Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Dự án BOT Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1K: Ngấp nghé bờ vực nguy hiểm
Anh Minh - 02/11/2017 07:25
 
Nhà đầu tư Dự án BOT Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1K trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM đang đứng trước nguy cơ bị rút quyền thu giá dịch vụ.

Báo động đỏ

Có tới 3 vi phạm hợp đồng nghiêm trọng đã được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chỉ ra trong văn bản hỏa tốc vừa gửi tới nhà đầu tư Dự án BOT Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1K trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM (Dự án) là Công ty TNHH B.O.T Quốc lộ 1K và liên danh nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư 194 - Công ty cổ phần Rạng Đông - Công ty TNHH Xây dựng đầu tư cơ sở hạ tầng Phú Thọ - Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Thành Đô - Công ty TNHH Bệnh viện mắt Thái Thành Nam.

Dự án BOT Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1K  nằm  trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM có tổng mức đầu tư 397 tỷ đồng.
Dự án BOT Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1K nằm trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM có tổng mức đầu tư 397 tỷ đồng.

Căn cứ Hợp đồng số 1939/BGTVT - KHĐT, phụ lục hợp đồng số 2285/GTVT -KH&ĐT và thỏa thuận đầu tư kèm phụ lục hợp đồng số 02/PLHĐ - 1939/BPT -BGTVT, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khẳng định, nhà đầu tư đã vi phạm khoản 11.1, Điều 11 về thời gian xây dựng công trình Dự án. Cụ thể, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án chưa hoàn thành hạng mục bổ sung Dự án (xây dựng mặt đường bê tông xi măng tại các vị trí ra vào mỏ đá và dải phân cách bê tông cốt thép; hoàn thiện công trình phòng hộ và an toàn giao thông) trong quá trình khai thác.

Không chỉ có vậy, nhà đầu tư Dự án BOT có tuổi đời lâu bậc nhất khu vực Đông Nam Bộ này còn vi phạm khoản 30.8, Điều 30 về kiểm toán chi phí vốn đầu tư Dự án và quyết toán giá trị hợp đồng khi chưa trình quyết toán vốn đầu tư đối với các hạng mục bổ sung, phát sinh đã hoàn thành.

Bộ GTVT còn khẳng định, Công ty TNHH B.O.T Quốc lộ 1K đã vi phạm Điều 47 về việc chưa điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định Nghị định số 15/2015/NĐ - CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ.

Trong Văn bản số 12039/BGTVT - ĐTCT do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông ký vào cuối tuần trước, Bộ GTVT giao Tổng công ty Cửu Long trong vai trò là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện giám sát việc tuân thủ các nghĩa vụ của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án theo quy định tại hợp đồng dự án, khẩn trương đôn đốc, kiểm tra báo cáo kết quả khắc phục các vi phạm nêu trên của nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án.

“Trường hợp nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án không phối hợp thực hiện, đề xuất các biện pháp xử lý theo quy định tại khoản 30.8, Điều 30 hoặc Điều 59, Điều 60 của Hợp đồng”, Văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nêu.

Cần phải nói thêm, các biện pháp xử lý được Bộ GTVT dẫn chiếu đều dẫn tới khả năng quyền thu giá dịch vụ trên Quốc lộ 1K của nhà đầu tư sẽ bị tạm dừng cho đến khi các vi phạm được khắc phục triệt để.

Theo hợp đồng gốc được ký cách đây 14 năm, Dự án BOT Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1K trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM có tổng mức đầu tư 397 tỷ đồng, bao gồm 2 hạng mục chính là đoạn tuyến có chiều dài 10,5 km với giá trị xây dựng là 281,9 tỷ đồng và xây dựng cầu Hóa An mới. Mục tiêu ban đầu của Dự án là khởi công trong tháng 6/2003 và hoàn thành sau 36 tháng thi công, tổng kinh phí đầu tư hơn 397 tỷ đồng. Kinh phí đầu tư dự án sẽ được thu hồi qua trạm thu phí trong vòng 17 năm, trong đó thời gian hoàn vốn là 14 năm.

Báo cáo sai tính cấp bách

Theo Tổng công ty Cửu Long, tại Dự án BOT Quốc lộ 1K, nhà đầu tư đã thi công hoàn thành công trình chính và thu phí từ năm 2007.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 8/2010, Công ty TNHH B.O.T Quốc lộ 1K đã phát Văn bản số 240/KHKT- BOTQL1K gửi Bộ GTVT đề nghị bổ sung hạng mục mặt đường bê tông xi măng tại các vị trí ra vào mỏ đá và dải phân cách bê tông cốt thép do hai bên tuyến Quôc lộ 1K tốc độ đô thị hóa rất nhanh, có nhiều đường ngang, xí nghiệp cùng với mỏ đá kết nối ra Quốc lộ 1K. Ngoài ra, các phương tiện chở đá quay vòng nhiều, trong đó có cả phương tiện quá tải dẫn đến rơi vãi đá xuống đường gây bong tróc mặt đường bê tông nhựa tại các vị trí đấu nối ra Quốc lộ 1K và vị trí kiểm soát đầu ra của Trạm thu phí.

Thời gian hợp đồng BOT Quốc lộ 1K
Thời gian thi công: 36 tháng.
Thời gian thu phí: 12 năm 2 tháng.
Thời gian thu phí tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư: 42 tháng (sẽ được xác định lại khi phê duyệt quyết toán chính thức).
Ngày bắt đầu thu phí: Trạm Đồng Nai ngày 22/10/2007; Trạm Bình Dương ngày 28/2/2008.

Trước nguy cơ mất an toàn giao thông cao như “miêu tả” của nhà đầu tư, Bộ GTVT đã có các văn bản chấp thuận bổ sung 3 hạng mục theo đề nghị của Công ty TNHH B.O.T Quốc lộ 1K với số tiền khoảng 60 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Tổng công ty Cửu Long, đến nay, sau gần 6 năm kể từ khi được Bộ GTVT chấp nhận bổ sung khối lượng, vẫn còn những hạng mục chưa thi công. Trong đó, tới tận ngày 5/10/2017, Tổng công ty Cửu Long mới nhận được Văn bản của Công ty TNHH B.O.T Quốc lộ 1K thông báo ngày 3/10/2017, đơn vị này đã khởi công thi công hạng mục bổ sung xây dựng mặt đường bê tông xi măng tại các vị trí ra vàọ mỏ đá và dải phân cách bê tông cốt thép, trong khi lẽ ra cần thực hiện từ cách đây 7 năm.

“Điều này cho thấy nhà đầu tư đã báo cáo không đúng về tính cấp bách của các hạng mục bố sung và cố ý kéo dài thời gian thi công, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến công tác xác định lãi vay và kéo dài thời gian thực hiện Dự án”, văn bản gửi Bộ GTVT do ông Nguyễn Ngọc Toan, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long ký nêu rõ.

Trong khi đó, theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây, tình trạng “xuống cấp” trên tuyến đường Quốc lộ 1K đi qua địa bàn Bình Dương và nối TP.HCM và Đồng Nai ngày càng nghiêm trọng. Tuyến đường thường xuyên rơi tình trạng mất an toàn giao thông do hệ thống đèn đường bị “tê liệt” hàng loạt. Khói bụi của cát đá và xe quá tải xảy ra liên tục. Nhiều khu vực đèn tín hiệu không hoạt động.

Không chỉ có tình trạng hư hỏng và không hoạt động của hệ thống đèn tín hiệu. Hiện khu vực Quốc lộ 1K đang là một điểm nóng về tình trạng ô nhiễm môi trường và khói bụi. Trên tuyến Quốc lộ 1K đoạn từ cầu Hóa An, tỉnh Đồng Nai đến đoạn qua trạm thu phí khoảng 100 mét, khu vực này thường xuyên bị mất an toàn giao thông do đất đá vương vãi khắp nơi. Nguyên nhân là do khu vực này đi qua các khu vực mỏ vật liệu, nhà máy bê tông, trạm trộn… nên có nhiều đất cát và đá vương vải trên mặt đường, giải phân cách, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, mặc dù Dự án hoàn thành năm 2007, nhưng nhà đầu tư liên tục phớt lờ yêu cầu hoàn thành công tác quyết toán Dự án chính cũng như chậm trễ trong quyết toán các hạng mục bổ sung. Tính đến cuối tháng 10/2017, Công ty B.O.T Quốc lộ 1K mới quyết toán được giá trị 216,8 tỷ đồng và vẫn còn hai hạng mục bổ sung đã thi công, nhưng chưa quyết toán với giá trị khoảng 52 tỷ đồng.

Điều đáng nói là, Dự án đã triển khai thu phí được 10 năm, với giá trị thỏa thuận quyết toán mới đạt 216,8 tỷ đồng.

“Theo ước tính sơ bộ của Tổng công ty Cửu Long, thời gian thu phí đã đủ so với giá trị đã quyết toán. Vì vậy, việc quyết toán các hạng mục còn lại chậm có khả năng sẽ tạo nên thời gian thu phí thực tế lớn hơn thời gian thu phí điều chỉnh”, đại diện Tổng công ty Cửu Long cho biết.

Nhà đầu tư phản ánh có hiện tượng kích động gây rối tại trạm thu giá BOT Ninh An
Công ty cổ phần Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa cho rằng đã có hiện tượng kích động gây mất trật tự, ách tắc giao thông tại trạm thu giá dịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư