Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
“Siêu dự án” Trung ương và lời “khẩn cầu” từ TP.HCM - Bài 1: “Treo” 20 năm, Dự án Ga Bình Triệu khiến ngàn hộ dân điêu đứng
Ngô Nguyên - 26/04/2021 08:46
 
Hàng vạn người dân sống trong vùng quy hoạch Dự án Ga Bình Triệu (TP.HCM) đã khốn khổ, đã bị tước quyền lợi, đã sống “vất vưởng” trên tài sản của mình gần 20 năm.
Hàng loạt dự án lớn có tính “xương sống” cho sự phát triển của TP.HCM và vùng lân cận do các bộ, ngành chức năng triển khai hoặc bị “treo” nhiều năm, hoặc gặp quá nhiều vướng mắc, phát sinh nhiều hệ lụy, không chỉ gây lãng phí đất đai, ngân sách, mà còn khiến người dân khốn khổ. Bức bối tới mức, mới đây, cơ quan chức năng TP.HCM phải gửi văn bản tới UBND TP.HCM, mong UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm triển khai những dự án này.
Những căn nhà tạm bợ của người dân trong khu quy hoạch treo ga Bình Triệu
Những căn nhà tạm bợ của người dân trong khu quy hoạch treo ga Bình Triệu

Bài 1: “Treo” 20 năm, Dự án Ga Bình Triệu khiến ngàn hộ dân điêu đứng

Dự án Ga Bình Triệu quy hoạch “treo” gần 20 năm nay, làm hàng ngàn hộ dân khốn khổ, điêu đứng. Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã làm việc với TP.HCM và thống nhất, Dự án vẫn tiếp tục triển khai, nhưng thời gian hoàn thành thì chưa “chốt hạ”.

Vẫn giữ, nhưng không “chốt hạ”

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc rà soát, báo cáo trong lĩnh vực, ngành phụ trách về những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền xem xét của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã có Báo cáo số 3543/SGTVT-KH, cho thấy hàng loạt “siêu dự án” giao thông mang tính xương sống cho sự phát triển của TP.HCM “có vấn đề”.

Điển hình và bức xúc nhất là Dự án Ga Bình Triệu (TP. Thủ Đức). Từ năm 2002, Kiến trúc sư trưởng TP.HCM đã phê duyệt chi tiết sử dụng đất tỷ lệ 1/2.000 khu đầu mối giao thông và dân cư Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh), trong đó, ga Bình Triệu có cơ cấu sử dụng hơn 41 ha đất.

Sau đó, cuối năm 2007, nhằm chống kẹt xe khu vực trung tâm và “xóa treo” cho người dân, UBND TP.HCM kiến nghị điều chỉnh quy hoạch đường sắt quốc gia và đường sắt cao tốc, di dời ga Bình Triệu và ga Sài Gòn ra ngoài trung tâm Thành phố.

Song, quan điểm này không được Bộ GTVT chấp thuận, đồng thời xây dựng phương án giữ nguyên hiện trạng, làm đoạn đường sắt trên cao từ ga Sài Gòn đến ga Bình Triệu.

Từ tham mưu của Bộ GTVT, ngày 8/4/2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch giao thông - vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 tại Quyết định số 568/QĐ-TTg. Trên cơ sở đó, tháng 6/2013, Bộ GTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM, trong đó, ga Bình Triệu là một trong các ga chính trong khu đầu mối, có chức năng tàu khách, đầu mối trung chuyển khách từ đường sắt sang các phương tiện giao thông công cộng khác.

Tới ngày 27/2/2014, một Thứ trưởng Bộ GTVT đã thống nhất giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (trực thuộc Bộ GTVT) ưu tiên nghiên cứu đầu tư khu vực ga Bình Triệu.

Dù “lệnh” là “ưu tiên”, nhưng theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, tới tận năm 2016, Cục Đường sắt Việt Nam mới hoàn thành việc cắm 212 điểm mốc giới (5 điểm tại phường Tam Phú, 17 điểm tại phường Linh Tây, 54 điểm tại phường Linh Đông và 136 điểm tại phường Hiệp Bình Chánh) theo ranh quy hoạch đã được phê duyệt của ga Bình Triệu và bàn giao cho TP.HCM quản lý.

Tuy nhiên, trả lời báo chí về giai đoạn cắm mốc giới nêu trên, đại diện ngành đường sắt cho hay, việc cắm mốc là để công bố quy hoạch cho tương lai, còn thời điểm triển khai dự án thì phải… xem xét về kinh phí đầu tư.

Kết cục ra sao? Theo Báo cáo số 3543/SGTVT-KH của Sở GTVT TP.HCM, thì sau khi cắm mốc tới nay, gần

5 năm trời, mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Ngày 26/3/2021, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã làm việc với UBND TP.HCM và cơ bản thống nhất: “Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan xem xét cơ chế triển khai thực hiện công tác bồi thường, tái định cư đối với các tổ chức, cá nhân nằm trong ranh quy hoạch ga Bình Triệu trong giai đoạn 2021 - 2025 để sớm ổn định đời sống của người dân cũng như xúc tiến kế hoạch đầu tư triển khai xây dựng ga Bình Triệu theo quy hoạch”.

Với nội dung được thống nhất nêu trên, thì kể từ khi quy hoạch (năm 2002) tới nay, tức gần 20 năm “treo ngược” không triển khai, Dự án Ga Bình Triệu vẫn được giữ lại với “mốc” thời gian rất chung chung, bất chấp quy định của pháp luật: sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà chưa triển khai, thì dự án phải được xóa và thông báo công khai cho người dân.

Ngồi “phòng lạnh” có thấu nỗi thống khổ của dân?

Đề cập nỗi khổ của người dân khi Dự án Ga Bình Triệu chậm được thực hiện, trong Báo cáo số 3543/SGTVT-KH, Sở GTVT TP.HCM dùng từ “sẽ”, tức cảnh báo ở thì tương lai. “Tuy nhiên, trong phạm vi ranh quy hoạch ga Bình Triệu có nhiều tổ chức, hộ dân bị ảnh hưởng, nên việc chậm thực hiện quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến việc ổn định đời sống của người dân”, Báo cáo số 3543/SGTVT-KH nêu.

Nhưng thực tế, người dân trong quy hoạch Dự án Ga Bình Triệu đã khốn khổ, đã bị tước quyền lợi, đã sống “vất vưởng” trên tài sản của mình gần 20 năm.

Tiếng kêu của dân, thậm chí của cả chính quyền địa phương, đã xuất hiện từ nhiều năm qua.

Năm 2016, UBND quận Thủ Đức (nay là TP. Thủ Đức) đã bức xúc báo cáo với lãnh đạo UBND TP.HCM rằng, quy hoạch Dự án đã khiến 3.257 hộ gia đình với hơn 15.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Việc chậm triển khai Dự án đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi chính đáng của người dân như vấn đề cấp chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở tạo lập sau ngày công bố quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng.

Do quy hoạch “treo”, nên hệ thống hạ tầng ở đây chưa được đầu tư. Cả khu vực rộng hơn 40 ha chỉ có một số đường giao thông chính (đường song hành đường sắt - đường 37, đường 49), nhưng cũng chỉ rộng 5 m; các đường giao thông còn lại không theo quy hoạch nào, nên chỉ rộng 1 - 3 m, ngoằn ngoèo, khó đi, gây khó khăn cho công tác phòng cháy, chữa cháy khi xảy ra sự cố. Thậm chí, một số khu vực bị bỏ hoang, cỏ dại mọc nhiều thành ao tù gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị. Đồng thời, hệ thống thoát nước của khu vực này chủ yếu thoát tràn qua các mương hở, gây ngập úng cục bộ, ô nhiễm môi trường.

UBND quận Thủ Đức lúc đó đã kiến nghị UBND TP.HCM có ý kiến với Bộ GTVT sớm có kế hoạch cụ thể, rõ ràng về thời điểm thực hiện đầu tư xây dựng ga Bình Triệu để người dân chấp hành, có thời gian chuẩn bị di dời tới chỗ ở ổn định.

Tháng 5/2020, tại Đại hội Đảng bộ phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, lãnh đạo phường Hiệp Bình Chánh cũng cho hay, đã kiến nghị Trung ương và UBND TP.HCM xem xét hủy bỏ hoặc điều chỉnh cho phù hợp với thực tế đối với khu quy hoạch Dự án Ga Bình Triệu đã “treo’ nhiều năm, để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Gần đây nhất, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của UBND TP.HCM (tháng 1/2021), lãnh đạo quận Thủ Đức đã kiến nghị UBND TP.HCM quan tâm và có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại Dự án Ga Bình Triệu, bởi đó là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo quá trình vận hành bộ máy và hoạt động quản lý nhà nước được ổn định, thông suốt khi “nâng cấp” lên thành TP. Thủ Đức.

Nhiều năm qua, người dân ở khu vực quy hoạch ga Bình Triệu khốn đốn đến tận cùng. Người dân có đất đai của cha ông để lại, nhưng do “dính” quy hoạch quá lâu, nên không thể dựng nhà kiên cố, không thể chia cho con cháu, mà cũng không thể bán đi để chuyển đến nơi ở mới. Nhiều nhà dân dù đã có số nhà do UBND quận cấp và quyết định cho phép tồn tại của UBND phường, nhưng khi đăng ký làm sổ hồng thì bị

Trả hồ sơ với lý do “chờ xóa quy hoạch treo”.

Việc mua bán nhà của người dân chủ yếu bằng hình thức viết giấy tay, nên việc giao dịch tại ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn nhà đất của dân trong dự án treo chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, nên không được chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng, chỉ được xây sửa tạm dưới sự xem xét của chính quyền, tùy từng trường hợp.

Không thể nói hết nỗi khổ của người dân, song kiến nghị trong báo cáo của Sở GTVT TP.HCM cũng vẫn là vấn đề mà UBND TP.HCM cùng chính quyền địa phương đã đề cập rất nhiều lần: “Kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai theo nội dung đã thống nhất”.

Theo các chuyên gia, dự án treo đã gây lãng phí đất đai, thiệt hại cho người dân, mất cơ hội đầu tư… chỉ chấm dứt khi có quy định xử lý nghiêm minh, không chỉ về tài chính (bồi thường), mà còn cả về pháp lý đối với phía gây nên tình cảnh trên.

Quy hoạch ga đầu mối Thủ Thiêm “có vấn đề”

Theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, thì chưa thể xác định các giải pháp tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc, cảnh quan trên mặt đất và không gian xây dựng ngầm cũng như xác định cụ thể chức năng và các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở lập Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu vực nhà ga Thủ Thiêm.

Ngoài ra, theo Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị (quy hoạch phân khu) tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị chỉnh trang kề cận Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thì một số tuyến đường khu vực cắt ngang khu vực nhà ga và việc tổ chức giao thông khu vục cắt ngang qua nhà ga đầu mối là chưa phù hợp, không đảm bảo an toàn. Do đó, để có cơ sở triển khai quy hoạch 1/500, cần nghiên cứu lại phương án tổ chức giao thông khu vực và thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 cho phù hợp.

Cuộc họp ngày 26/3/2021 giữa UBND TP.HCM và Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã thống nhất, Bộ GTVT sẽ chủ trì chỉ đạo đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu quy hoạch chi tiết ga đầu mối
Thủ Thiêm để có cơ sở quản lý quy hoạch, triển khai các dự án đầu tư. Vì vậy, Sở GTVT TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT sớm triển khai nội dung này.

(Còn tiếp)

Lãng phí ngàn tỷ, xóa sổ cơ hội đầu tư ở khu công nghiệp - Bài 1: Phải ngừng thu hút đầu tư vì tiền thuê đất chưa tính được
Khu công nghiệp Hiệp Phước phải ngưng thu hút đầu tư trên diện tích 200 ha vì cơ quan chức năng chưa duyệt hình thức thuê đất thay đổi, chưa xác...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư