Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Dự án 2.000 tỷ có đưa Thủy sản Hùng Vương vào chân sóng?
Hồng Sơn - 23/08/2016 15:35
 
Những động thái quyết liệt nhằm triển khai khoản đầu tư lên tới 2.000 tỷ đồng của CTCP Thủy sản Hùng Vương (HVG) đang được coi là một mũi tên trúng nhiều đích và đích nào cũng sẽ đem lại lợi thế mới cho HVG trong ngành cốt lõi. Tuy nhiên, các bước đi thận trọng sẽ không thừa.

Đầu tư lớn từ lợi thế

Gần 1 năm trước, Hùng Vương đã gây chú ý khi công bố khoản đầu tư khủng lên tới 2.000 tỷ đồng để kinh doanh mảng thức ăn chăn nuôi kết hợp phát triển hệ thống nuôi heo khép kín (từ con giống, sản xuất thức ăn, hệ thống trang trại, bao tiêu sản phẩm đến người chăn nuôi).

Cụ thể, dự án này sẽ xây dựng 2 nhà máy thức ăn gia súc, gia cầm tại Long An và Bình Định, hệ thống trang trại, nhà máy sản xuất premix (một loại bột gồm hỗn hợp các chất giàu dinh dưỡng có hoạt tính sinh học cao - PV), sản xuất thuốc thú y và các khâu hậu cần khác...

Thủy sản Hùng Vương hiện đã nâng vốn điều lệ lên tới 2.270,3 tỷ đồng.
Thủy sản Hùng Vương hiện đã nâng vốn điều lệ lên tới 2.270,3 tỷ đồng.

Khi đó, nói về lý do quyết định đổ vốn vào dự án này, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của HVG đã lý giải cơ hội phát triển ở mảng này còn nhiều nếu được đầu tư bài bản trên quy mô lớn theo quy trình khép kín, áp dụng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ tiên tiến… Điểm mấu chốt, theo ông Minh, các sản phẩm của HVG có chất lượng tương đương với các nước phát triển và giá cả hoàn toàn có thể cạnh tranh được.

Xâu chuỗi lại, có thể thấy, quyết định đầu tư khủng của Hùng Vương dựa trên thành quả của chiến lược thâu tóm để tăng quy mô được thực hiện từ nhiều năm nay. Thực tế, đây cũng là cách mà không ít doanh nghiệp Việt tên tuổi thực hiện khá thành công như Hoàng Anh Gia Lai, Masan, Thế giới Di Động...

Nhưng Hùng Vương có điểm khác biệt rõ rệt, đó là thay vì mở rộng đầu tư ngoài ngành để tối đa hóa các cơ hội từ thị trường, thì Hùng Vương kiên trì với ngành nghề cốt lõi là nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản…

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Hùng Vương được công bố vào cuối tháng 7/2016, phần lớn trong số 12 công ty con và 10 công ty liên doanh liên kết của HVG hoạt động trong ngành thủy sản, trong đó có những công ty có vị thế đáng kể trên thương trường. Lợi thế này giúp HVG đa dạng thị trường xuất khẩu, tăng năng lực sản xuất, nâng cao khả năng tự chủ về nguyên liệu… Trong khi đó, việc thâu tóm thành công Việt Thắng (HVG sở hữu hơn 90% cổ phần) vào năm 2015 đã đem đến sự thay đổi lớn. Cụ thể, với 14% thị phần trong phân khúc thức ăn thủy sản, Việt Thắng đã giúp Hùng Vương tự chủ nguồn thức ăn. Cùng đó, hoạt động bán thức ăn chăn nuôi ra thị trường cũng đóng góp đáng kể vào cơ cấu doanh thu của HVG.

Ngoài ra, gần đây, HVG đã tăng cường đầu tư vào các doanh nghiệp ngành tôm như Fimex (FMC), Tắc Vân. Với sự hợp lực này, Hùng Vương đã bước vào ngành tôm khá thuận lợi và con tôm cũng đã bắt đầu đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu chung của HVG…

Điểm lại để thấy, sau các hoạt động đẩy mạnh thâu tóm các doanh nghiệp cùng lĩnh vực và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, HVG lớn mạnh rất nhiều. Từ chỗ có vốn điều lệ lúc mới cổ phần hóa là 120 tỷ đồng vào năm 2007, Hùng Vương hiện đã dẫn đầu ngành xuất khẩu thủy sản về quy mô vốn góp chủ sở hữu lên tới 2.270,3 tỷ đồng. Doanh thu tăng vượt bậc từ 8 tỷ đồng lúc mới thành lập vào năm 2003 lên hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn hiện tại. Rõ ràng, lợi thế từ những công ty con, công ty liên doanh, liên kết cũng là cơ sở để HVG quyết định đầu tư lớn cho chuỗi khép kín.

Trở lại câu chuyện về khoản đầu tư 2.000 tỷ đồng, thời gian gần đây, Hùng Vương liên tục có các động thái đầu tư, triển khai các bước của dự án này. Cụ thể, hồi tháng 3 năm nay, Hùng Vương đã khởi công nhà máy sản xuất thức ăn gia súc công suất 500.000 tấn/năm, vốn đầu tư 35 triệu USD tại Long An. Theo kế hoạch, đầu năm 2017, nhà máy đi vào hoạt động, cung cấp thức ăn đạt chất lượng, không sử dụng kháng sinh, các chất cấm.

Mới nhất, cuối tháng 7 vừa qua, Hùng Vương đã nhận 750 con heo giống cụ kỵ (GGP), đây là lô heo giống đầu tiên theo hợp đồng mua trọn gói 4.200 con (trong đó có 1.500 GGP, còn lại là ông bà và bố mẹ) ký hồi cuối năm ngoái giữa HVG và Tập đoàn Danbred (Đan Mạch). Dự kiến trong các tháng cuối năm nay, Tập đoàn Danbred sẽ giao cho HVG hết số heo còn lại làm bốn đợt để công ty nhân đàn.

Dự tính, Hùng Vương sẽ cung cấp ra thị trường heo thịt, heo giống bố mẹ từ tháng 3/2017 và kế hoạch đến đầu năm 2019 sẽ có 100.000-120.000 con bố mẹ…

Bắt đầu vào chân sóng?

Kết quả kinh doanh của HVG gần đây liên tục đổi chiều, khiến giới đầu tư có thời điểm thót tim.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất giai đoạn 1/10/2015 đến 31/3/2016, kết quả kinh doanh của Hùng Vương khá thất vọng. Doanh thu thuần đạt gần 11.000 tỷ đồng và 71,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Sau xoát xét, doanh thu giảm thêm, chỉ còn 8.324 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế sau soát xét giảm tới 45%, chỉ còn 32 tỷ đồng.

Song, kết quả kinh doanh quý tiếp theo lại tăng đột biến. Doanh thu trong kỳ đạt 6.612 tỷ đồng, tăng trưởng 45%. Lãi ròng hợp nhất đạt 226,4 tỷ đồng, tăng cao gấp 17 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cho cả niên kỳ 2015 – 2016 (từ 1/10/2015 đến 30/6/2016), HVG đạt hơn 15.000 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 26,5%; lãi sau thuế của cổ đông của công ty mẹ đạt gần 244 tỷ đồng, tăng trưởng 311,5% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 63% kế hoạch.

Qua phân tích cho thấy, đóng góp cho sự tăng trưởng này có nguyên nhân do kết quả hợp nhất với FMC. Cụ thể, việc hợp nhất này được thực hiện từ cuối tháng 5/2015, nên kết quả kinh doanh của HVG trong niên kỳ qua có thêm phần của FMC.

Kết quả kinh doanh như vậy, nhưng số nợ lớn của HVG cũng dấy lên không ít lo ngại. Cụ thể, tính đến 30/06/2016, HVG có 7.541 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn và 1.020 tỷ đồng vay nợ dài hạn. Tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản gần 80% (trong khi mức trung bình của các doanh nghiệp cùng ngành khoảng 50 – 60%).

Việc giảm sút lợi nhuận của HVG trong thời gian qua được nhìn nhận là do ảnh hưởng của chi phí lãi vay lớn. Theo các chuyên gia, với định hướng chiến, lược và tình hình đầu tư theo chiến lược này, việc HVG vay nợ lớn là điều dễ hiểu. Về phía HVG đang có kế hoạch để vừa tăng doanh thu, vừa giảm nợ. Đồng thời, công ty cũng đang tái cơ cấu lại nợ theo hướng tăng nợ trung dài hạn, đồng thời dự kiến phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi trong năm nay.

Một vấn đề khiến nhà đầu tư e ngại đó là vấn đề nhân lực chủ chốt tại HVG và các công ty con vẫn là những người cũ và kiêm nhiệm khá nhiều. Với thực trạng này, khi HVG mở rộng đầu tư và tái cấu trúc hoạt động sang lĩnh vực mới như nuôi heo, sản xuất premix, thuốc thú y… trong khi nhân lực cấp cao chưa có sự chuyển biến theo hướng thu hút người tài về nắm giữ các vị trí chủ chốt, có thể sẽ gặp rủi ro về quản trị doanh nghiệp.

Cần nhắc lại rằng, những ngành nghề mà Hùng Vương dồn lực đầu tư gần đây đều có tiềm năng để phát triển. Đơn cử, thức ăn chăn nuôi là ngành có quy mô doanh thu 6 tỷ USD và nhu cầu luôn tăng 13-15%/năm. Hay, nhu cầu về thịt heo của người dân hiện vẫn ở mức thấp, khoảng 200 gram/người/năm và chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới…Tuy nhiên, một cảnh báo đã được đưa ra, đó là, khi Việt Nam chính thức tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì lượng thịt heo ngoại sẽ nhập vào là rất lớn, với giá bán rất cạnh tranh.

Lợi thế của Hùng Vương có lẽ không cần nói thêm. Với sự cảnh báo nêu trên, ông Minh đã từng nói rằng, áp lực cạnh tranh với thịt heo ngoại là rất lớn, nhưng HVG có hướng đi riêng. Tuy nhiên, có một thực tế là, chuỗi khép kín của Hùng Vương, theo như chia sẻ về kế hoạch đầu tư, cũng mới chỉ dừng lại ở phần đầu ra của chăn nuôi. Nghĩa là, chưa có khâu chế biến, phân phối, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Rất có thể, Hùng Vương đã có những đối tác để lo những khâu này. Nhưng, cũng cần nói thêm rằng, tại Việt Nam hiện đã có mô hình khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”. Tất nhiên, để đánh giá sự thành công của mô hình này  ở mức độ nào trên thực tế vẫn còn cần sự kiểm chứng của thực tế.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một chuyên gia về tư vấn đầu tư cho rằng, việc HVG đầu tư lớn vào khâu sản xuất thức ăn gia súc, sản xuất premix… là bước đi khôn ngoan, đón đầu cơ hội.

Cụ thể, theo vị này, hiện nay, HVG đã có các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc với công suất chưa cao và hoàn toàn có thể đầu tư tăng công suất phục vụ cho dự án nuôi heo. Tuy nhiên, HVG đã quyết định đầu tư mới 2 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc với công suất lớn.

Điều này cho thấy, HVG có sự tính toán trong đầu tư, bởi theo quy định hiện hành, đây là ngành nghề có điều kiện với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhiều năm nay, ít doanh nghiệp FDIcó dự án mới, kể cả đầu tư mở rộng trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, với doanh nghiệp trong nước thực hiện việc này khá dễ dàng. Với việc đầu tư này, HVG có thể “một mũi tên trúng hai đích”. Thứ nhất, đón đầu cơ hội của thị trường thức ăn chăn nuôi gia súc có thể đạt 25 – 26 triệu tấn vào năm 2020. Thứ hai, đón cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài nhắm vào thị trường còn nhiều tiềm năng này thông qua con đường mua bán, sáp nhập.

Nếu những tính toán này trở thành hiện thực, sóng HVG sẽ nổi và khoản lời không nhỏ trong tương lai gần là điều mà giới đầu tư đang trông vào.

Doanh nghiệp ngành thủy sản qua cơn bĩ cực
Khác với một năm 2015 nhiều khó khăn, nửa đầu năm 2016, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thủy sản cho thấy nhiều chuyển biến tích...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư