Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dragon Capital bán ra 6,65 triệu cổ phiếu MWG khi cổ phiếu "bốc hơi" 46,1% giá trị
Duy Bắc - 04/01/2023 08:31
 
Sau báo cáo lợi nhuận giảm 9% trong 11 tháng đầu năm, quỹ ngoại đã bán ra 6,65 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) để giảm sở hữu.

Cụ thể, ngày 26/12/2022, nhóm Dragon Capital vừa bán ra 6,65 triệu cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 10,12% về 9,67% vốn điều lệ.

Trong đó, quỹ Amersham Industries Limited bán ra 3 triệu cổ phiếu; DC Developing Markets Strategies Public Limited Company bán ra 1,5 triệu cổ phiếu; Vietnam Enterprise Investments Limited bán ra 1 triệu cổ phiếu; Norges Bank bán ra 1 triệu cổ phiếu; và KB Vietnam Focus Balanced Fund bán ra 150.000 cổ phiếu.

Được biết, từ ngày 16/6/2022 đến ngày 26/12/2022, cổ phiếu MWG giảm 46,1% từ 79.000 đồng/cổ phiếu về 42.600 đồng/cổ phiếu.

Về hoạt động kinh doanh, lũy kế 11 tháng đầu năm 2022, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu thuần gần 124 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế giảm 9% so với cùng kỳ, xuống còn gần 4 nghìn tỷ đồng. Với kết quả này, Thế giới Di động đã thực hiện 88% chỉ tiêu doanh thu và chỉ hoàn thành 63% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Trong cơ cấu doanh thu 11 tháng, chuỗi Thế giới Di động (bao gồm cả TopZone) và Điện Máy Xanh (ĐMX) đóng góp phần lượt 32,4 nghìn tỷ và 64,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tổng cộng 78% doanh thu của MWG. Chuỗi Bách Hóa Xanh (BXH) mang về 24,6 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 20%. Phần còn lại đến từ các mảng kinh doanh khác.

Theo chia sẻ từ Thế giới Di động, doanh thu tháng 11 của chuỗi Thế giới Di động và ĐMX giảm mạnh do hầu hết ngành hàng ghi nhận sức cầu yếu hơn dự kiến, ngay cả trong mùa cao điểm cuối năm, ngoại trừ tivi do hưởng lợi từ sự kiện World Cup. Sau 9 tháng đầu năm tăng trưởng dương, sản lượng bán ra của các sản phẩm chính ước tính giảm hai chữ số từ nền so sánh rất cao của quý 4/2021.

Với mảng Bách hóa Xanh, doanh thu riêng tháng 11 tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, do doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt hơn 1,3 tỷ đồng/tháng, tăng 50% so với cùng kỳ.

Bắt đầu lao dốc hoạt động tài chính

Kể từ thời điểm tham gia hoạt động tài chính (năm 2018) tới nay, lợi nhuận tài chính của Thế giới Di động gia tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận tài chính của công ty này có dấu hiệu suy giảm mạnh.

Cụ thể, lợi nhuận tài chính năm 2018 ghi nhận âm 94,52 tỷ đồng; năm 2019 ghi nhận dương 61,4 tỷ đồng, chiếm 1,2% tổng lợi nhuận trước thuế; năm 2020 ghi nhận 200,1 tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng lợi nhuận trước thuế; năm 2021 ghi nhận kỷ lục 573,26 tỷ đồng, chiếm 8,9% tổng lợi nhuận trước thuế; 9 tháng đầu năm nay giảm 393 tỷ đồng so với cùng kỳ, về 0,3 tỷ đồng, chiếm 0,01% tổng lợi nhuận trước thuế.

Điểm đáng lưu ý, mặc dù trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng dư nợ vay đã giảm 7,4% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.822,6 tỷ đồng, về 22.824,9 tỷ đồng và chiếm 37,2% tổng nguồn, nhưng chi phí tài chính lại bất ngờ tăng 106% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 514,6 tỷ đồng, lên 1.001,1 tỷ đồng.

Chi phí vay bất ngờ tăng mạnh, dẫn tới lợi nhuận tài chính giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm 2022.

Thực tế, lãi suất trong nước chịu áp lực tăng giá theo xu hướng toàn cầu và điều này sẽ chưa sớm kết thúc khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa ngừng tăng lãi suất. Chính vì vậy, việc tiếp tục duy trì khối nợ lên tới 22.824,9 tỷ đồng sẽ làm gánh nặng chi phí tài chính tăng lên đáng kể trong giai đoạn sắp tới đối với Thế giới Di động.

Trong Báo cáo mới phát hành ngày 11/11 của SSI Research, đơn vị này dự báo chi phí tài chính của Thế giới Di động sẽ tăng trong quý IV/2022 do xu hướng lãi suất cao hơn, cơ cấu lại nợ sang kỳ hạn dài hơn và tiền đồng mất giá.

SSI Research dự báo lợi nhuận năm 2022 là 5.160 tỷ đồng, giảm 6% so với ước tính trước đó (báo cáo ước tính trước đó lợi nhuận 5.480 tỷ đồng), nhưng vẫn tăng 7% so với cùng kỳ. Bước sang năm 2023, dự báo lợi nhuận của Thế giới Di động đạt khoảng 5.860 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, đồng thời giá cổ phiếu giảm từ 87.800 đồng về 61.000 đồng/cổ phiếu.

Qua thời tăng trưởng nóng

SSI Research dự báo lạm phát sẽ làm tăng chi phí cho Thế giới Di động, đồng thời làm giảm sức mua của người tiêu dùng. Do đó, Thế giới Di động khó có thể chuyển phần chi phí tăng thêm vào giá bán cho khách hàng. Trong đó, ước tính lạm phát sẽ tiếp tục kéo dài trong vài quý tới, nên sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng doanh thu của các cửa hàng Điện máy Xanh, Thế giới Di động và Topzone.

Được biết, nhắc tới Thế giới Di động, nhà đầu tư đều ấn tượng với việc duy trì tốc độ tăng trưởng nóng trong nhiều năm. Trong đó, giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2019, Công ty duy trì mức doanh thu tăng bình quân 50,8%/năm và lợi nhuận sau thuế tăng bình quân 55,3%/năm.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến năm 2021, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân chỉ đạt 9,8%, lợi nhuận đạt 13,6% và đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu tăng 18,4% (đạt 102.816 tỷ đồng), lợi nhuận tăng 4,3% (đạt 3.482,7 tỷ đồng).

Có thể thấy, sau giai đoạn tăng nóng kéo dài tới năm 2019, Thế giới Di động đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do chuỗi Thế giới Di động có dấu hiệu bão hòa, chuỗi Bách hóa Xanh mặc dù được đầu tư và kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới, nhưng liên tục gặp khó và có dấu hiệu đóng cửa hàng loạt cửa hàng trong 9 tháng đầu năm 2022.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/1/2023, cổ phiếu MWG tăng 1.050 đồng lên 43.950 đồng/cổ phiếu.

Thế giới Di động phủ nhận thông tin định giá 1,5 tỷ USD chuỗi Bách hóa Xanh
CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG - sàn HoSE) vừa bất ngờ lên tiếp về việc bán cổ phần và định giá cổ phiếu chuỗi Bách hóa Xanh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư