Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Dự án đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột: “Đội sổ” về giải ngân, khó hoàn thành tiến độ
Bảo Như - 04/12/2022 14:12
 
Dự án Xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) khó có thể hoàn thành vào năm 2023.
Thi công đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột
Thi công đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột.

Dự án được đánh giá là triển khai quá chậm do đã trải qua gần một nửa thời gian thi công, nhưng khối lượng hoàn thành mới đạt khoảng 13%, đứng “đội sổ” trong số hơn 40 dự án sử dụng vốn đầu tư công do Bộ Giao thông - Vận tải quyết định chủ trương đầu tư.

Nhà thầu giải ngân… 3 tỷ đồng mỗi tháng

Dự án Xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột (Dự án đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột) đang trở thành mối bận tâm lớn nhất của lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) do tiến độ công trình được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công này liên tục bị sa lầy vào mối bùng nhùng khó gỡ liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và năng lực của một số đơn vị liên quan.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, vào đầu tuần này, Bộ GTVT đã có Công văn số 12412/BGTVT-TTR gửi UBND tỉnh Đắk Lắk; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk bày tỏ quan ngại lớn sau khi Thanh tra Bộ GTVT trực tiếp vào hiện trường để kiểm tra tiến độ công trình.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 11/2022, Dự án đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột đã thi công được gần một nửa thời gian theo tiến độ phê duyệt, nhưng sản lượng thi công thực tế chỉ đạt 117,908/971 tỷ đồng giá trị xây lắp, chậm 37,2% so với kế hoạch.

Số vốn kế hoạch năm 2022 của Bộ GTVT có nguy cơ không giải ngân hết khoảng 1.550 tỷ đồng. Trong đó:

- 998 tỷ đồng của 5 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang);

- 260 tỷ đồng của Dự án Xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột;

- 225 tỷ đồng của các dự án: Dự án thành phần 1A Tân Vạn - Nhơn Trạch (118 tỷ đồng); đường sắt Khe Nét (146 tỷ đồng); Quốc lộ 9 đoạn nối cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 (29 tỷ đồng);

- 48 tỷ đồng của Dự án Tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình…

Bên cạnh đó, lũy kế giải ngân từ đầu năm 2022 đến nay mới đạt 399/750 tỷ đồng vốn kế hoạch được giao, đạt 53% kế hoạch, nhưng chỉ có 34,8 tỷ đồng được thanh toán cho các khối lượng thi công. Tính bình quân, mỗi tháng của năm 2022, các nhà thầu thuộc Dự án chỉ giải ngân vỏn vẹn 3 tỷ đồng.

Với khối lượng thi công “mỏng” như trên, Dự án đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột đang đứng “đội sổ” trong số hơn 40 dự án sử dụng vốn đầu tư công do Bộ GTVT quyết định chủ trương đầu tư.

Do đã “cạn thời gian”, nên Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư) đã phải đề nghị Bộ GTVT điều chuyển giảm 260 tỷ đồng (phần xây lắp) theo kế hoạch vốn năm 2022 đã giao.

“Trong bối cảnh khối lượng GPMB mới hoàn thành được 21,4/39,6 km chiều dài tuyến; chi phí GPMB tăng thêm 331 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu, nếu không có giải pháp kịp thời, sẽ tiềm ẩn nguy cơ không hoàn thành Dự án theo mục tiêu đã đề ra”, lãnh đạo Bộ GTVT lo ngại.

Tại Công văn số 12412, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chậm triển khai công tác GPMB, làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của Dự án; thực hiện việc tạm ứng, thông báo khởi công có thời gian dự kiến chưa đúng quy định.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng được yêu cầu kiểm tra, rà soát lại việc áp dụng hệ điều chỉnh giá đất đền bù tại một số nơi trên địa bàn tỉnh rất cao. Theo đánh giá ban đầu, đây là một trong những nguyên nhân chính làm tăng chi phí GPMB dẫn đến vượt tổng mức đầu tư của Dự án.

Đối với chủ đầu tư Dự án, Bộ GTVT yêu cầu lập lại tiến độ để hoàn thành công trình vào cuối năm 2023, đồng thời có giải pháp xử lý đối với nhà thầu không tiếp tục thực hiện hợp đồng theo quy định; thu hồi tiền tạm ứng và các khoản lãi suất phát sinh đối với các đơn vị thi công đã tạm ứng, nhưng không triển khai thực hiện hoặc không có mặt bằng thực hiện; kiến nghị Bộ GTVT xem xét, xử lý đối với các nhà thầu hạn chế năng lực, không hoàn thành khối lượng theo hợp đồng.

Công văn số 12412 là văn bản thúc tiến độ thứ 6 được Bộ GTVT phát đi để cảnh báo đơn vị chủ đầu tư Dự án đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột.

Trong công văn gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk hồi tháng 7/2022, Bộ GTVT cho rằng, việc chậm chễ GPMB Dự án đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ, chất lượng thi công các gói thầu trong khi mùa mưa tại khu vực đang đến gần, dẫn đến chậm giải ngân nguồn vốn đã bố trí cho Dự án.

“Điều này gây dư luận xã hội không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của địa phương khi Bộ GTVT xem xét, quyết định đầu tư các dự án khác tại địa phương trong thời gian tới”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Nhiều sai sót

Cần phải nói thêm rằng, những bất cập trong quá trình triển khai Dự án đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột đã được Kiểm toán Nhà nước cảnh báo từ tháng 6/2022.

Trong Thông báo số 266/TB-KTNN về kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, phương án hướng tuyến được phê duyệt xác định trong Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của Dự án còn tồn tại, hạn chế khi vị trí đầu tuyến tại Km1758+946 (Quốc lộ 14) không đi trùng hướng tuyến theo quy hoạch đường Hồ Chí Minh đã được phê duyệt (lệch gần 1 km).

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh hướng tuyến đi qua khu dân cư hiện hữu (do tận dụng, mở rộng đường nối Quốc lộ 14 - Quốc lộ 26 khoảng 2,1 km đầu tuyến) có thể làm phát sinh khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB và sẽ không tận dụng được các hạng mục đã đầu tư phân kỳ giai đoạn I cho Dự án Đường Hồ Chí Minh khi thực hiện đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh (4 - 6 làn xe cao tốc).

Cảnh báo này đã trở thành hiện thực khi diện tích GPMB của Dự án đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột đã lên tới gần 116,99 ha, với 1.388 hộ dân trong diện ảnh hưởng.

Đến ngày 21/11/2022, chính quyền địa phương mới phê duyệt 19 phương án với 857 hộ/1.388 hộ/1.566 hộ (tăng thêm 178 hộ do tách thửa), đạt 54,72%, còn lại 709 hộ chưa lập phương án/360,62 tỷ đồng.

Theo ông Phan Xuân Bách, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, trên cơ sở kết quả khảo sát, điều tra, đo đạc, kiểm đếm hiện trạng về đất đai, cây trồng, tài sản vật kiến trúc gắn liền với đất, thì tổng chi phí bồi thường GPMB của Dự án đã lên tới 726 tỷ đồng, tăng 84,13% so với giá trị chi phí bồi thường GPMB theo tổng mức đầu tư được Bộ GTVT duyệt (394,299 tỷ đồng). Hiện các bên liên quan vẫn chưa làm thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư, trong đó xác định chính xác nguồn vốn bổ sung cho phần kinh phí GPMB tăng thêm này.

Một điều khó hiểu của đơn vị chủ đầu tư là, theo yêu cầu của Chính phủ, các chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công phải bàn giao ít nhất 70% mặt bằng sạch mới được tiến hành khởi công. Tuy nhiên, không rõ lý do gì, mà Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk lại vội vã khởi công công trình khi công địa thi công rất hạn chế.

Do phải chờ đợi mặt bằng quá lâu trong bối cảnh biến động giá vật liệu quá lớn, nên một số đơn vị thi công không còn đủ khả năng thực hiện hợp đồng và đã đề nghị được điều chuyển khối lượng của mình cho thành viên trong liên danh.

Cụ thể, Công ty cổ phần Licogi 166 thuộc liên danh 5 nhà thầu thi công Gói thầu số 4 có chiều dài tuyến 19,16 km, giá trị 515,877 tỷ đồng (bao gồm dự phòng) đã xin chuyển phần việc được giao cho các nhà thầu khác trong liên danh, dù mới chỉ trải qua 8 tháng thi công.

Hiện chủ đầu tư đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét, quyết định điều chuyển khối lượng giữa các nhà thầu trong liên danh thực hiện Gói thầu số 4.

Trường hợp các nhà thầu trong liên danh không thống nhất tiếp nhận khối lượng được điều chuyển hoặc phát sinh tình huống không thể điều chuyển khối lượng giữa các nhà thầu trong liên danh, chủ đầu tư đề nghị Bộ GTVT xem xét, quyết định chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Công ty cổ phần Licogi 166. Phần khối lượng này được áp dụng hình thức chỉ định thầu và đơn vị được chỉ định thầu phải đủ năng lực thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ của gói thầu.

Rủi ro lớn đối với đơn vị chủ đầu tư là hồ sơ mời thầu các gói thầu xây lắp không quy định mức tạm ứng, điều kiện tạm ứng, việc thu hồi tạm ứng theo quy định của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP về quy định chi tiết hợp đồng xây dựng. Nguy cơ khó khăn trong việc thu hồi tạm ứng hợp đồng đối với Công ty cổ phần Licogi 166 khi chấm dứt hợp đồng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Những sai sót nêu trên, theo các chuyên gia, phần nhiều là do năng lực điều hành, kinh ngiệm quản lý dự án còn “non” của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk.

“Chủ đầu tư phải khẩn trương rà soát, tăng cường nhân sự quản lý dự án, nghiên cứu thành lập văn phòng điều hành dự án tại hiện trường (theo mô hình có giám đốc điều hành dự án), tổ chức kiểm điểm tiến độ hằng tuần với các nhà thầu và tư vấn giám sát để kịp thời phát hiện nguyên nhân chậm trễ, có giải pháp tháo gỡ, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện”, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu.

Đầu tư 1.512 tỷ đồng xây đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông Tp. Buôn Ma Thuột
Gần 39 km đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk sẽ được xây mới đạt tiêu chuẩn đường cấp III,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư