Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 10 năm 2024,
Nút thắt nghiệm thu Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông
Bảo Như - 02/11/2020 07:28
 
Vẫn còn những nút thắt lớn mà chủ đầu tư phải vượt qua để có thể đưa vào khai thác thương mại Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông trong quý I/2021.
TIN LIÊN QUAN
.
.

Mốc tiến độ mới

Cho đến thời điểm này, quý I/2021 có thể coi là mốc tiến độ mới được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) hướng đến cho Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ để giải quyết những vướng mắc tại dự này vào giữa tuần trước, đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, sẽ cố gắng tối đa để đưa Dự án vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Trước đó, tại Báo cáo số 540/BC-CP về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội và TP.HCM do Bộ trưởng Bộ GTVT thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký gửi Quốc hội hôm 19/10/2020, một mốc tiến độ tương tự cũng được xác lập lại cho tuyến đường sắt này sau hơn 10 năm triển khai.

Theo đó, Bộ GTVT đang tăng cường phối hợp chỉ đạo Tổng thầu EPC Trung Quốc và đơn vị tư vấn đánh giá an toàn hệ thống sớm đưa nhân sự sang Việt Nam để thực hiện các công việc còn lại, phấn đấu cuối tháng 12/2020 sẽ hoàn thành công tác vận hành thử, diễn tập các tình huống an toàn để tư vấn chứng nhận an toàn hệ thống kiểm chứng; thực hiện đánh giá theo quy định; tháng 1/2021 bắt đầu nghiệm thu tổng thể, bàn giao Dự án cho UBND TP. Hà Nội.

Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) xác nhận, đến đầu tháng 10/2020, Dự án đã cơ bản hoàn thành thi công xây dựng (13,05 km cầu cạn cho tuyến đường sắt trên cao; toàn bộ đường ray, các bộ ghi chạy tàu; toàn bộ 12 nhà ga kèm theo hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận hành; 16 khu đơn thể Depot kèm theo hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan cây xanh), hoàn thành mua sắm 13 đoàn tàu chuẩn B1, đã vận chuyển và lắp đặt tại Dự án.

Tổng thầu cũng đã cung cấp và lắp đặt hoàn chỉnh 11/11 chuyên ngành thiết bị. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như thiếu hồ sơ hoàn công chứng minh phương án đảm bảo an toàn đối với 4 cột tín hiệu bị khuất tầm nhìn khi dừng tàu ở chế độ thủ công; thông số kỹ thuật của thiết bị AFC (máy đóng gói thẻ vé, cung cấp hồ sơ tài liệu an toàn của đoàn tàu...)

Tổng thầu đã thực hiện vận hành thử đơn động, căn chỉnh cho 4/11 chuyên ngành thiết bị (cấp điện, thông tin, tín hiệu, đoàn tàu) và hạng mục đường ray. Hiện còn 7/11 chuyên ngành thiết bị, Tổng thầu đang hoàn thiện các bước nghiệm thu để vận hành thử toàn hệ thống và nghiệm thu bàn giao, gồm: thu soát vé tự động; cảnh báo cháy; điều hòa thông gió; thang máy thang cuốn; chiếu sáng động lực; biển chỉ dẫn nhà ga và công nghệ Depot.

Nút thắt nghiệm thu

Liên quan công tác vận hành thử toàn hệ thống, Tổng thầu Trung Quốc mới đây đã trình chủ đầu tư các mốc thời gian tiến độ mới. Cụ thể, công tác huy động nhân sự bắt đầu từ ngày 22/10/2020 đến ngày 19/11/2020 (kể cả thời gian cách ly y tế); công tác vận hành thử toàn hệ thống bắt đầu từ ngày 6/10/2020 đến ngày 31/12/2020; công tác bàn giao bắt đầu từ cuối tháng 1/2021 và hoàn thành trong quý I/2021.

“Đây là mốc tiến độ tối ưu nếu trong quá trình triển khai không phát sinh thêm vướng mắc mới”, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết.

Trên thực tế, ngay cả khi bám sát được mốc tiến độ mới sau khi đã giải quyết xong vấn đề tài chính cho Tổng thầu, Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn còn ít nhất một đường găng lớn cần phải giải quyết nếu muốn đưa vào khai thác thương mại đúng tiến độ.

Cụ thể, công tác đánh giá an toàn hệ thống được thực hiện bởi đơn vị tư vấn APAVE - CERTIFER - TRICC không có nhiều tiến triển, do Tổng thầu chưa cung cấp được các chứng chỉ mức độ an toàn và các kết quả thử nghiệm an toàn từ nhà sản xuất; chưa thực hiện đầy đủ giải pháp đánh giá bằng thử nghiệm thực tế tại hiện trường, dẫn đến chưa đủ cơ sở để Tư vấn độc lập hoàn tất đánh giá an toàn của đoàn tàu.

Theo báo cáo của Tư vấn độc lập, do chưa đánh giá an toàn của đoàn tàu và một số tồn tại của hệ thống tín hiệu điều khiển chưa được Tổng thầu chứng minh, quản lý an toàn vận hành, đồng thời, do Tổng thầu chưa cung cấp đủ các chứng chỉ, hồ sơ tài liệu kỹ thuật an toàn, thử nghiệm thí nghiệm an toàn, nên Tư vấn độc lập chưa thể hoàn tất báo cáo cuối cùng về đánh giá an toàn hệ thống.

“Đây là vấn đề có tính then chốt, bởi nếu không giải quyết triệt để các tồn tại sẽ ảnh hưởng đến công tác nghiệm thu và có khả năng phải kéo dài thời gian hoàn thành đưa vào khai thác. Vì vậy, Bộ GTVT đang quyết liệt chỉ đạo Tổng thầu và các đơn vị liên quan tập trung giải quyết và đề nghị Tư vấn độc lập tích cực phối hợp đánh giá an toàn hệ thống trong quá trình Tổng thầu vận hành thử toàn hệ thống”, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.

Trong báo cáo gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội giữa tháng 10/2020, UBND TP. Hà Nội khẳng định, chỉ tiếp nhận Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông sau khi Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đánh giá, kết luận chất lượng công trình đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành và cho phép bàn giao, đưa vào khai thác sử dụng, đảm bảo an toàn chạy tàu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư