Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 09 tháng 09 năm 2024,
Dự án nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Điện Biên: Sai phạm trong giải phóng mặt bằng
Huệ Nguyễn - 22/06/2023 09:06
 
Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên chuẩn bị đưa ra xét xử vụ án liên quan tới những sai phạm trong quá trình thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tại Dự án Nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Điện Biên.
Dự án Nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Điện Biên đã để xảy ra nhiều sai phạm về giải phóng mặt bằng
Dự án Nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Điện Biên đã để xảy ra nhiều sai phạm về giải phóng mặt bằng.

Tự ý áp dụng chính sách bồi thường, gây thiệt hại gần 7 tỷ đồng

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Tuấn Anh, cựu Phó chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ, cùng 8 đồng phạm đã bị truy tố về các tội danh “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên công bố, cuối năm 2020, UBND TP. Điện Biên Phủ giao Trung tâm Quản lý đất đai TP. Điện Biên Phủ lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho những người có đất bị thu hồi, trong đó có diện tích hơn 232.000 m2 của Công ty cổ phần Chế biến nông sản Điện Biên.

Trong quá trình thực hiện, do có một số vướng mắc, nên ngày 26/7/2021, UBND TP. Điện Biên Phủ có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, đề xuất UBND tỉnh cho phép vận dụng cho các công nhân của Công ty cổ phần Chế biến nông sản Điện Biên được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm.

Ngày 29/7/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường có báo cáo đề xuất UBND tỉnh cho ý kiến về việc áp dụng chế độ bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất thu hồi.

Vụ án liên quan đến Dự án Nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Điện Biên được dư luận đặc biệt quan tâm và là một trong những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Điện Biên theo dõi, chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Điện Biên yêu cầu phải hoàn thành xét xử vụ án này trong tháng 6/2023.

Trong khi UBND tỉnh chưa có văn bản chỉ đạo, phản hồi về các nội dung này, Nguyễn Tuấn Anh với vai trò là Phó chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ, đã trực tiếp chỉ đạo Trần Thị Vân, Giám đốc Trung tâm Quản lý đất đai TP. Điện Biên Phủ tổ chức lập phương án bồi thường, hỗ trợ theo chế độ được đề xuất trong báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tiếp đó, Vân đã chỉ đạo Nguyễn Thị Khương (cán bộ hợp đồng Trung tâm Quản lý đất đai TP. Điện Biên Phủ), thực hiện nhiệm vụ kê khai, kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Khương đã lập, trình Vân

ký các báo cáo, tờ trình đề nghị thẩm định phương án, rồi chuyển đến Phòng Tài chính - Kế hoạch TP. Điện Biên Phủ.

Sau khi thấy số tiền bồi thường, hỗ trợ gần 70 tỷ đồng, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn, nên Trần Xuân Mạnh, cán bộ thẩm định phòng này đã trả lại hồ sơ phương án, đồng thời yêu cầu không lập chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm.

Quá trình tiếp tục thực hiện, Nguyễn Thị Khương không tiến hành kiểm tra, xác minh đối tượng bị thu hồi đất có trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định trên diện tích đất bị thu hồi hay không; không niêm yết công khai khái toán phương án; không tổ chức lấy ý kiến người bị thu hồi đất, nhưng vẫn lập lại phương án bồi thường, hỗ trợ. Lập, trình ký và điều chỉnh hồ sơ phương án đợt 31.

Hồ sơ này được Phạm Trung Kiên, Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch và Nguyễn Định Hiệp, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Điện Biên Phủ thông qua, dù không kiểm tra kỹ, sau đó trình Nguyễn Tuấn Anh ký duyệt phương án dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ (đợt 31).

Cơ quan điều tra xác định, số tiền bồi thường về cây cối hoa màu trái quy định là gần 1,7 tỷ đồng; hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất trái quy định cho 17 công nhân, gây thiệt hại của Nhà nước hơn 5,2 tỷ đồng.

Đề nghị “lại quả” 30% chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng

Hồ sơ vụ án cũng thể hiện, trong quá trình thực hiện phương án bồi thường đợt 66, Nguyễn Tuấn Anh đôn đốc, dọa sẽ chấm dứt hợp đồng với Nguyễn Thị Khương nếu không trình phương án bồi thường chi phí đầu tư vào đất của 48 công nhân nhận khoán đất của Công ty cổ phần Chế biến nông sản Điện Biên đúng thời hạn.

Do đó, trên cơ sở tài liệu thu thập khi lập phương án đợt 31, Khương đã lập phương án đợt 66 mà không thu thập thêm bất cứ tài liệu nào liên quan đến việc xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại của các công nhân, không tổ chức niêm yết công khai khái toán phương án, không tổ chức lấy ý kiến người bị thu hồi đất.

Liên quan tới vụ án trên, ngày 28/5/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Điện Biên Phủ cũng đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định khởi tố bị can đối với Vũ Đình Hải, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174, Bộ luật Hình sự.

Trước đó, Hải đã hẹn gặp chị Trần Thị Hải Hà (trú tại TP. Điện Biên Phủ, có chồng là bị can đang bị tạm giam liên quan tới vụ án), với lý do bị can này bị bệnh gan nặng, cần có 100 triệu đồng để chữa trị, Hải đã yêu cầu chị Hà đưa số tiền này rồi chiếm đoạt.

Hồ sơ của phương án này được các bộ phận liên quan nhanh chóng thông qua, Quyết định phê duyệt phương án được Nguyễn Tuấn Anh ký, kinh phí bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại là gần 6,2 tỷ đồng

Quá trình thực hiện công việc và các thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất của Công ty cổ phần Chế biến nông sản Điện Biên, Khương đã đề nghị được “ủng hộ” cho anh em tiền làm thêm giờ, với lý do bị thúc ép tiến độ, phải làm ngày làm đêm.

Do bị Ban Quản lý dự án tạm dừng chi trả cho 9 cá nhân thuộc bộ phận văn phòng của Công ty; hơn nữa nhận thấy diện tích đất bị thu hồi còn có một số tài sản, đất dự phòng chưa được bồi thường; tiền bồi thường chi phí vào đất của các công nhân cần Khương đề xuất, nên đại diện Công ty cổ phần Chế biến nông sản Điện Biên đã đồng ý “lại quả” mức 30% tiền bồi thường.

Sau khi nhận được tiền bồi thường đợt 66 là gần 6,2 tỷ đồng, 48 công nhân và Công ty cổ phần Chế biến nông sản Điện Biên đã nộp lại 30% số tiền được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại là 1,85 tỷ đồng, sau đó giao cho Khương tại trụ sở Công ty.

Số tiền trên, bị cáo Khương đã mang về nhà và sử dụng để chi tiêu cá nhân, đặt cọc mua đất, ứng trả lương trước cho cán bộ, gửi tiết kiệm...

Việc các bị can Nguyễn Thị Khương, Trần Thị Vân, Bùi Mạnh Cường, Nguyễn Tuấn Anh thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về đất đai trong việc bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại, được cơ quan chức năng xác định gây thiệt hại cho Nhà nước 6,2 tỷ đồng.

 Phát lộ thêm nhiều vi phạm

Ngoài ra, quá trình điều tra, cơ quan chức năng cũng xác định, trong quá trình làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng Dự án Đầu tư xây dựng công trình, cải tạo nâng cấp Quốc lộ 279B tỉnh Điện Biên, thông qua Trung tâm Quản lý đất đai TP. Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Khương đã nhận việc này để nhóm của mình thực hiện; đồng thời thỏa thuận trích lại cho Vân 30% chi phí tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Thủ đoạn của nhóm bị cáo này là trong quá trình thực hiện chi trả tiền lương, Vân chỉ đạo Trần Thị Hòa, kế toán tổng hợp kê khai số tiền đã chi trả cho 10 lao động thuộc nhóm của Nguyễn Thị Khương và tính số tiền 30% trích lại từ tiền chế độ nội nghiệp, ngoại nghiệp để yêu cầu Khương nộp lại cho Trung tâm.

Thêm vào đó, Vân cũng chỉ đạo Hòa thống nhất sẽ sử dụng số tiền này chi thưởng tết cho viên chức và người lao động trong Trung tâm Quản lý đất đai TP. Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, ngày 17/12/2021, Khương bị bắt nên chưa chuyển số tiền trích lại 30% này.

Cơ quan chức năng xác định, số tiền Trung tâm Quản lý đất đai TP. Điện Biên Phủ chi trả sai quy định, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 241 triệu đồng, do đó đã truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với các bị can Nguyễn Thị Khương, Trần Thị Vân, Trần Thị Hòa.

Ngoài ra, Trần Thị Vân còn chỉ đạo Trần Thị Hòa lập khống 2 hợp đồng thuê máy móc, phương tiện của Trung tâm Thiết bị tổng hợp Tùng Dương cho nhóm lao động của Nguyễn Thị Khương với giá trị 26 triệu đồng để thanh toán số tiền phục vụ chi tiêu ngoài quy định.

Trong quá trình điều tra, các bị can trên đã nộp lại toàn bộ số tiền vi phạm để khắc phục hậu quả.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư