Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Du khách bị hổ trắng cắn đứt tay kể lại sự việc
Hải Bình (Vnexpress) - 07/09/2015 18:01
 
Không nhìn thấy biển cấm, chị Yến đứng lên hòn gạch ngó vào phía trong chuồng xem hổ và khi quay ra thì bị hổ kéo cánh tay lôi vào trong.
TIN LIÊN QUAN

Nửa tháng trôi qua sau khi bị hổ cắn đứt tay, chị Trần Thị Yến (20 tuổi, trú huyện Tân Kỳ, Nghệ An) chưa hết bàng hoàng mỗi khi nhắc tới tai nạn. Sáng 23/8, chị cùng chồng là Hồ Đăng Khánh (30 tuổi) và nhóm 4 cặp vợ chồng đi tham quan khu du lịch sinh thái Trại Bò ở xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu.

Sau khi mua vé, đoàn đi bộ vào tham quan mà không có hướng dẫn viên đi cùng. Khoảng 20 phút sau khi thăm một số chuồng thú, đoàn của chị Yến đi tới khu chuồng sắt nhốt 4 con hổ trắng. 

benh-nhan-yen-2144-1441609358.jpg

Chị Trần Thị Yến tại bệnh viện sáng 7/9. Ảnh: Hải Bình

Theo chị Yến, khu nhốt hổ có tường rào xây bằng bê tông từ đất lên ngang đầu người lớn, tiếp theo phía trên là rào sắt to dựng đứng, không có lưới B40. Trước chị Yến, nhiều người đã tới khu vực này. Vì không thấy được hổ phía trong chuồng nên sẵn hòn gạch dưới đất được ai đó để sẵn, chị Yến đứng lên ngó vào phía trong xem cho rõ mặt hổ.

“Tôi đứng lên hòn gạch cách bờ rào khoảng 40-50 cm để ngó qua bờ rào bê tông vào phía trong xem hổ, nhưng chưa thấy hổ đâu. Vừa quay đầu trở lại chuẩn bị đi thì thấy cánh tay trái bị kéo mạnh vào trong chuồng hổ. Ngoảnh lại, tôi không thể tin vào mắt khi con hổ đang cắn ngang tay mình. Tôi cố la hét rồi bất tỉnh", chị Yến kể lại.

Đứng bế con nhỏ 18 tháng tuổi cách đó chừng vài mét, nghe tiếng kêu thất thanh của vợ, anh Hồ Đăng Khánh thấy hổ đang cấu xé cánh tay của vợ nên vội thả con xuống đất rồi lao tới hô hoán mọi người cùng cứu giúp. Nhiều khách tham quan lúc đó cũng la ó, một số lấy gậy gộc chọc vào đầu con hổ để giải cứu nạn nhân.

“Tôi và nhiều người đã cố gắng xua đuổi con hổ, một nam du khách không quen biết vớ được khúc cây, lao thẳng vào mặt con hổ, nó mới chịu buông tay vợ tôi sau vài ba phút”, chồng nạn nhân kể.

4-con-ho-7008-1441609358.jpg

Chuồng hổ trắng 4 con tại Trại Bò. Ảnh: Hải Bình.

Anh Khánh khẳng định khu vực vợ gặp nạn có biển cấm nằm cách xa chừng hơn 30 m và sát mặt đất. Đoàn của anh không hay biết đây là khu vực cấm cũng không hề có nhân viên nhắc nhở.

Được giải cứu khỏi miệng hổ, nhưng chị Yến đã mất hẳn một phần cánh tay. Nạn nhân được chồng và nhóm bạn cùng tài xế của khu du lịch chở tới Bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn gần đó để sơ cứu trước khi chuyển tới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Nghệ An.

Bác sĩ Trần Văn Thuyên, Trưởng khoa Chấn thương chi, cho biết bệnh nhân Yến được chuyển từ tuyến dưới tới trong tình trạng tỉnh táo, nhưng da niêm mạc xanh nhợt. Cánh tay trái đứt lìa qua khuỷu, dập nát đầu vết thương.

Các bác sĩ đã hồi sức, truyền dịch. Khoảng 30 phút sau ca mổ được tiến hành với ê kíp 6 người đã cắt cụt quá khuỷu tay, đóng các cơ để che xương và khâu da hở. Nạn nhân được truyền trên 1.000 ml máu.

“Ca phẫu thuật không quá phức tạp nhưng đòi hỏi phải xử lý kịp thời để tránh việc nạn nhân bị sốc hoặc nhiễm trùng”, bác sĩ Thuyên nói và cho biết đây là lần đầu tiên Bệnh viên chữa trị một bệnh nhân bị hổ cắn.

Sau mổ, bệnh nhân được hồi sức tích cực và dần ổn định. Hôm nay các bác sĩ sẽ phẫu thuật khâu kín lại những chỗ hở của vết thương và ghép da.

Được chồng ngồi bên cạnh động viên, chị Yến kể mỗi lần nhắc tới hổ hoặc nghĩ lại giây phút kinh hoàng đã qua lại rùng mình và ớn lạnh. “Nhiều lúc đang ngủ, tôi lại giật thót mình vì mơ thấy hổ. Hoặc nghe tiếng động gì mạnh là lại bị giật mình…”, thiếu phụ 20 tuổi nằm trên giường bệnh tâm sự.

chuong-ho-7337-1441609358.jpg

Một chuồng nuôi hổ tại khu du lịch Trại Bò nơi du khách gặp nạn. Ảnh: Hải Bình.

Chị Trần Thị Yến quê gốc ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế. Hơn một năm trước chị Yến lập gia đình cùng anh Hồ Đăng Khánh, trú tại xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ. Hai vợ chồng mới có con đầu lòng 18 tháng, chị Yến là công nhân may mặc, cũng là lao động chính trong gia đình.

Vợ chồng chị Yến cho biết, sau tai nạn phía khu du lịch đã thăm nom và hỗ trợ 140 triệu đồng gọi là tiền thuốc men, còn những vấn đề về sau hai bên chưa bàn tới.

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, cho rằng đó là tai nạn đáng tiếc. Khu vực chị Yến gặp nạn cấm du khách vào tham quan.

Theo quan sát của VNE, các chuồng nuôi hổ tại khu du lịch sinh thái Trại Bò được dựng bằng sắt kiên cố. Các khu mặt tiền cho khách tham quan, được rào bằng những thanh sắt to bằng ngón tay cái người lớn dựng đứng, khoảng cách giữa hai song khoảng 15 cm. Hơn 2 m sát mặt đất, ngoài các thanh sắt dựng đứng còn được bọc thêm thép B40. Cách bờ rào sắt khoảng một mét là một lan can bằng tuýp sắt cố định để khách đứng phía ngoài.

Trong khi đó, các mặt còn lại của chuồng hổ nơi cấm du khách tham quan được xây bằng tường bê tông cao ngang đầu người lớn hoặc là rào sắt gần sát mặt đất, nhưng không kèm lưới B40.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư