Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 20 tháng 12 năm 2024,
Dự án xây dựng cầu Nam Lý và Tăng Long (TP.HCM): “Đánh trống bỏ dùi”
Ngọc Tuấn - 24/07/2021 07:26
 
Người dân TP. Thủ Đức thống khổ vì tình trạng “đánh trống bỏ dùi” ở 2 dự án xây cầu Nam Lý và Tăng Long. Tình cảnh ngập úng, kẹt xe và đình trệ kinh doanh chưa có lối thoát.
Dự án Xây dựng cầu Nam Lý còn vướng hơn 30 hộ dân chưa đồng thuận về giá đền bù
Dự án Xây dựng cầu Nam Lý còn vướng hơn 30 hộ dân chưa đồng thuận về giá đền bù.

Lay lắt chờ giải tỏa

Gặp chúng tôi trong cơn mưa rào giữa mùa mưa phương Nam, ông Trần Bảo Sơn - một người dân có đất thuộc diện giải tỏa ngay trụ cầu Tăng Long (đường Lã Xuân Oai, phường Trường Thạnh, TP. Thủ Đức) rầu rĩ, bởi ông và gia đình lại sắp phải gồng mình chống ngập.

Ông Sơn cho biết, lượng nước mưa chảy từ trên cầu Tăng Long xuống rất lớn, trong khi hệ thống thoát nước đang làm dở, nên nước không thoát ra ngoài sông được, mà đổ thẳng vào nhà như thác. Mưa kết hợp triều cường, thì tình trạng ngập càng nghiêm trọng. Mỗi khi trời mưa, ông phải huy động máy bơm để bơm nước ra.

Dự án Xây dựng cầu Nam Lý có vốn đầu tư 857 tỷ đồng, khởi công từ tháng 10/2016 để thay thế cầu cống đập Rạch Chiếc nhằm tăng khả năng kết nối xa lộ Hà Nội với cao tốc TP.HCM - Dầu Giây, góp phần giảm kẹt xe tuyến đường Đỗ Xuân Hợp vào giờ cao điểm. Kế hoạch ban đầu, dự kiến sau 1 năm 6 tháng từ khi khởi công, cầu Nam Lý sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng.

Dự án Xây dựng cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai bắc qua rạch Trau Trảu có tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng, được khởi công năm 2017, dự kiến hoàn thành cuối năm 2019.

Trụ cầu đang thi công án ngữ ngay trước nhà hàng mà gia đình ông Sơn cho thuê, khiến lượng khách hàng giảm mạnh, cầm cự được một thời gian thì nhà hàng buộc phải đóng cửa. Không có khách thuê, gia đình ông Sơn mất đi nguồn thu nhập lớn. Hàng xóm của ông cũng rơi vào cảnh tương tự.

“Cầu đã dừng thi công hơn 2 năm, nhà thầu đã kéo xe, máy, thiết bị đi nơi khác. Khu vực Dự án có vài chục hộ dân trong diện giải tỏa, nhưng không thống nhất được giá đền bù. Hiện tại, giá đất ở đây tăng cao, nhất là sau khi thành lập TP. Thủ Đức.

Đất mặt tiền đường Lã Xuân Oai (có sổ) lên cả trăm triệu đồng/m2. Cách đây 8 tháng, khi tôi đi họp, chính quyền Thành phố đưa ra giá đền bù 25 - 28 triệu đồng/m2, nên người dân không chịu. Sau khi họp nhiều lần, chính quyền cho biết sẽ mời đơn vị thứ 3 thẩm định giá độc lập, nhưng tới nay vẫn chưa thấy đâu…”, ông Sơn nói.

Chung nỗi bức xúc, ông Nguyễn Văn Ráng (đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, TP. Thủ Đức) cho biết, nhà ông ở đầu cầu Nam Lý, thuộc diện phải giải tỏa. Cách đây 3 năm, UBND phường Phước Long B có mời gia đình ông họp một lần, nhưng không thống nhất được mức giá đền bù. Khi làm cầu, đường Đỗ Xuân Hợp và cống Nam Lý phải phân luồng phục vụ thi công nên đường hẹp lại, dẫn tới tình trạng kẹt xe nặng nề. Đáng nói, dù đã ngưng thi công cầu, nhưng giao thông chưa được tái lập. Trong thời gian chờ giải tỏa, người dân sống trong thấp thỏm, không biết bao giờ phải đi, nhà cửa xuống cấp không thể xây mới.

Khảo sát thực tế, phóng viên Báo Đầu tư ghi nhận, khu vực từ trụ cầu Tăng Long (phía giáp rạch Trau Trảu) đến điểm giao cắt giữa đường Lã Xuân Oai và đường Lò Lu (phường Trường Thạnh) có hơn 30 hộ dân thuộc khu vực giải tỏa đang phải sinh sống và kinh doanh trong 2 dãy nhà lợp lá hoặc mái tôn cấp 4 cũ nát, tạm bợ. Trong khi đó, nơi đây được xem là đất “vàng” vì nằm ở vùng đệm giữa Khu công nghệ cao TP.HCM và hàng loạt dự án khu đô thị mới thuộc khu Đông TP.HCM.

Khoảng 35 hộ dân ở hai bên đường Đỗ Xuân Hợp phía quận 9 cũ thuộc khu vực Dự án Xây dựng cầu Nam Lý cũng đang phập phồng chờ giải tỏa. Hàng chục hộ dân khác trên đường Đỗ Xuân Hợp phía quận 2 cũ kinh doanh “cắc bụp” vì các trụ, đường dẫn cầu thi công án ngữ trước cửa. Hàng ngày, người dân nếm chịu cảnh kẹt xe nghiêm trọng và nhầy nhụa bùn rác mỗi khi trời đổ mưa.

Chưa hẹn ngày “nối nhịp bờ vui”

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, tới thời điểm thi công bị ngưng trệ, khối lượng xây lắp của cầu Tăng Long mới thực hiện trên 30%, cầu Nam Lý đạt 39%. Hiện trạng ở cả 2 dự án này chỉ là những trụ cầu, dầm cầu trơ cốt thép rỉ sét, đường dẫn thi công dang dở, cỏ dại mọc đầy, trở thành bãi tập kết rác, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, đơn vị được giao làm chủ đầu tư Dự án Xây dựng cầu Nam Lý và Tăng Long, nút thắt chính khiến 2 dự án này lâm cảnh đình đốn là không đền bù, giải tỏa được mặt bằng. Dù kinh phí bố trí cho giải phóng mặt bằng chiếm tới 2/3 tổng mức đầu tư dự án, nhưng không thống nhất được mức giá đền bù cho người dân có đất bị thu hồi.

Dự án Xây dựng cầu Nam Lý (giải tỏa 1,54 ha của 67 hộ dân) còn vướng hơn 30 hộ dân chưa đồng thuận về giá đền bù. UBND quận 9 (nay là TP. Thủ Đức) đã thực hiện các bước giải phóng mặt bằng từ năm 2016, nhưng hiện tiến bộ đền bù vẫn chưa có chuyển biến.

Đối với Dự án Xây dựng cầu Tăng Long, đơn giá T1 được trình Hội đồng Bồi thường thẩm định 2 lần (từ tháng 5/2018 đến  tháng 2/2020), nhưng tới giữa năm 2020 vẫn chưa được thông qua. Tính riêng phường Trường Thạnh, còn vướng 16/35 hộ dân chưa đồng ý giá đền bù.

Tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP cho phép TP.HCM áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất. Dù vậy, “cơ chế đặc thù” vẫn chưa giúp công tác giải phóng mặt bằng ở Dự án Xây dựng cầu Nam Lý và Tăng Long hoàn thành, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Có thể thấy, các dự án chậm tiến độ dài kỳ có nguyên nhân cố hữu là công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án đầu tư công của TP.HCM chậm, thủ tục rườm rà, điều chỉnh thiết kế… làm tốn rất nhiều thời gian. Cùng với thời gian là trượt giá, thị trường bất động sản biến động nhanh, khiến giá trị xây lắp và chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng gấp bội, phá vỡ phương án tài chính của các dự án.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và sự phối hợp của chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan trong công tác chuẩn bị, triển khai, quản lý đầu tư, điều phối dự án...

Phóng viên Báo Đầu tư đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM để tìm hiểu về giải pháp tháo nút thắt nhằm tái khởi động thi công cầu Nam Lý và Tăng Long, song chưa nhận được hồi đáp.

“Siêu dự án” Trung ương và lời “khẩn cầu” từ TP.HCM - Bài 1: “Treo” 20 năm, Dự án Ga Bình Triệu khiến ngàn hộ dân điêu đứng
Hàng vạn người dân sống trong vùng quy hoạch Dự án Ga Bình Triệu (TP.HCM) đã khốn khổ, đã bị tước quyền lợi, đã sống “vất vưởng” trên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư