Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 09 năm 2024,
Gia hạn thời gian thực hiện Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông
Bảo Như - 09/12/2020 19:03
 
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được phép gia hạn thời gian thực hiện đến ngày 31/3/2021.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành thử toàn hệ thống trong 20 ngày liên tục, từ 12-31/12, để đánh giá an toàn, phục vụ công tác nghiệm thu.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành thử toàn hệ thống trong 20 ngày liên tục, từ 12-31/12, để đánh giá an toàn, phục vụ công tác nghiệm thu.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 10137/VPCP – QHQT gửi Bộ GTVT, Bộ Tài chính truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh về việc gia hạn thời gian thực hiện dự án và thời hạn rút vốn của Hiệp định vay bổ sung trị giá 1,598 tỷ NDT Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông.

Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý gia hạn thời gian thực hiện Dự án và gia hạn thời gian  giải ngân của Hiệp định vay bổ sung như kiến nghị của Bộ GTVT. Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan triển khai các thủ tục gia hạn theo quy định.

Vào tháng 11/2020, Bộ GTVT đã công văn số 11719/BGTVT – KHĐT xin Thủ tướng gia hạn thời gian thực hiện dự án và thời hạn rút vốn của Hiệp định vay bổ sung trị giá 1,598 tỷ NDT cho Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 380/TB-VPCP ngày 20/11/2020 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn thời gian thực hiện Dự án đến ngày 31/3/2021 và gia hạn thời gian giải ngân của Hiệp định vay ưu đãi Chính phủ bổ sung đến ngày 28/12/2022.

Dự án đường sắt đô  có chiều dài 13,05 km đi trên cao từ Cát Linh đến Hà Đông, đường đôi, khổ 1.435mm, khổ giới hạn tĩnh không 7,8m. Toàn tuyến có 12 nhà ga trên cao (bao gồm 2 ga trung chuyển là Cát Linh và Đại học Quốc gia). Tuyến khai thác 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa chuẩn B1 và 11 chuyên ngành thiết bị khác, khai thác với tần suất 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến, tốc độ thiết kế tối đa 80km/h, tốc độ khai thác bình quân 35km/h.

Dự án có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 18.001 tỷ đồng tương đương 868,04 triệu USD, trong đó: vốn vay Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng tương đương 669,62 triệu USD gồm 3 Hiệp định vay (Hiệp định ưu đãi Chính phủ trị giá 1,2 tỷ Nhân dân tệ tương đương 169 triệu USD; Hiệp định ưu đãi bên mua trị giá 250 triệu USD và Hiệp định ưu đãi Chính phủ bổ sung trị giá 1,598 tỷ NDT tương đương 250,62 triệu USD); vốn đối ứng Việt Nam là 4.134 tỷ đồng.

Theo Quyết định số 3136/QĐ-BGVT ngày 15/10/2008 của Bộ GTVT phê duyệt đầu tư dự án, thời gian thực hiện dự án 5 năm (từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013) nhưng do quá trình triển khai Dự án bị chậm do nhiều nguyên nhân nên Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn thời gian thực hiện Dự án. Trong lần gia hạn gần nhất (tháng 7/2018), Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, cho phép kéo dài thời gian thực hiện, hoàn thành Dự án đến quý I/2019. Thời gian bảo hành công trình là 24 tháng, quyết toán dự án trong năm 2021.

Hiện Dự án đã cơ bản hoàn thành công tác thi công xây dựng gồm 13,05 km cầu cạn cho tuyến đường sắt trên cao, toàn bộ đường ray, các bộ ghi chạy tàu, toàn bộ 12 nhà ga kèm theo hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận hành, 16 đơn thể khu Depot kèm theo hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan cây xanh. Đã tiến hành nghiệm thu công trình thành phần cho 5/5 chuyên ngành xây dựng, 9/11 chuyên ngành thiết bị, còn 2 chuyên ngành đang hoàn tất các thủ tục để nghiệm thu (thiết bị công nghệ và đoàn tàu).

Tổng thầu Trung Quốc cũng đã hoàn thành việc mua sắm 13 đoàn tàu chuẩn B1, đã vận chuyển và lắp đặt tại dự án. Hiện chủ đầu tư đã giải ngân nguồn vốn ODA là 551,064/669,62 triệu USD, vốn đối ứng là 3.332,791/4.134,399 tỷ đồng.

Theo Bộ GTVT, trong suốt một thời gian dài, Ban quản lý dự án đường sắt và Tổng thầu trao đổi nhiều lần, nhưng vẫn không rõ được trách nhiệm liên quan những vấn đề như: duyệt thiết kế, tổ chức nghiệm thu... Trong quá trình đàm phán xây dựng kế hoạch hoàn thành Dự án, Tổng thầu luôn đưa ra những điều kiện ràng buộc nên Ban quản lý đường sắt chưa thống nhất được với Tổng thầu bằng văn bản về thời gian hoàn thành bàn giao.

Ngoài ra, trong thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các nhân sự của Tổng thầu, Tư vấn giám sát, tư vấn đánh giá an toàn hệ thống không thể sang Việt Nam thực hiện hoàn thành các công việc còn lại của dự án.

Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ phối hợp của các Bộ, Ngành đến nay Tổng thầu, Tư vấn giám sát, Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống đã huy động hơn 100 nhân sự sang Việt Nam để thực hiện các công việc còn lại của Dự án, đồng thời Tổng thầu đã xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện hoàn thành các công việc trong tháng 12/2020, sau đó sẽ thực hiện công tác nghiệm thu, đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống và bàn giao Dự án. Dự kiến công tác này sẽ thực hiện hoàn thành trong quý 1/2021.

Nút thắt nghiệm thu Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông
Vẫn còn những nút thắt lớn mà chủ đầu tư phải vượt qua để có thể đưa vào khai thác thương mại Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư