Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 11 tháng 02 năm 2025,
Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ quay trở lại
Bích Ngọc thực hiện - 10/02/2025 09:09
 
Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường (VinaCapital) nhận định, vốn đầu tư nước ngoài sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025.
Ảnh minh họa
Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường (VinaCapital)

Theo ông, tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam trong năm 2025 sẽ như thế nào?

Chúng tôi cho rằng, tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài năm 2025 sẽ cải thiện so với năm 2024. Cụ thể, vốn đầu tư nước ngoài dự báo quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam, một phần vì các nhà đầu tư sẽ dần nhận thấy, chính sách của Tổng thống Trump không ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam, cùng với định giá hấp dẫn của thị trường Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và sự tăng trưởng lợi nhuận của các cổ phiếu niêm yết.

Ông đánh giá thế nào về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam trong năm 2024 và dự báo năm 2025?

Xét về tổng thể, kết quả thu hút FDI tại Việt Nam trong năm 2024 rất tích cực và triển vọng cho năm 2025 vẫn rất mạnh mẽ. Trong năm 2024, giải ngân FDI tăng 9,4%, đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tương đương khoảng 5% GDP của Việt Nam.

Năm 2025, chúng tôi kỳ vọng, giải ngân FDI sẽ tăng 7 - 10%, phù hợp với mức tăng trưởng của FDI kế hoạch năm 2024 (FDI kế hoạch của một năm thường sẽ trở thành FDI thực tế giải ngân trong 1 - 2 năm tiếp theo). Tuy nhiên, FDI kế hoạch trong năm 2025 có thể sẽ giảm nhẹ so với năm 2024, vì có thể sẽ mất một thời gian để các nhà đầu tư nước ngoài nhận thức rõ rằng, chính sách của Tổng thống Trump không ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể cần thời gian để làm quen với thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) và Quỹ Hỗ trợ đầu tư (ISF) của Việt Nam. Việc giải quyết những mối quan ngại này có thể mất hơn một năm, dẫn đến FDI kế hoạch trong năm 2025 có thể thấp hơn.

Về FII, chúng tôi dự báo, vốn đầu tư nước ngoài sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025, một phần nhờ lợi nhuận của các công ty niêm yết tăng trưởng mạnh mẽ từ khoảng 13% trong năm 2024, lên khoảng 17% trong năm 2025. Hơn nữa, định giá thị trường vẫn còn hấp dẫn với chỉ số P/E dự phóng là 12x, thấp hơn một độ lệch chuẩn so với mức trung bình 10 năm của VN-Index và thấp hơn 20% so với mức định giá của các thị trường trong khu vực.

VinaCapital có khuyến nghị chính sách gì để hỗ trợ nền kinh tế và thị trường chứng khoán trong năm 2025?

Cách đơn giản nhất để kích thích chi tiêu tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 là đẩy nhanh quá trình phê duyệt các dự án bất động sản và tăng cường chi tiêu cho hạ tầng.

Về dài hạn, Việt Nam nên tập trung vào việc nâng cao chuỗi giá trị sản xuất và khai thác các cơ hội mạnh mẽ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn. Việc củng cố hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), là rất quan trọng để hiện thực hóa tiềm năng của Việt Nam trong các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, việc nâng hạng thành công từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo Tổ chức xếp hạng thị trường FTSE sẽ tạo ra tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư và thu hút nhiều vốn hơn vào thị trường chứng khoán. Hiện nay, Việt Nam đã đáp ứng gần như tất cả các tiêu chí của FTSE để được công nhận là thị trường mới nổi, nhờ vào các cải cách hành chính gần đây giúp hoạt động của thị trường chứng khoán gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế.

Đặc biệt, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính là bước quan trọng để kích thích nền kinh tế trong dài hạn. Bằng cách giải quyết các nút thắt, tăng tốc thực thi các chính sách và tái phân bổ nguồn lực, Chính phủ có thể mở rộng đáng kể nguồn vốn dành cho phát triển, tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và hoạt động đầu tư. Các luật mới được ban hành trong các lĩnh vực như bất động sản phản ánh cam kết cải cách, có thể mở ra những cơ hội tăng trưởng mới.

Ông có thể chia sẻ về chiến lược của VinaCapital tại Việt Nam trong thời gian tới?

Chiến lược đầu tư của chúng tôi tại Việt Nam bao gồm cả các công ty tư nhân và công ty niêm yết. Mặc dù các chủ đề đầu tư cụ thể có thể thay đổi qua từng năm tùy theo hoàn cảnh và cơ hội, nhưng mục tiêu xuyên suốt của chúng tôi trong suốt những năm vừa qua là đầu tư vào các công ty hưởng lợi từ sự phát triển của tầng lớp trung lưu mới nổi tại Việt Nam.

Tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, chiếm khoảng 13% dân số, dự báo đạt 26% vào năm 2026 và 33% vào năm 2030. Sự tăng trưởng này mở ra cơ hội cho các công ty hướng đến tiêu dùng nội địa, khi tỷ lệ thâm nhập sản phẩm còn thấp so các thị trường mới nổi trong khu vực châu Á.

Nhóm quỹ VinaCapital thành cổ đông lớn Kido
Nhóm quỹ VinaCapital đã nâng tổng sở hữu tại Kido từ 11,67 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,02%) lên 20,29 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7%).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư