến Cần Thơ cùng với đường bay Đà Nẵng - Cần Thơ đã khai thác trước đó từ ngày 22/7/2014.

   
  Lượng khách du lịch đến ĐBSCL thời gian tới chắc chắn sẽ tăng  

Hai đường bay trực tiếp này tạo điều kiện thuận lợi kết nối Cần Thơ với Hà Nội, trung tâm du lịch khu vực miền Bắc và Đà Nẵng, trung tâm du lịch của khu vực miền Trung để ĐBSCL khai thác tốt nhất các thế mạnh du lịch đặc thù. 

Công ty Du lịch Vietravel là một trong những công ty du lịch đang khai thác 8 tuyến du lịch đến khu vực ĐBSCL và đi tiên phong trong việc khai thác tuyến du lịch đưa khách trực tiếp từ Hà Nội đến ĐBSCL. Ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó tổng giám đốc Vietravel cho biết, trước đây, du khách từ Hà Nội và miền Trung đi các tour du lịch ở ĐBSCL phải trung chuyển ở TP.HCM.

“Như vậy, việc đưa vào khai thác 2 đường bay thẳng vừa rút ngắn khoảng cách, vừa tiết kiệm chi phí cho du khách. Chi phí cho khách du lịch từ Hà Nội và Đà Nẵng đến Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL sẽ giảm 30% so với trước”, ông Duy cho biết và kỳ vọng, 2 tuyến bay thẳng này sẽ tạo cân bằng về lượng khách đến ĐBSCL giữa Hà Nội và TP.HCM. Đây cũng là tiền đề cho phát triển du lịch ĐBSCL, khu vực giàu đặc trưng của sông nước, với sự giao thoa của 4 dân tộc lớn là Kinh, Hoa, Khmer và Chăm.

Năm 2008 là năm đặt dấu mốc cho phát triển du lịch toàn khu vực ĐBSCL, khi Hiệp hội Du lịch ĐBSCL chấm dứt việc phát triển du lịch nhỏ lẻ của từng tỉnh.

Ông Lê Thanh Phong, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết, du lịch của ĐBSCL sẽ được khai thác theo lợi thế của từng tỉnh, nhằm hình thành những tuyến du lịch hấp dẫn cho du khách thời gian tới.

Theo đó, Cần Thơ sẽ là điểm du lịch sinh thái sông nước miệt vườn. An Giang với đặc trưng hội tụ nhiều điểm du lịch tâm linh cùng với khu du lịch Hà Tiên giao thoa giữa hang động và đồng bằng tạo nhiều hang động đẹp. Cà Mau sẽ là khu vực thuận lợi phát triển du lịch sinh thái bởi đặc thù sinh thái Mũi Cà Mau có cả rừng ngập mặn và ngập ngọt (rừng Quốc gia Mũi Cà Mau và rừng U Minh Hạ)...

“Với việc hình thành 2 đường bay thẳng tạo cơ sở thuận lợi kết nối du khách với ĐBSCL, lượng khách du lịch đến ĐBSCL thời gian tới chắc chắn sẽ tăng. Các dự án lớn tại ĐBSCL cũng sẽ là đòn bẩy giúp du lịch vùng ĐBSCL phát triển, biến các tỉnh miền Tây trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách tại khu vực Hà Nội và miền Trung”, ông Phong khẳng định.

Tuy nhiên, ngoài việc hợp tác phát huy lợi thế vùng, mỗi tỉnh cũng có chiến lược riêng phát triển du lịch.

Điển hình về mặt này, có thể kể tới Bạc Liêu, khi từ năm 2011, tỉnh này đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Để triển khai có hiệu quả định hướng này, Bạc Liêu đã liên kết, hợp tác với 30 tỉnh, thành phố và 20 hãng lữ hành. 

Kết quả bước đầu cho thấy, tỉnh này đã đi đúng hướng. Nếu năm 2011, Bạc Liêu mới đón 530.400 lượt du khách, thì năm 2013, con số này đã là 760.000 lượt và năm 2014 ước đạt 900.000 lượt khách.

Tương tự, năm 2011, doanh thu từ du lịch của Bạc Liêu đạt 469 tỷ đồng, thì đến năm 2013 đạt 700 tỷ đồng và năm 2014 ước đạt khoảng 810 tỷ đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư