Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 01 năm 2025,
Dragon Capital bán ra 5,3 triệu cổ phiếu MWG khi Công ty bắt đầu tăng trưởng âm
Duy Bắc - 07/02/2023 21:22
 
Quỹ ngoại tiếp tục bán thêm 5,3 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG – sàn HoSE) khi Công ty kết thúc giai đoạn tăng trưởng liên tục từ năm 2014 tới nay.

Cụ thể, ngày 3/2, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital vừa bán ra 5.343.700 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 9,33% về còn 8,96% vốn điều lệ.

Trong đó, quỹ Hanoi Investments Holdings Limited bán ra 1,7 triệu cổ phiếu; quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited và Amersham Industries Limited đều bán ra cùng 1,05 triệu cổ phiếu; quỹ DC Developing Markets Strategies Public Limited Company bán 605.600 cổ phiếu; quỹ CTBC Vietnam Equity Fund bán ra 439.400 cổ phiếu; Norges Bank bán ra 300.000 cổ phiếu; và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (Equity) bán ra 198.700 cổ phiếu.

Ước tính với giá đóng cửa ngày 3/2 là 47.800 đồng/cổ phiếu, nhóm Dragon Capital đã thu về số tiền khoảng 255,4 tỷ đồng từ việc bán ra hơn 5,3 triệu cổ phiếu MWG.

Trước đó, ngày 26/12/2022, nhóm Dragon Capital cũng bán ra 6,65 triệu cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 10,12% vốn điều lệ.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, nhóm Dragon Capital đã bán ra 11,99 triệu cổ phiếu MWG.

Bối cảnh quỹ ngoại liên tục bán vốn tại Thế giới Di động khi cổ phiếu này vừa hồi phục nhẹ sau chuỗi bán tháo. Cụ thể, từ ngày 15/11/2022 đến ngày 7/2/2023, cổ phiếu MWG bật tăng 20,7% từ 37.850 đồng lên 45.700 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu tính từ ngày 15/4/2022 tới nay, cổ phiếu MWG vẫn giảm 42,6% từ đỉnh 79.580 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, trước áp lực lãi suất cao, kinh tế tăng trưởng chậm lại, ngành bán lẻ được dự báo gặp nhiều thách thức. Trong đó, năm 2022, lần đầu tiên Thế giới Di động kết thúc chuỗi tăng trưởng dương và bắt đầu tăng trưởng âm.

Cụ thể, trong quý IV/2022, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu đạt 30.588,4 tỷ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 619,02 tỷ đồng, giảm 60,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 7,5% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 554,6 tỷ đồng lên 7.929,5 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 23,3%, tương ứng giảm 94,5 tỷ đồng về 311,8 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 68,5%, tương ứng tăng thêm 155,1 tỷ đồng lên 381,5 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 25,1%, tương ứng tăng thêm 1.382,9 tỷ đồng lên 6.895,5 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Điểm đáng lưu ý, trong kỳ mặc dù lợi nhuận gộp tăng nhẹ nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 60,4%, nguyên nhân chủ yếu do chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao.

Kết thúc chuỗi tăng trưởng dương từ khi niêm yết năm 2014 tới nay

Luỹ kế trong năm 2022, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu đạt 133.404,8 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 4.101,7 tỷ đồng, giảm 16,3% so với cùng kỳ.

Trong năm 2022, MWG đặt kế hoạch doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022, Công ty không hoàn thành kế hoạch và chỉ đạt 64,6% kế hoạch lợi nhuận năm.

Được biết, nhắc tới Thế giới Di động, nhà đầu tư đều ấn tượng với việc duy trì tốc độ tăng trưởng nóng trong nhiều năm. Trong đó, giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2019, Công ty duy trì mức doanh thu tăng bình quân 50,8%/năm và lợi nhuận sau thuế tăng bình quân 55,3%/năm.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến năm 2021, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân chỉ đạt 9,8%, lợi nhuận đạt 13,6% và đặc biệt, trong năm 2022, lợi nhuận đã giảm 16,3% về 4.101,7 tỷ đồng và chính thức kết thúc chuỗi tăng trưởng dương từ khi niêm yết năm 2014 tới nay.

Có thể thấy, sau giai đoạn tăng nóng kéo dài tới năm 2019, Thế giới Di động đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại và bắt đầu giảm từ năm 2022. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do chuỗi Thế giới Di động có dấu hiệu bão hòa, chuỗi Bách hóa Xanh mặc dù được đầu tư và kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới, nhưng liên tục gặp khó và liên tục tái cấu trúc nhưng không được như kỳ vọng. Gần đây, Công ty tham gia thêm lĩnh vực bán lẻ thuốc nhưng nhanh chóng tạm dừng kế hoạch mở rộng chuỗi Nhà thuốc An Khang.

Bách hóa Xanh lỗ kỷ lục 2.744,1 tỷ đồng trong năm 2022

Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Thế giới Di động giảm 11,3% so với đầu năm, tương ứng giảm 7.137,2 tỷ đồng về 55.834,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 25.696,1 tỷ đồng, chiếm 46% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 15.120 tỷ đồng, chiếm 27,1% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 9.727,5 tỷ đồng, chiếm 17,4% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 3.070,1 tỷ đồng, chiếm 5,5% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong năm, biến động lớn chủ yếu khoản mục tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 17,7% so với đầu năm, tương ứng giảm 3.258,6 tỷ đồng về 15.120 tỷ đồng; tồn kho giảm 11,9% so với đầu năm, tương ứng giảm 3.471,1 tỷ đồng về 25.696,1 tỷ đồng …

Hàng loạt Công ty con của MWG lỗ thuế luỹ kế 8.127,7 tỷ đồng tính tới 31/12/2022 (Nguồn: BCTC)
Hàng loạt Công ty con của MWG lỗ thuế luỹ kế 8.127,7 tỷ đồng, tính tới 31/12/2022 (Nguồn: BCTC)

Điểm đáng lưu ý, trong năm 2022, lỗ thuế CTCP Thương mại Bách Hoá Xanh là 2.744,1 tỷ đồng, luỹ kế từ năm 2016 là lỗ 7.157,5 tỷ đồng; Đối với CTCP Bán lẻ An Khang, năm 2022 lỗ thuế 306,2 tỷ đồng, luỹ kế từ năm 2019 đến năm 2022 là 318,6 tỷ đồng; đối với MWG (Cambodia) Co., Ltd, lỗ thuế năm 2022 là 330,6 tỷ đồng, luỹ kế từ năm 2017 đến năm 2022 là 604,7 tỷ đồng.

Thêm nữa, tính tới cuối năm 2022, Thế Giới Di động đang sở hữu 1.190 cửa hàng Thế giới Di động (đầu năm 970 cửa hàng); 2.284 cửa hàng Điện Máy Xanh (đầu năm 1.992 cửa hàng); 1.728 cửa hàng Bách hoá Xanh (đầu năm 2.106 cửa hàng); 500 nhà thuốc An Khang…

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/2, cổ phiếu MWG giảm 1.450 đồng về 45.700 đồng/cổ phiếu.

Thế Giới Di Động (MWG) tiếp tục đóng cửa chuỗi siêu thị Bách hóa Xanh
Chỉ trong vòng 2 tháng, Thế Giới Di Động đã đóng 251 cửa hàng Bách hóa Xanh. Thời gian tới, Công ty vẫn tiếp tục rà soát xử lý theo từng nhóm cửa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư