Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa: Đề nghị đầu tư theo hình thức BOT
Anh Minh - 23/04/2018 08:14
 
Sau 7 năm bị đình hoãn, giãn tiến độ, tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa sẽ được hoàn thiện, mở rộng để đạt chuẩn cao tốc hạn chế bằng hình thức đầu tư xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT).
TIN LIÊN QUAN

Phương án khả dĩ 

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đạt quy mô cao tốc hạn chế 4 làn xe theo hình thức BOT. 

“Đây là lối thoát khả dĩ nhất để sớm hoàn thiện tuyến đường Hồ Chí Minh kết nối khu vực Tây Nguyên với Đồng bằng sông Cửu Long mà không phải đi vòng qua TP.HCM”, ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh đánh giá. 

Cầu vượt đường xuyên Á đoạn qua Chơn Thành - Đức Hòa.
Cầu vượt đường xuyên Á đoạn qua Chơn Thành - Đức Hòa.

Tính toán sơ bộ cho thấy, nếu đầu tư theo phương án này, tổng mức đầu tư để hoàn thiện, nâng cấp tuyến đường Chơn Thành - Đức Hòa sẽ khoảng 3.800 tỷ đồng. 

Với mức giá căn cứ theo quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT về mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ tối đa áp dụng cho các dự án BOT, phương án này có tính khả thi về tài chính và không cần sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Quy mô cao tốc hạn chế cũng phù hợp với nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực; tương tự quy mô phân kỳ đầu tư của các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Nếu đầu tư theo quy mô cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, Dự án sẽ tốn khoảng 5.300 tỷ đồng. Để đảm bảo tính khả thi tài chính theo hình thức BOT, Nhà nước sẽ phải hỗ trợ khoảng 1.000 tỷ đồng. 

“Trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn như hiện nay, việc bố trí 1.000 tỷ đồng hỗ trợ Dự án là không khả thi”, ông Hoàng cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt dự án đầu tư vào cuối năm 2017, được thực hiện bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Dự án đi qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An này có mục tiêu là cùng với đoạn tuyến N2 là trục đường chính nối các tỉnh khu vực Tây Nam với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và phía Bắc, đồng thời nối liền Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực Tây Nam Bộ. 

Chính thức triển khai thi công từ quý IV/2009, nhưng đến năm 2011, Dự án buộc phải dừng, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ. Dự án chỉ tiếp tục thi công 3 gói thầu (gói 1, 2, 42) để nối thông tuyến 10 km từ Quốc lộ 14 đến Quốc lộ 13 thuộc tỉnh Bình Phước, các gói thầu còn lại tạm dừng triển khai thi công.

Thực hiện Nghị quyết số 99/2015/QH13 ngày 11/11/2015 của Quốc hội về việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ còn dư của Dự án Nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, các gói thầu số 45, 46, 47 thuộc Dự án tiếp tục được đầu tư, khởi công từ tháng 10/2016 và dự kiến hoàn thành trong quý II/2018, trong đó có nút giao cầu vượt liên thông giữa đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 22 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

“Về tổng thể, Dự án mới hoàn thiện 10/83 km, 73 km còn lại mới xong nền đường, nên chưa thể đưa vào khai thác”, ông Hoàng xác nhận.

Đủ điều kiện làm BOT

Cuối năm 2015, để “làm sống lại” Dự án, Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT để hoàn thiện các khối lượng còn lại.

Dự án có điểm đầu Km10+000, thuộc huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương và điểm cuối tại km82+574, giao với đường tỉnh ĐT 825 và tuyến tránh Hậu Nghĩa tại phía Nam thị trấn Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).

Năm 2016, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh đã trình Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa theo hình thức BOT, trong đó đề xuất hình thức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo lượt (thu phí hở).

Tuy nhiên, hình thức thu giá dịch vụ như trên có hạn chế là chỉ đáp ứng được tính công bằng tương đối (người dân ở gần trạm thu giá đi quãng đường ngắn, nhưng vẫn phải trả phí). Bên cạnh đó, nếu triển khai theo Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT, Dự án sẽ không đảm bảo tính khả thi tài chính, do chỉ được đặt tối đa 1 trạm thu giá dịch vụ và mức điều chỉnh giá không quá 12%/năm.

Đó là lý do khiến Bộ Giao thông - Vận tải đã phải tiếp tục giao Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu triển khai Dự án với các phương án đầu tư đường cao tốc và áp dụng hình thức thu giá dịch vụ theo km để đảm bảo tính công bằng cho người sử dụng.

“Đây tuyến đường mở mới hoàn toàn, không phải là tuyến độc đạo duy nhất kết nối Tây Nguyên và Nam Bộ. Bên cạnh đó, nếu thu giá theo số km đi thực tế, nhà đầu tư sẽ có điều kiện hoàn vốn”, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải, nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, bộ này sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng Đề xuất đầu tư, tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

“Với phương án đầu tư cao tốc hạn chế theo hình thức BOT, tôi tin rằng, sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư do dự báo tăng trưởng lưu lượng phương tiện qua tuyến là rất khả quan”, ông Hoàng đánh giá.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư