Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Dự án FDI thủy điện đầu tiên tại Lào Cai sắp đi vào hoạt động
Kỳ Thành - 06/06/2016 19:21
 
Ngày 8/6 tới đây, Nhà máy Thủy điện Cốc San (Lào Cai) có công suất 29,7 MW sẽ chính thức khánh thành và đi vào hoạt động.

Thông tin trên vừa được ông Allard M. Nooy, Chủ tịch HĐQT CTCP năng lượng tái tạo Lào Cai Việt Nam (LCRE) thông báo với phóng viên một số ít cơ quan báo chí, trong đó có Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn chiều 6/6.

Đây là nhà máy thủy điện có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên tại Lào Cai và nằm trong quy hoạch phát triển điện lực tinh Lào Cai, với mục tiêu đến năm 2020 đạt tổng sản lượng 1.000 MW. Nhà máy có tổng vốn đầu tư 49,9 triệu USD với cơ cấu cổ đông là các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, trong đó cổ đông nước ngoài nắm 73,6% vốn.

Được khởi động từ năm 2010, nhưng công tác xây dựng ban đầu của dự án Cốc San đã phải tạm dừng vào năm 2011 do vốn ban đầu bị phát sinh thêm và công ty dự án không thể vay vốn dài hạn để thực hiện. Thông qua khoản tài trợ nguồn vốn phát triển trị giá 7,54 triệu USD, InfraCo Asia (một công ty được tài trợ vốn từ Chính phủ Anh, Thụy Sỹ và Australia với mục tiêu cung cấp tài chính phát triển cơ sở hạ tầng) đã tham gia và giúp LCRE thoát khỏi khó khăn về tài chính, giải quyết các vấn đề về thẩm định dự án và an toàn môi trường xã hội.

Nhà máy Thủy điện Cốc San
Nhà máy Thủy điện Cốc San

Dự án đã tái khởi công vào tháng 12/2013 và chính thức vận hành, phát điện thương mại vào ngày 3/5/2016 sau 2 năm rưỡi thi công. Dự án có thời hạn hoạt động trong 50 năm và đã ký được hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với thời hạn 20 năm.

Mặc dù đây là dự án thủy điện nhỏ, nhưng ông Allard M. Nooy cho biết, Nhà máy thủy điện Cốc San có thể phát điện vào giờ cao điểm (16 - 22 giờ hàng ngày), trong đó mùa khô có thể đạt công suất cực đại giờ cao điểm và chạy 100% công suất vào mùa mưa.

Nhà máy thủy điện Cốc San sẽ cung cấp nguồn điện năng sạch, tái tạo để giúp cho 130.000 người dân có thể tiếp cận với nguồn điện tin cậy có giá hợp lý, đồng thời mang lại các lợi ích môi trường xã hội cũng như lợi ích kinh tế cho địa phương.

Dự án đã tạo 250 việc làm ngắn hạn trong thời gian xây dựng và duy trì 35 việc làm dài hạn trong thời gian vận hành, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương thông qua mở rộng khai thác quặng sắt, chế biến quặng đồng và phân bón từ mỏ apatit.

Đặc biệt, các nghiên cứu tác động môi trường được tiến hành theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới đã xác định tác động từ dự án Cốc San đã được giảm thiểu, giúp giảm phát thải khí cacbon khoảng 76.000 tấn/năm, cũng như giảm sự phụ thuộc vào nguồn điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đồng thời, để hỗ trợ người dân địa phương tại khu vực xây dựng dự án, InfraCo Asia đã triển khai 2 chương trình gồm phát triển cộng đồng và khôi phục sinh kế.

Theo ông Allard M. Nooy, InfraCo Asia đã hỗ trợ người dân địa phương bằng cách đào tạo về phương pháp trồng trọt mới, canh tác mới. Đồng thời, trong quá trình triển khai, công ty lên đã đào tạo nghề cho một số hộ dân mất đất,  cụ thể là xây dựng trực tiếp tại dự án. InfraCo Asia cũng sẽ triển khai vệ sinh môi trường, cải thiện môi trường sống của người dân trong thời gian tới.

InfraCo Asia cho biết, sứ mệnh của công ty là đầu tư vào các dự án rủi ro để thoát ra khỏi khó khăn, do đó sau khi dự án Nhà máy thủy điện Cốc San hoạt động suôn sẻ, InfraCo Asia sẽ tìm kiếm để bán lại cổ phần cho các đơn vị tư nhân, dùng tiền tái đầu tư vào dự án thủy điện mới tại Việt Nam với mô hình tương tự như Cốc San.

Dự án thủy điện Hồi Xuân giải ngân được 865 tỷ đồng
Theo báo cáo từ Sở Công thương Thanh Hóa cho biết, dự án thủy điện Hồi Xuân hiện tại đã giải ngân đạt 865/3.371 tỷ đồng, chiếm 26% khối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư