Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Dự án BOT cầu Thái Hà thất thu lớn, xin cầu viện
Bảo Như - 25/02/2020 09:09
 
Sau hơn 1 năm được phép thu phí hoàn vốn nhưng doanh thu mỗi ngày chỉ đạt khoảng 15% phương án tài chính, nhà đầu tư Dự án BOT đầu tư xây dựng cầu Thái Hà buộc phải tiếp tục cầu viện các cơ quan chức năng.
Lưu lượng xe và doanh thu thu phí cầu Thái Hà bị sụt giảm sau khi cầu Hưng Hà thông xe. Ảnh: Bảo Như
Lưu lượng xe và doanh thu thu phí cầu Thái Hà bị sụt giảm sau khi cầu Hưng Hà thông xe. Ảnh: Bảo Như

Lệch pha dự báo

Trong 7 kiến nghị tại Văn bản số 05/2020/TH - KTKH vừa được Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà gửi tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) để xin tháo gỡ khó khăn, có 3 nhóm vấn đề được cho là có tác động “sinh tử” tới Dự án BOT đầu tư xây dựng cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, giai đoạn I (Dự án BOT cầu Thái Hà).

Theo đó, doanh nghiệp dự án đề nghị Bộ GTVT cho phép bổ sung trạm thu phí trên phạm vi dự án để thu phí các phương tiện sử dụng Dự án BOT cầu Thái Hà đi qua cầu Hưng Hà.  Lý do là hiện các phương tiện đi qua cầu Hưng Hà đang sử dụng 1,6 km đường của Dự án mà không trả phí dịch vụ.

Nhà đầu tư cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét hỗ trợ bằng nguồn vốn nhà nước với phần doanh thu bị hụt so với phương án tài chính của hợp đồng và các khoản chi phí phát sinh do Dự án BOT cầu Thái Hà không đảm bảo doanh thu thu phí theo phương án tài chính như: chi phí lãi vay, chi phí quản lý, chi phí bảo trì, chi phí vận hành...

Đề xuất cuối cùng mà nhà đầu tư đưa ra là việc xin các ngân hàng tài trợ vốn điều chỉnh kế hoạch thu gốc, lãi doanh thu thu phí sau khi trừ các chi phí hợp lý nhằm giảm bớt khó khăn cho nhà đầu tư.

Tại Văn bản số 05, Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà xoáy rất sâu vào việc trong quá trình lập dự án đầu tư, phương án tài chính, đơn vị tư vấn đã không đề cập, chiết giảm lưu lượng với các tuyến đường mới, đặc biệt là không có dự báo phân tán lưu lượng sang công trình có cùng ý nghĩa kết nối được triển khai trên cùng địa bàn.

Theo ông Ngô Tiến Cương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà, dự án này thuộc quy hoạch vành đai 5 - Vùng Thủ đô, có hạng mục chính là cầu vượt sông Hồng. Trong đó, phía Hà Nam kết nối với Dự án thành phần 2 đoạn đi qua Hà Nam thuộc Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (sử dụng vốn ngân sách); phía Thái Bình kết nối với Dự án tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (hình thức BT).

Cùng thời điểm triển khai Dự án BOT cầu Thái Hà, có một dự án cầu vượt sông Hồng cũng được xây dựng và chỉ nằm cách nhau khoảng 20 km. Cụ thể, Dự án cầu Hưng Hà sử dụng vốn ODA Hàn Quốc và đối ứng của Chính phủ Việt Nam có mục tiêu kết nối với Dự án thành phần 2 đoạn đi qua tỉnh Hà Nam thuộc Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

“Hai dự án có cùng một ý nghĩa kết nối, nhưng lại thuộc 2 nguồn vốn khác nhau (dự án BOT có thu phí và dự án ODA không thu phí) sẽ gây bất lợi rất lớn cho dự án BOT khi khai thác. Mặt khác, các phương tiện lưu thông qua cầu Hưng Hà đã sử dụng một phần đường Dự án BOT cầu Thái Hà mà không chịu phí sử dụng đường bộ do thu phí hở, trạm lại đặt ở cuối tuyến”, ông Cương cho biết.

Thất thu lớn

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Dự án BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng đã được thông xe kỹ thuật từ tháng 11/2016 sau hơn 2 năm thi công. Hội đồng Nghiệm thu cấp Bộ đã chấp thuận và cho phép doanh nghiệp dự án đưa công trình vào khai thác từ ngày 3/4/2018. Đây là những điều kiện cần để Dự án BOT cầu Thái Hà có thể thu phí hoàn vốn theo hợp đồng ký kết với Bộ GTVT hồi tháng 3/2015.

Sau 1 năm tính từ ngày thông xe, lưu lượng xe qua cầu Thái Hà chỉ đạt 400 xe/ngày đêm (chủ yếu là xe nội vùng). Với lượng như vậy, nếu nhà đầu tư tổ chức thu phí đường bộ, thì chi phí tổ chức thu lớn hơn doanh thu (22 triệu đồng so với 14 triệu đồng/ngày đêm).

Đại diện nhà đầu tư Dự án BOT cầu Thái Hà cho biết, với vị trí liên kết tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, lưu lượng xe của Dự án phụ thuộc phần lớn vào tiến độ xây dựng 2 tuyến nối do Sở GTVT Hà Nam và Sở GTVT Thái Bình làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 2/2019, khi hai tuyến đường nối hoàn thành, nhà đầu tư Dự án BOT cầu Thái Hà mới có đủ điều kiện để tổ chức thu phí hoàn vốn. Về cơ bản, trong suốt hơn 2 năm rưỡi, nhà đầu tư gần như “ngồi chơi, ngắm xe chạy miễn phí” dù vẫn phải đều đặt thanh toán các khoản chi phí nuôi bộ máy, thanh toán gốc, lãi các khoản vay ngân hàng.

Trước đó, Bộ GTVT đã có Văn bản số 14723/BGTVT-TC ngày 28/12/2018 thống nhất với nhà đầu tư về việc tổ chức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tại Trạm BOT cầu Thái Hà. Cụ thể, nhà đầu tư sẽ tổ chức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tại Trạm BOT cầu Thái Hà (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) từ ngày 10/1/2019 để hoàn vốn đầu tư cho Dự án.

Điều đáng nói là, từ tháng 2/2019 đến nay, khi hoạt động thu phí đã bình thường trở lại, thì doanh thu thu phí trung bình tại Dự án BOT cầu Thái Hà chỉ đạt khoảng 76 triệu đồng/ngày đêm, tương đương 15,9% phương án tài chính tại hợp đồng BOT.

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà, sau khi cầu Hưng Hà thông xe (26/1/2019), hầu hết các xe tải, container đều tránh tuyến đường thu phí (cầu Thái Hà) để di chuyển qua cầu Hưng Hà sang Hưng Yên và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dẫn đến giảm lưu lượng xe và doanh thu thu phí cầu Thái Hà.

“Chúng tôi đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm chỉ đạo tư vấn lập dự án đánh giá lại nguyên nhân, đưa ra ý kiến khách quan và xác nhận số liệu lưu lượng thực tế sai khác với dự báo”, ông Cương nói.

Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn: Phấp phỏng nỗi lo hoàn vốn
Bắt đầu từ 0h ngày 18/2, tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dài 64 km đã thu phí chính thức sau hơn một tháng vận hành miễn phí trong nỗi lo phấp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư