Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Động thái nào chi phối Diễn đàn VBF 2014
Khánh An - 02/12/2014 08:31
 
Nhận định về Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra hôm nay, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, những động thái tích cực của môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ chi phối không khí của kỳ VBF này.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
6 vấn đề VBF 2014 sẽ đối thoại
Phải từ chối chi lót tay, bôi trơn nhà chức trách
Doanh nghiệp gửi 10 kiến nghị tới Chính phủ

Với tư cách là đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, ông nhận định thế nào về không khí VBF lần này?

  Động thái nào chi phối Diễn đàn VBF 2014  
  Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đồng Chủ tịch VBF 2014  

Tôi cho rằng, cả cộng đồng doanh nghiệp và đại diện các cơ quan Chính phủ sẽ đến cuộc đối thoại thường niên này với tâm lý thoải mái, tin tưởng và nhiều kỳ vọng tích cực.

Có nhiều lý do để nhận định như vậy. Môi trường kinh doanh Việt Nam - trọng tâm của các cuộc đối thoại tại VBF, đang đón nhận nhiều thông tin tốt.

Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII vừa kết thúc cuối tuần trước đã thông qua nhiều bộ luật liên quan đến đến hoạt động đầu tư - kinh doanh của doanh nghiệp, như Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh… Môi trường pháp lý thể hiện rõ tư duy hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo quyền kinh doanh của người dân, doanh nghiệp…

Các thủ tục liên quan đến thuế, hải quan và ngay cả tiến độ cải cách doanh nghiệp nhà nước, vốn là những điểm nóng của nhiều kỳ VBF trước đó, đều có những cải cách tích cực. Cùng với đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Niềm tin kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đang trong xu hướng trở lại thời kỳ thịnh vượng trước năm 2011. Tín hiệu về một làn sóng đầu tư mới từ cộng đồng kinh doanh cả trong và ngoài nước ngày càng rõ hơn.

Có thể thấy, những cam kết của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp tại VBF giữa kỳ vào tháng 6/2014 đã có nhiều kết quả.

Nhưng phần lớn những thay đổi này mới chỉ là những động thái tích cực, nhất là với các văn bản luật mới được thông qua…?

Điều mà cộng đồng doanh nghiệp nhìn thấy là động thái đổi mới đã được phát đi mạnh mẽ. Có thể sẽ có những độ trễ trong thực thi, nhưng hình hài một thể chế mới, hệ thống quản lý mới với nhiều cơ hội mở ra cho cả doanh nghiệp, Chính phủ và cả nền kinh tế đã được nhìn thấy.

Lấy việc thực hiện Nghị quyết 19/2014/NQ-CP làm ví dụ. Nghị quyết được Chính phủ ban hành giữa tháng 3/2014, nhưng đến khoảng tháng 8, các kết quả ban đầu mới được nhìn thấy. Tuy nhiên, động thái và xu hướng đã được xác định ngay tại nội dung của Nghị quyết, đó là lấy chuẩn mực của ASEAN 6 làm mục tiêu và nguyên tắc các bộ, ngành phải thực hiện với sự tham gia đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp.

Thực tế, những cải cách của ngành thuế, hải quan thuyết phục được các doanh nghiệp về quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, cách thức mà các cơ quan thuế, hải quan đang làm có thể nhân rộng ra các ngành khác để tạo bước chuyển mạnh mẽ trong các cơ quan quản lý nhà nước.

Tất nhiên, vẫn cần phải nhắc tới việc thực thi pháp luật. Nỗi lo về khoảng cách giữa văn bản và thực thi vẫn còn và cộng đồng doanh nghiệp muốn tiếp tục nhìn thấy những thay đổi tích cực.

VBF kỳ này sẽ gửi thông điệp gì tới Chính phủ, thưa ông?

Doanh nghiệp tiếp tục đặt kỳ vọng vào cơ hội đầu tư - kinh doanh ở các hiệp định thương mại, sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2015. Điều này có nghĩa là, Việt Nam phải tạo được sức hấp dẫn, cạnh tranh mới, khi biên giới về thuế quan trong ASEAN sẽ không còn.

Như vậy, đà cải cách phải tiếp tục. Về thủ tục, phải đảm bảo được sự hài hòa với các nước ASEAN 6, thực hiện một chương trình cải cách tư pháp nhằm tăng cường các thiết chế pháp lý, bảo đảm một môi trường kinh doanh không chỉ thuận lợi, mà còn an toàn cho người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, tôi cho rằng, cần làm một chương trình xã hội hóa rộng lớn - thoái sức của Nhà nước - chuyển giao các dịch vụ công cho xã hội và thị trường. Khi Nhà nước tập trung vào chức năng kiến tạo phát triển, công chức nhà nước sẽ có thời gian làm tốt phần trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp hơn là gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp. Thậm chí, tham nhũng sẽ được giải quyết tận gốc bằng những thay đổi về thể chế như vậy.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư