Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 09 tháng 10 năm 2024,
Dự án FDI vào Bình Dương: Ưu thế Nhật Bản
Hồng Sơn - 31/08/2013 09:20
 
Tỉnh Bình Dương vừa tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư đợt 2/2013 cho 25 doanh nghiệp trong và ngoài nước, với tổng vốn đầu tư hơn 219 triệu USD.

Trong đó, có 10 dự án được cấp chứng nhận đầu tư mới (vốn đăng ký hơn 105,7 triệu USD) và 15 dự án tăng vốn (vốn tăng thêm hơn 113,3 triệu USD).

Trong 25 dự án trên, có 3 dự án cấp mới của doanh nghiệp Việt Nam, còn lại là của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm trên 211 triệu USD.

Dự án của Công ty TNHH Việt Nam Nagashima đầu tư vào Khu công nghiệp An Tây, sản xuất các loại linh kiện, phụ tùng trục cuốn băng tải

Như vậy, từ đầu năm đến nay, Bình Dương có thêm 88 dự án FDI mới và 88 dự án tăng vốn, với tổng vốn đầu tư 1,049 tỷ USD, nâng số dự án FDI trên địa bàn tỉnh lên 2.174 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 18,5 tỷ USD.

“Với kết quả này, kế hoạch thu hút vốn FDI 1 tỷ USD được nêu trong Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của HĐND tỉnh Bình Dương xem như đã hoàn thành và hoàn toàn có thể vượt xa trong thời gian còn lại của năm nay”, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương lạc quan.

Trong các dự án FDI đầu tư mới và tăng vốn của các quốc gia và vùng lãnh thổ được trao giấy chứng nhận đầu tư, Nhật Bản có 12 dự án, với tổng vốn đầu tư 117,4 triệu USD; Hoa Kỳ có 2 dự án, với vốn đầu tư gần 40 triệu USD; Đài Loan có 2 dự án, với vốn đầu tư 21 triệu USD; Hàn Quốc có 2 dự án với vốn đầu tư hơn 14 triệu USD; Hà Lan, British West, Samoa, Singapore đều có 1 dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư.

Số liệu của các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần này ở Bình Dương cho thấy, số dự án của các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn chiếm tỷ trọng khá cao. Trong số 12 dự án của Nhật Bản, có 4 dự án được cấp chứng nhận đầu tư mới. Đó là, Dự án Công ty TNHH Việt Nam Nagashima đầu tư vào Khu công nghiệp An Tây, nhằm sản xuất các loại linh kiện, phụ tùng trục cuốn băng tải; Dự án Công ty TNHH Washin Aluminum Việt Nam đầu tư vào Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, để sản xuất và gia công kỹ thuật các sản phẩm từ nhôm; Dự án Công ty TNHH Nanshin Seiki cũng tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, để sản xuất các chi tiết bằng nhựa và kim loại dùng trong điện thoại và xe hơi và Dự án của Công ty TNHH Tomoku Việt Nam đầu tư vào Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, nhằm sản xuất bao bì giấy với vốn hơn 47,6 triệu USD, diện tích nhà máy 6 ha, năng lực sản xuất 60 triệu m2/năm.

Ông Takashi Nara, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tomoku Việt Nam cho biết, hiện nhà máy đã khởi động và đẩy nhanh tiến độ thi công, để đến tháng 10/2014 sẽ đi vào hoạt động.

Ngoài các dự án đầu tư mới, Nhật Bản có 8 dự án tăng vốn, với số vốn tăng thêm gần 51 triệu USD. Trong đó, có 7 dự án tăng vốn trên 5 triệu USD, như Dự án Công ty TNHH Takigawa Việt Nam tăng vốn 7,8 triệu USD, để sản xuất túi nhựa và màng nhựa tại Khu công nghiệp VSIP IIA; Công ty TNHH Ắc quy GS Việt Nam tăng vốn 8 triệu USD, để tăng năng lực sản xuất các loại ắc quy chất lượng cao tại Khu công nghiệp VSIP I; Công ty TNHH Uchiyama Việt Nam tăng vốn 5 triệu USD, để sản xuất thiết bị truyền thông và bo mạch dùng trong thiết bị truyền thông tại Khu công nghiệp VSIP I...

Vốn FDI vào Bình Dương tiếp tục tăng trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn trong 8 tháng đầu năm cho thấy, Bình Dương vẫn đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Sập tầng 1 công trình Lotte Mart Bình Dương
Khoảng 8 giờ ngày 4/8, công trình Trung tâm thương mại Lotte Mart Bình Dương tại phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương đang trong quá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư