Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 14 tháng 09 năm 2024,
Đồng thuận xử lý gần 600.000 tỷ đồng nợ xấu để nền kinh tế thắng
Hà Tâm - 17/05/2017 09:35
 
Các ngân hàng thương mại đang thấp thỏm dõi theo cuộc họp vào sáng nay (17/5) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với nội dung cho ý kiến lần 2 Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng.

Không nên thiên vị đối tượng nào

Sáng nay (17/5), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình về Dự thảo nghị quyết trên. Nội dung của phiên họp này đang được toàn thể giới ngân hàng ngóng đợi.

Tính đến cuối năm 2016, nợ xấu (bao gồm cả nợ đang nằm tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC) chiếm 5,8%, còn nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, thì chiếm 10,08%, tức gần 600.000 tỷ đồng.

Hệ thống ngân hàng đang phải vật lộn với hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu. Ảnh: Đức Thanh
Hệ thống ngân hàng đang phải vật lộn với hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu. Ảnh: Đức Thanh

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho hay: “Hiện hệ thống ngân hàng đã phục hồi một phần sức khỏe, song chỉ một vài năm nữa, khi núi nợ từ VAMC ập về, thì không chỉ một ngân hàng, mà toàn bộ ngành ngân hàng sẽ rất khó khăn. Chính vì vậy, chúng tôi rất mong Quốc hội thấu hiểu, đồng thuận để nhanh chóng ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu”. 

Cho đến nay, dù tất cả các bộ, ngành và cả Quốc hội đều nhất trí cao về việc cần một nghị quyết để xử lý nợ xấu, song về các giải pháp cụ thể, nhiều thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn khá dè chừng, chưa thực sự quyết liệt. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị quyết chỉ nên khoanh vùng xử lý nợ xấu của ngân hàng yếu kém, nợ xấu phát sinh ở một số thời điểm, hoặc chỉ xử lý các khoản nợ xấu do nguyên nhân khách quan…

Thực tế, rất khó xác định rạch ròi các khoản nợ xấu do nguyên nhân chủ quan hay khách quan. Việc ưu tiên xử lý nợ xấu của những ngân hàng yếu kém đi ngược nguyên tắc công bằng, bởi những “tội đồ” lại được ưu tiên, trong khi nhiều ngân hàng đóng góp lớn cho nền kinh tế lại không được trợ giúp. Chưa kể, nợ xấu của tổ chức tín dụng yếu kém cũng chỉ chiếm 30% nợ xấu toàn hệ thống.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải nghiêm túc nhìn về những nỗi đau nợ xấu để nhanh chóng có giải pháp cấp bách xử lý dứt điểm và nếu chỉ vẫn dè chừng, e ngại, thì cả nền kinh tế sẽ “thua”.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Hưởng, cố vấn cao cấp của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng, nếu xử lý nợ xấu vẫn lòng vòng như thời gian qua thì không khác gì gửi nợ cho tương lai. Thực tế, đã 6 năm trôi qua, do thiếu hỗ trợ về pháp lý, ngành ngân hàng vẫn cứ loay hoay với nợ xấu. Việc đưa ra cơ chế, giải pháp xử lý nợ xấu cho riêng một nhóm đối đối tượng nào là không phù hợp mà Nghị quyết phải bao trùm cả hệ thống.

“Đánh” vào 3 điểm mấu chốt của nợ xấu

Được biết, Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu có 18 điều, thời hạn hiệu lực là 5 năm, kể từ ngày 1/7/2017.

Nghị quyết đưa ra nhiều quy định về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá thị trường, về mua bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm, về quyền năng của VAMC…   

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, Nghị quyết xử lý nợ xấu đã “đánh” được vào 3 điểm mấu chốt nhất, vướng mắc nhiều nhất trong xử lý nợ xấu hiện nay: lãi dự thu; xử lý tài sản đảm bảo; quyền chủ nợ.

Cơ chế về xử lý lãi dự thu là vấn đề ngân hàng mong đợi nhất. Cụ thể, Dự thảo cho phép giãn thời gian xử lý lãi dự thu tối đa là 10 năm. Đây là giải pháp mấu chốt để các ngân hàng có đủ sức khỏe để xử lý nợ xấu, bởi nếu xử lý nợ xấu, ngân hàng có thể lỗ ngay hàng chục tỷ đồng. Nếu bắt buộc phải xử lý lãi dự thu ngay, nợ xấu ngân hàng sẽ tăng nhanh, do vậy, nếu cho phép ngân hàng giãn tiến độ thì họ mới dám mạnh tay xử lý.

“Quy định như vậy có tác động mạnh đến hạch toán, làm cho ngân hàng mạnh dạn xử lý nợ xấu. Tình trạng lãi giả lỗ thật cũng biến mất, bởi có một thực tế, ngân hàng không dám bán, nhưng cũng không dám thu hồi tài sản về. Con nợ tiếp tục sử dụng tài sản để cho thuê, kinh doanh, con nợ thu lợi nhuận, còn ngân hàng lại thiệt”, ông Lê Xuân Nghĩa nói.

Tương tự, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ BIDV cũng cho rằng, chỉ có tháo gỡ vướng mắc về xử lý tài sản đảm bảo, hình thành thị trường mua nợ và nâng cao năng lực VAMC thì nợ xấu mới được xử lý dứt điểm. Thực tế, nếu đảm bảo quyền chủ nợ, gỡ vướng trong xử lý tài sản đảm bảo thì thị trường nợ sẽ nhanh chóng được hình thành. 

Thận trọng trước một nghị quyết nhạy cảm là điều dễ hiểu, song giới ngân hàng mong mỏi, Quốc hội sẽ đồng thuận với các giải pháp mạnh tay để xử lý dứt điểm nợ xấu. Nếu không, chỉ trong nay mai, hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu sẽ lại quay về hệ thống ngân hàng, khi đó nền kinh tế chắc chắn sẽ chịu tác động bất lợi.

Xử lý nợ xấu: Nhà băng muốn có thêm quyền "tự quyết"
Không chỉ là thực hiện chủ trương của ngành mà bản thân các ngân hàng cho biết sẽ có biện pháp quyết liệt hơn trong tái cấu, xử lý nợ xấu khi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư