Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 01 năm 2025,
Dự án giao thông tại TP.HCM làm chậm do chờ lấy ý kiến di dời hạ tầng
Lê Quân - 10/05/2023 23:02
 
Một trong những nguyên nhân khiến dự án hạ tầng giao thông tại TP.HCM chậm tiến độ là do di dời hạ tầng kỹ thuật phải lấy ý kiến nhiều sở, ngành kéo dài hơn 1 năm.

Ngày 10/5, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM tiến hành giám sát về đầu tư công tại Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông).

Ban Giao thông là đơn vị đang thực hiện các dự án hạ tầng trọng điểm của Thành phố với số vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm nay khoảng 34.500 tỷ đồng.

Nút giao Nguyễn Văn Linh- Nguyễn Hữu Thọ mất hơn 1 năm để di dời hạ tầng kỹ thuật
Nút giao Nguyễn Văn Linh- Nguyễn Hữu Thọ chậm tiến độ do mất hơn 1 năm để di dời hạ tầng kỹ thuật

Tại buổi giám sát, một số đại biểu HĐND đã chỉ ra các dự án chậm tiến độ thi công dở dang gây thiệt hại rất lớn về kinh tế như Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của; Dự án xây dựng cầu Tăng Long; Dự án xây dựng cầu Nam Lý (TP.Thủ Đức); Dự án xây dựng cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè)...

Ngoài ra, nhiều dự án dù được bố trí vốn, mặt bằng nhưng thi công rất ì ạch như Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 50, Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa, Dự án xây dựng nút giao thông An Phú,...dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đạt thấp.

Một số đại biểu đặt vấn đề, dự án chậm ở khâu bồi thường giải phóng mặt bằng liên quan đến người dân thì có thể hiểu được, còn di dời hạ tầng kỹ thuật chậm liên quan đến các sở, ngành là điều khó chấp nhận.

Vì vậy, đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm chậm trễ trong việc di dời hạ tầng kỹ thuật dẫn đến việc thi công dự án giao thông kéo dài.

Trả lời về vấn mà đại biểu nêu, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban giao thông cho biết, để hoàn thiện thủ tục di dời hạ tầng kỹ thuật để làm dự án thì đơn vị này phải lấy ý kiến nhiều sở và đơn vị chuyên ngành. Đơn cử như ở nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, Ban giao thông phải chờ tới 15 tháng để các đơn vị di dời hạ tầng kỹ thuật xong mới tiến hành thi công được.

Tuy nhiên, ông Phúc cho biết, thời gian tới, khâu thủ tục trong việc di dời hạ tầng kỹ thuật sẽ nhanh hơn vì Chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị, sở ngành trong 2 tuần phải có ý kiến.

Liên quan đến Dự án cầu đường Bình Tiên đã trải qua 4 nhiệm kỳ lãnh đạo nhưng đến nay vẫn loay hoay, chưa khởi công được, đại biểu Cao Thanh Bình, Trưởng ban văn hóa, xã hội HĐND TP.HCM đề nghị cần bố trí vốn ngân sách để đầu tư cho dự án trong năm 2023.

Theo ông Bình, Dự án cầu đường Bình Tiên không chỉ kết nối khu vực trung tâm ra Quốc lộ 50, nối với đường Vành đai 3 TP.HCM, dự án có tác động rất lớn đến kinh tế, xã hội mở ra không gian phát triển đô thị cho Thành phố.

Phản hồi thông tin mà đại biểu HĐND đề nghị, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, Dự án cầu đường Bình Tiên là dự án rất quan trọng của TP.HCM. Dự án này đã được đưa vào danh mục cần tập trung ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, hiện nay, Thành phố đang tập trung vốn triển khai nhiều dự án quan trọng kết nối vùng như đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài… Do vậy, việc bố trí vốn đầu tư công để xây dựng cầu đường Bình Tiên chưa thực hiện được.

TP.HCM: Loạt dự án giao thông sắp có mặt bằng “sạch” để thi công
Trong quý IV/2022 và đầu năm 2023, hàng loạt dự án giao thông tại TP.HCM đang vướng mặt bằng sẽ tái khởi động trở lại sau khi có mặt bẳng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư