Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dự kiến kiểm toán tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trong năm 2022
Nguyễn Lê - 10/10/2021 12:10
 
Dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2022 vừa được Tổng kiểm toán Nhà nước gửi đến Quốc hội.
.
Theo Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm.

Việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 được ban hành theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ là một trong nhiều nội dung nằm trong kế hoạch kiểm toán năm 2022.

Dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2022 vừa được Tổng kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh gửi đến Quốc hội.

Một trong  những nguyên tắc xây dựng kế hoạch này được nêu tại báo cáo là không gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị và địa phương; đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Kiểm toán nhà nước cũng xác định, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động xấu đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội, Kiểm toán Nhà nước định hướng tổng số cuộc kiểm toán năm 2022 không tăng so với năm 2021 (181 cuộc theo kế hoạch đầu năm), giảm tối đa ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến hoạt động phòng chống dịch, đặc biệt là các cơ quan Y tế, Quốc phòng và An ninh.

Cụ thể là năm 2022, toàn ngành tập trung kiểm toán 168 cuộc.

Theo đó, dự kiến kiểm toán hoạt động sẽ tập trung kiểm toán các chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chống biến đổi khí hậu, phát triển đô thị, nhà ở xã hội, ổn định dân cư phát triển kinh tế-xã hội và việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu...

Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng thực hiện đánh giá hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng nhằm đánh giá Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tính dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 được ban hành theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm là cải thiện và nâng cao năng lực tài chính, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14; việc thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí; vay không có tài sản bảo đảm để trả lương cho người lao động... Tổng kiểm toán cho biết.

Đây cũng là những vấn đề được cơ quan thẩm tra của Quốc hội rất quan tâm trong quá trình chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ hai của Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 20/10 tới.

Trong báo cáo gửi đến cơ quan thẩm tra của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết do tác động của dịch bệnh Covid-19, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm. Tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông đang phải đối mặt với khả năng nợ xấu tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Một số chương trình tín dụng đặc thù trong nông nghiệp hiện đang phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao.

Vẫn theo Ngân hàng Nhà nước, việc triển khai các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng còn gặp một số khó khăn, trong đó, việc triển khai cơ cấu lại 3 ngân hàng mua bắt buộc là một quá trình phức tạp, chưa có tiền lệ, phải phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến của nhiều Bộ, ngành và các cơ quan liên quan và phụ thuộc vào kết quả đàm phán với các nhà đầu tư. Cơ chế, chính sách, sự phối hợp của các Bộ, ngành trong quá trình xử lý các tổ chức  tín dụng yếu kém còn bất cập. Với thực trạng tài chính hiện nay của các ngân hàng mua bắt buộc, việc tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực tài chính và năng lực quản trị tham gia xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng này gặp nhiều khó khăn.

Trở lại kế hoạch kiểm toán năm 2022, về lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, Tổng kiểm toán cho biết dự kiến thực hiện 28 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; các dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; các dự án đường ven biển Việt Nam; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu ; các dự án thủy lợi  và các dự án trọng điểm ngành điện …

Còn trong lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước dự kiến thực hiện 17 cuộc kiểm toán, gồm: Ngân hàng Nhà nước; 9 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 7 ngân hàng, các tổ chức tài chính, tín dụng và tổ chức khác.

Kiểm toán cần chú ý ba trụ cột của chính sách vĩ mô
Theo Chủ tịch Quốc hội, ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng nhất, do đó trong định hướng công tác kiểm toán phải phục vụ cho nhiệm vụ này
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư