Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoàn thành giai đoạn đầu tư xây dựng
Anh Minh - 31/03/2021 10:47
 
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bắt đầu công tác kiểm đếm tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, tài sản (thời gian khoảng 4 tuần) giữa Bộ GTVT và UBND TP. Hà Nội.
Một đoàn tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông).
Một đoàn tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông).

Đây là thông tin được ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT xác nhận với báo chí vào sáng nay (31/3) liên quan đến tiến độ triển khai Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Ông Đông cho biết là để chuẩn bị công tác bàn giao Dự án cho thành phố Hà Nội, Bộ GTVT và UBND Thành phố Hà Nội đã thống nhất từ ngày 31/3/2021, giao Ban Quản lý dự án đường sắt (thuộc Bộ GTVT) và Công ty Metro Hà Nội (thuộc UBND Thành phố Hà Nội) bắt đầu công tác kiểm đếm tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, tài sản (thời gian dự kiến từ 3-4 tuần).

“Trên cơ sở báo cáo thực hiện của 2 đơn vị, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội sẽ thống nhất thời điểm bàn giao, đưa Dự án vào vận hành, khai thác”, ông Đông thông tin.

Theo Bộ GTVT, tuyến Cát Linh - Hà Đông là dự án đường sắt đô thị đầu tiên được cho phép triển khai thí điểm tại Việt Nam. Dự án có tính đặc thù cao, nền tảng kỹ thuật phức tạp, công nghệ mới, các đơn vị tham gia thực hiện Dự án còn thiếu kinh nghiệm, đồng thời khung pháp lý điều chỉnh hoạt động quản lý, tổ chức thực hiện loại hình Hợp đồng EPC chưa thực sự đầy đủ…dẫn đến Dự án bị kéo dài, chưa đáp ứng được kỳ vọng của chính quyền và nhân dân Thủ đô về việc sớm đưa vào khai thác tuyến Dự án đường sắt đô thị đầu tiên của thành phố, giúp khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông của Hà Nội.

Thời gian qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung toàn bộ nhân lực, thời gian để thực hiện những công việc còn lại của Dự án.

Bên cạnh đó Bộ GTVT cũng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo rất sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm, ủng hộ, phối hợp rất tích cực của thành phố Hà Nội và các bộ, ngành liên quan cùng các chủ thể thực hiện dự án (Tổng thầu, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định…) để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn lại của Dự án và đã đạt được những chuyển biến tích cực.

Cụ thể, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Ban Quản lý dự án Đường sắt và Tổng thầu đã nỗ lực giải quyết những khó khăn về nhân sự để hoàn thành toàn bộ công tác xây dựng công trình và lắp đặt toàn bộ thiết bị của Dự án theo Hồ sơ thiết kế. Đại diện đơn vị tiếp nhận, khai thác của thành phố Hà Nội là Công ty Metro Hà Nội cũng đã hết sức nỗ lực với trách nhiệm cao trong việc ổn định, tổ chức nhân lực để vận hành toàn hệ thống từ tháng 1/2021 cho đến nay cơ bản đảm bảo yêu cầu.

Bộ GTVT đã báo cáo Hội đồng kiểm tra Nhà nước (về kết quả nghiệm thu của Chủ đầu tư; Thường trực Hội đồng kiểm tra Nhà nước đã có ý kiến về kết quả kiểm tra và Hội đồng kiểm tra Nhà nước sẽ có ý kiến cuối cùng trên cơ sở báo cáo của Bộ GTVT về kết quả đánh giá cuối cùng của tư vấn đánh giá an toàn hệ thống ACT.

Hiện nay, công việc còn lại của Dự án là công tác đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống. Tư vấn ACT đã kiểm tra, đánh giá toàn bộ phạm vi công việc (bao gồm công trình và thiết bị). Trong tháng 1/2021, Tư vấn ACT đã phát hành chứng nhận kiểm tra kèm theo báo cáo số 13; theo báo cáo của Tư vấn ACT, phần hệ thống thiết bị Tư vấn nêu ra 16 khuyến nghị bao gồm: Nhóm liên quan đến hồ sơ tài liệu; Nhóm liên quan đến thiết kế cần khắc phục hiện trường và có thể tiếp tục cải tiến, nâng cao mức độ an toàn trong tương lai; Nhóm liên quan đến sự sẵn sàng vận hành của các nhân sự. Đây là những khuyến nghị mang tính phòng ngừa rủi ro trong quá trình vận hành, khai thác.

Đối với các khuyến nghị của ACT, từ tháng 1/2021 đến nay đã được triển khai thực hiện hoàn thành gồm: Cấp chứng nhận của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy; kết quả đánh giá an toàn bước 2 về hệ thống tín hiệu của Tư vấn Ricado. Công ty Metro Hà Nội đã hoàn thiện lại 64 quy trình xử lý tình huống khẩn cấp, đã diễn tập ngoài hiện trường; Bổ sung các biển chỉ dẫn cho người khuyết tật...

Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt khẩn trương khắc phục các khuyến nghị, hoàn tất các thủ tục theo ý kiến của Tư vấn ACT thuộc trách nhiệm của Chủ đầu tư và Tổng thầu phải thực hiện; Đồng thời làm việc với UBND TP Hà Nội hoàn thiện các khuyến nghị thuộc trách nhiệm của Đơn vị vận hành khai thác (Công ty Metro Hà Nội) gồm: Sự sẵn sàng vận hành (gồm: mức độ thuần thục của nhân sự vận hành; bổ sung vào quy trình vận hành thao tác cho các nhân viên, tăng số lượng nhân viên; bổ sung diễn tập trong tình huống bất ngờ); Biện pháp sơ tán hành khách trong trường hợp khẩn cấp; Riêng đối với các nội dung đầu tư xây dựng các hạng mục nhằm nâng cao an toàn trong quá trình khai thác, đề nghị UBND TP Hà Nội thống nhất thực hiện đầu tư để tổng hợp gửi ACT, phục vụ cho công tác đánh giá cuối cùng.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam, sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc. Tiêu chuẩn thiết kế, thi công, nghiệm thu và vận hành  khai thác Dự án phần lớn sử dụng tiêu chuẩn của Trung Quốc. Dự án khởi công tháng 10/2011 và đến tháng 8/2018 cơ bản hoàn thành thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị.

Từ tháng 12/2018, Tổng thầu tiến hành căn chỉnh đồng bộ, vận hành thử kỹ thuật và vận hành thử nghiệm theo biểu đồ chạy tàu vào cuối năm 2019. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 xảy ra từ đầu năm 2020, nên đến cuối tháng 12/2020, Tổng thầu đã hoàn thành vận hành thử toàn hệ thống theo tiêu chuẩn Trung Quốc. Toàn bộ quá trình căn chỉnh, vận hành thử kỹ thuật và vận hành toàn hệ thống đã được Tư vấn giám sát chấp thuận nghiệm thu, đồng thời Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống kiểm tra, đánh giá công tác an toàn của dự án.

Kết quả theo dõi, kiểm tra, đánh giá của Tổng thầu, Tư vấn giám sát, Ban Quản lý dự án đường sắt đều xác nhận chất lượng công trình và công tác vận hành thử toàn hệ thống đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, hợp đồng dự án và đáp ứng các chỉ tiêu vận hành theo tiêu chuẩn Dự án.

Ngoài ra từ tháng 1/2021 đến nay (sau khi kết thúc giai đoạn vận hành thử), Tổng thầu đã phối hợp cùng với Metro Hà Nội thường xuyên duy trì chạy 2 đôi tàu trên tuyến để tiếp tục kiểm tra, đánh giá tính ổn định của hệ thống thiết bị và nâng cao tính thuần thục cho các nhân sự tham gia vận hành.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư