-
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tăng 7% sau 8 tháng năm 2024 -
Đề xuất xây dựng mới cầu Phong Châu bằng nguồn vốn đầu tư công -
Bàn phương án xử lý dự án BOT, BT chuyển tiếp -
Bến Tre khẩn trương cho lễ khởi công Dự án cầu Ba Lai 8 -
Việt Nam - quốc gia trong ASEAN đang thu hút các khoản đầu tư lớn -
Nan giải việc hoàn trả chi phí cho nhà đầu tư Dự án BT Nhà thi đấu Phan Đình Phùng
Các dự án mới về điện khí, điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ đều rất ít chuyển động |
Hệ thống điện quốc gia hiện có công suất đặt khoảng 85.000 MW, trong số này có 16.700 MW điện mặt trời, 5.900 MW điện gió, 5.688 MW thủy điện nhỏ. Do chưa có hệ thống pin lưu trữ đi kèm, nên các nguồn điện này chịu ảnh hưởng rất nhiều từ thời tiết, khiến việc sản xuất điện không ổn định 24/7 trong suốt cả năm như các nguồn điện chạy than, khí và thủy điện lớn có hồ nước tích trữ theo năm.
Năm 2021, công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống (Pmax) đạt 43.518 MW, năm 2022 đạt 45.434 MW và năm 2023 đạt 46.348 MW, nghĩa là tăng trưởng chỉ dao động quanh mức 1.500 MW/năm. Tuy nhiên, bước vào năm 2024, Pmax hệ thống đạt hơn 49.500 MW, tăng khoảng 3.000 MW so với năm 2023. Mức tăng trưởng này tương đương giai đoạn trước đại dịch Covid-19.
Thực tế trên đòi hỏi sớm có thêm những nguồn điện mới để đảm bảo yêu cầu “điện đi trước một bước, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế”.
Thưa thớt dự án thi công
360 MW là quy mô của 2 tổ máy thuộc Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 6.400 tỷ đồng. Được khởi công từ tháng 6/2021, dự án này đang ở giai đoạn nước rút thi công để phát điện 2 tổ máy trong quý IV/2024. Như vậy, cần khoảng 3 năm để có thêm 360 MW điện cho hệ thống.
Không được thuận lợi trong giai đoạn đầu triển khai, nhưng hiện tại, Dự án Nhà máy Thủy điện mở rộng Hòa Bình, cũng do EVN là chủ đầu tư, có quy mô công suất 480 MW, đang bước vào giai đoạn cao điểm thi công với mục tiêu phát điện vào giữa năm 2025.
Dự án này khởi công tháng 1/2021, sau khi bị dừng lại cả năm để xử lý các vấn đề liên quan tới sự cố và xin ý kiến các cơ quan chức năng để cho thi công tiếp. Để có được 480 MW điện mới bổ sung cho hệ thống, Dự án Thủy điện Hoà Bình mở rộng cần tới hơn 4 năm.
Được khởi động vào tháng 12/2021, theo kế hoạch, Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 (quy mô 1.403 MW) sẽ phát điện tổ máy 1 vào tháng 6/2026 và phát điện tổ máy 2 vào tháng 12/2026.
Thoạt nghe, thấy công suất của Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 lớn hơn, mà thời gian thi công chỉ mất 4 năm, nhưng tìm hiểu kỹ, thì dự án này đã được khởi công lần đầu vào tháng 7/2011, tức là cách đây 13 năm. Tuy nhiên, do chủ đầu tư cũ không thể thực hiện, nên dự án được giao lại EVN vào tháng 10/2016 để triển khai tiếp và tới tháng 12/2021 mới chính thức thi công, sau khi được các cơ quan hữu trách phê duyệt.
Trong số các dự án điện đang đẩy nhanh tốc độ thi công để về đích còn có Dự án Nhà máy Nhiệt điện chạy khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).
Được phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 2/2019, tới tháng 3/2022, Hợp đồng Thiết kế - Mua sắm - Xây dựng - Lắp đặt - Chạy thử và Nghiệm thu (Hợp đồng EPC) Dự án Nhơn Trạch 3 và 4 đã được ký kết với mục tiêu Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 chính thức phát điện thương mại vào tháng 11/2024 và Nhà máy Điện Nhơn Trạch 4 chính thức phát điện thương mại vào tháng 5/2025.
Ngoài các dự án nguồn điện đang thi công nói trên, hiện không có dự án nguồn điện nào đáng kể về công suất đang trong giai đoạn thi công để sớm bổ sung thêm nguồn điện mới cho hệ thống.
Gỡ cơ chế để đẩy nhanh các dự án điện sạch
Theo Quy hoạch Điện VIII, tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW (23 dự án). Trong đó, tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng khí khai thác trong nước là 7.900 MW (10 dự án), tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng LNG là 22.524 MW (13 dự án).
Thông tin từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), ngoài Dự án Điện khí Nhơn Trạch 3 và 4, hầu hết các dự án điện khí đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư vẫn chưa có nhiều tiến triển.
Do việc triển khai thủ tục tốn nhiều thời gian, nên các dự án điện khí đang triển khai có thể đi vào vận hành trước năm 2030 không nhiều, gồm Trung tâm Điện lực Ô Môn, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, Nhà máy Điện Hiệp Phước, tổng công suất khoảng 6.000 MW.
Các dự án còn lại chỉ có thể đi vào vận hành đến năm 2030 khi có điều kiện kèm theo là đàm phán xong Hợp đồng mua bán điện (PPA) và thu xếp được vốn vay trước năm 2027.
Nguyên nhân chính khiến các dự án điện khí LNG này chưa dễ bứt phá còn do nhà đầu tư tư nhân chưa nhìn thấy rõ hiệu quả mang lại để mạnh dạn xuống tiền, với các cơ chế hiện tại và đang được dự thảo.
Không chỉ dự án điện khí, các dự án mới về điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ cũng ít chuyển động. Đề án Nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước mà Bộ Công thương đưa ra hồi tháng 7/2024 cho thấy, từ nay tới năm 2030, không có bất cứ MW nào từ nguồn điện này được bổ sung vào hệ thống.
Nhiều chuyên gia nhận định, suất đầu tư cho điện gió ngoài khơi lớn, khoảng 2,5 - 3 tỷ USD/1.000 MW, thời gian thực hiện 6 - 8 năm kể từ lúc bắt đầu khảo sát. Hiện Việt Nam cũng chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được cấp chủ trương đầu tư, giao nhà đầu tư thực hiện.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác về khảo sát tốc độ gió và tiềm năng gió từng vùng, từng địa phương cũng như tổng thể toàn quốc và hiện trạng địa hình, độ sâu đáy biển.
Theo EVN, giá bán điện của các nhà máy điện gió ngoài khơi khá cao, khoảng 11 - 13 UScent/kWh. Ngoài ra, do chưa có dự án điện gió ngoài khơi, nên chưa rõ yêu cầu của nhà đầu tư liên quan đến cam kết sản lượng, PPA, chuyển đổi ngoại tệ và các vấn đề tài chính liên quan.
Do chưa có dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, nên chưa thể đánh giá được đầy đủ hệ thống định mức, đơn giá xây dựng, khảo sát, thiết kế liên quan đến công trình này. Vì vậy, cần rà soát để xây dựng và ban hành theo quy định.
Đặc biệt, do có quá nhiều vấn đề khi triển khai dự án điện gió ngoài khơi vẫn chưa được cụ thể hóa trong các chính sách, cơ chế, nên Bộ Công thương cho rằng, việc lựa chọn các nhà đầu tư quốc tế để thực hiện dự án thí điểm có thể có nhiều khó khăn, phức tạp chưa lường hết được và đề xuất giao các doanh nghiệp nhà nước lớn trong ngành năng lượng triển khai thí điểm.
Sau gần 2 tháng Bộ Công thương có báo cáo về tình hình điện gió ngoài khơi như trên, Equinor - tập đoàn năng lượng khổng lồ do Nhà nước Na Uy kiểm soát - đã huỷ kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi của Việt Nam và sẽ đóng cửa văn phòng tại Hà Nội, dù mới khai trương vào tháng 5/2022.
Trước đó, vào cuối năm 2023, Orsted - doanh nghiệp do Chính phủ Đan Mạch chiếm cổ phần chi phối - cũng đã quyết định dừng cuộc chơi ở Việt Nam để theo đuổi các kế hoạch khác. Orsted khi đó cho rằng, việc các cơ chế lựa chọn nhà đầu tư cũng như cơ chế bán điện sẽ là đàm phán thương mại trực tiếp dựa trên giá trần, hay đấu thầu cạnh tranh về giá, hay mua bán với mức giá cố định chưa rõ ràng, gây ra những e ngại nhất định, bởi khó dự báo nguồn doanh thu ổn định từ dự án.
Không chỉ dự án điện khí LNG, điện gió ngoài khơi đối mặt với thách thức chưa biết bao giờ giải được, các dự án điện gió trên bờ và điện mặt trời cũng ít chuyển động. Nguyên nhân chính là do chính sách hiện tại chưa rõ ràng, hoặc chưa hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân.
Để đạt được tổng công suất hệ thống 85.000 MW ở thời điểm hiện nay, ngành điện đã trải qua 70 năm xây dựng và phát triển. Do vậy, mục tiêu nâng công suất lên 150.489 MW vào năm 2030, tức gần gấp đôi mức hiện có trong 6 năm tới, nếu không có chính sách hấp dẫn, đột phá, thì khó có thể hiện thực hóa các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.
-
Việt Nam - quốc gia trong ASEAN đang thu hút các khoản đầu tư lớn -
Nan giải việc hoàn trả chi phí cho nhà đầu tư Dự án BT Nhà thi đấu Phan Đình Phùng -
Nghệ An chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án Đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò -
Quỹ Hỗ trợ đầu tư hướng đến dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa -
Treo 25 năm, Dự án Khu đô thị Sing - Việt tiếp tục mịt mù -
Nghị quyết 136 rộng mở cánh cửa đầu tư cho Đà Nẵng -
Cầu Nhơn Trạch trên đường Vành đai 3 TP.HCM hợp long nhịp đầu tiên ngày 12/9
- Gala tiếng Việt thân thương “Lời quê hương - Lời sắt son”
- Hồ sơ, Quy trình đăng ký kinh doanh tại Tư Vấn Quang Minh
- Điều gì giúp Vinasoy trở thành "Nơi làm việc tốt nhất Châu Á" năm 2024?
- Thương hiệu JW Marriott- JW Marriott Hotel & Suites Saigon chính thức ra mắt tại TP.HCM
- Triển khai mua bán vàng (digiGOLD) trên ứng dụng số VietinBank iPay Mobile
- FPT IS và Mastercard bắt tay triển khai số hóa thanh toán trong giao thông công cộng tại Việt Nam