Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Du lịch Athens vẫn hút khách
Với kế hoạch du lịch được định trước, tôi đã đến Athens trên chuyến bay của hãng hàng không Aegean Airlines (Hy Lạp) lúc đồng hồ chỉ còn hơn 1 tiếng nữa là sang ngày 15/7.

Rầm rập du khách

Mặc dù trễ 30 phút nhưng chuyến bay xuất phát từ Budapet (Hungari) bằng máy bay Airbus cũng chỉ còn chưa đến 10 chỗ trống.

Điều này thật là trái với hình dung của tôi (và cả nhiều người) về chuyện du khách sẽ không chọn nơi đây để du lịch khi bóng ma của khủng hoảng tài chính, vỡ nợ và rời khỏi Khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu vẫn đang đè nặng lên Hy Lạp.

Box kiểm tra vé tàu đã được lắp mới ngày 16/7 sau khi bị dỡ vào chiều ngày 15/7.
Bốt kiểm tra vé tàu đã được lắp mới ngày 16/7 sau khi bị dỡ vào chiều ngày 15/7

 

Sân bay quốc tế Elefthérios Venizélos nằm cách trung tâm Athens gần 30 km. Nếu phải đi taxi về mất khoảng 50 euro, theo thông tin cụ thể được đưa ra trong bản đồ hướng dẫn du lịch dành cho du khách của Athens. Ban ngày số tiền phải trả là khoảng 30 euro, tuỳ điểm đến. Ấy vậy nhưng đông đảo du khách rất hứng thú khi ra đến bến tàu điện ngầm về trung tâm lại thấy có bảng “miễn phí cho đến khi có thông báo tiếp theo”.

Chỉ tính giá vé tàu điện từ sân bay về trung tâm Athens là 8 euro/người, có thể thấy một con số không nhỏ mà Athens đã chấp nhận mất đi để chào đón du khách ngay từ cổng nhà.

Sân ga tàu điện gần nửa đêm vẫn sạch bong. Một người lao động vẫn chăm chú hốt đi những rác vương lại trên sàn. Trong phòng bán vé ở ga gần trung tâm Athens, nhân viên vẫn ngồi chờ khách để hướng dẫn đường đi và trả lời nhiệt tình, dù không bán được chiếc vé nào. Thang máy và những hộp kiểm soát bấm giờ vé bắt đầu dùng vẫn hoạt động miệt mài cùng với đèn sáng trưng.

.
Các sạp hàng xuất hiện trên đường phố Athens từ sớm tinh mơ

 

Khách sạn tôi chọn rất tình cờ chỉ cách một khu chợ trời bán đồ thực phẩm, hoa quả họp tuần 1 lần vài bước chân.

Từ hơn 6 giờ sang ngày thứ Tư, các sạp hàng đã lục tục bày rau, hoa quả và cá ra bán. Rất đông những phụ nữ tranh thủ trước giờ đi làm để lượn chợ, mua thực phẩm tươi cho gia đình.

Giá cả nhiều loại hoa quả như anh đào, mơ, đào, dưa lưới hấp dẫn hơn hẳn so với một số siêu thị lớn tại các nước Pháp, Ba Lan, Hungari mà tôi vừa có dịp đi qua.

.
Những món 'quà vặt' cũng được người dân Athens yêu thích

 

Chợ nhộn nhịp bán mua, chả có không khí gì buồn tẻ của khủng hoảng, vỡ nợ cận kề.

Nhưng bất ngờ hơn cả là khi tới thăm ngọn đồi Acropolis, nơi có Ngôi đền Parthenon thờ nữ thần Athena, Đền Erechtheum, Agora cổ đại hay Đền thờ Thần Zeus. Giá vé để ngắm các di tích và đâu đó có thể chạm tay vào vài cột đá cẩm thạch không nguyên vẹn trên ngọn đồi Acropolis là 12 euro/người, miễn cho trẻ con từ 12 tuổi trở xuống.

Vé vào cửa đắt thế nhưng đông nghẹt du khách ngoại quốc không kể già trẻ, gái trai vẫn rồng rắn xếp hàng ba, hàng tư giữa cái nắng rát của trưa hè để tận tay chạm vào kí ức lịch sử hàng nghìn năm trước.

.
Cảnh mua bán diễn ra nhộn nhịp ngay trên đường phố Athens

 

Trên đồi Acropolis đã đông, dưới chân đồi du khách dập dìu ngược xuôi. Dọc ngôi làng Plaka nằm dưới ngọn đồi Acropolis hay con đường nối từ Quảng trường Syntagma tới đồi Acropilis với các quán ăn, cửa hàng lưu niệm, các shop bán đồ quần áo, giày dép có thương hiệu quốc tế tới thương hiệu làng với công nghệ “hand made” đều tấp nập du khách.

Tại một cửa hàng bán bánh, rượu truyền thống của người Hy lạp và đặc sản các loại liên quan đến oliu, từ quả ướp sẵn, đến dầu oliu hay kem dưỡng chế xuất từ oliu, cô bán hàng sau khi hỏi “where are you from?” và nhận được câu trả lời “Vietnam” đã thốt ngay lên “ô chị từ Việt Nam đến à!” đầy vui vẻ và giới thiệu quê mình ở Quảng Ninh.

.

 

Hằng, 42 tuổi, đã sang Athens được 20 năm. Anh chị em của Hằng cũng sang cả đây theo dạng bảo lãnh của người thân.  

“Trước em mở quán, bán đồ ăn Á, nhưng khi kinh tế khó khăn, khách không nhiều nên phải đóng cửa đi bán hàng thuê”, Hằng nói và cho hay, hàng tháng chủ cửa hàng trả lương 1.000 euro.

Cô cho biết, nếu 2 vợ chồng cùng đi làm, cùng có lương này thì sống cũng ổn. con cái đi học trường công cũng không tốn nhiều.

.

 

Không có chuyện miễn phí

Nghe tôi thắc mắc truyền thông quốc tế đưa tin người dân Hy Lạp rút tiền khó khăn, cửa hàng không nhận thanh toán thẻ tín dụng mà chỉ nhận tiền mặt, Hằng cho biết, tuần trước thì đúng là khó khăn thật. Mỗi người mỗi ngày chỉ có thể rút 60 euro và chỉ được 1 lần. Muốn tiêu hơn thì mai lại rút tiếp.

“Nhưng từ tuần này, khi Hy Lạp biết rằng không rời khỏi khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu thì lại thoải mái hơn rồi. Cửa hàng đã chấp nhận quẹt thẻ tín dụng”, Hằng nói và cho hay, như thế hàng hoá lại đắt lên vì phải đóng thuế cao để trả món nợ.

.

 

Quả thật, khi tôi chìa thẻ tín dụng để thanh toán, không có bất cứ cửa hàng nào lắc đầu từ chối dù giá trị ít hay nhiều.

Thuế giá trị gia tăng mà du khách sẽ được miễn ở Hy Lạp là 12% với những hoá đơn có giá trị từ 120 euro trở lên.

Vào ngày 13/7 trước đó, sau 17 giờ đàm phán căng thẳng ở Brussels, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã nhún nhường, chấp nhận một loạt những cải cách khó khăn để nhận được khoản vay đề xuất gần 100 tỉ USD mà đất nước  đang hết sức cần.

Tin tức trước đó cho biết trước khi chính thức đạt được mộnàyt thỏa thuận phải có sự nhất trí về việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong tương lai sẽ tham gia vào chương trình cứu nguy tài chính của Hy Lạp, và một đề nghị rằng Hy Lạp phải dành riêng những tài sản trị giá 56 tỷ USD để tư nhân hóa dần dần.

Theo thỏa thuận, Hy Lạp đã ngưng chống lại một vai trò đầy đủ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong đề xuất cứu nguy tài chính trị giá nhiều tỉ đô la này.

Hy Lạp nợ IMF chừng 10% tổng số nợ của mình, tương đương 1,6 tỷ euro. Athens đã trễ hạn trả nợ hai lần, và là quốc gia châu Âu duy nhất bị tình trạng này.

Thủ tướng Tsipras bây giờ phải thuyết phục quốc hội Hy Lạp phê chuẩn thỏa thuận trước ngày 18/7, bao gồm những cải cách về thuế và hưu bổng mà sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới xã hội Hy Lạp.

Sau khi Quốc hội phê chuẩn thỏa thuận, ông Tsipras phải thuyết phục 18 nước đối tác châu Âu giải ngân quỹ bắc cầu tạm thời để ngăn đất nước khỏi bị phá sản.

Thắt lưng, buộc bụng không phải là điều người dân Hy Lạp trông chờ.

Khi tôi có mặt tại Quảng trường Syntagma, trước toà nhà Quốc hội lúc 19g (giờ địa phương) ngày 15/7, rất đông người dân Hy Lạp đã tụ tập nơi đây, đánh trống và tuần hành xung quanh bùng binh trước quảng trường. Khách du lịch nước ngoài cũng có mặt quanh đây với vẻ hiếu kỳ và tò mò. Nhiều áp phích, khẩu hiệu và tờ rơi đã được tung ra để chống thắt lưng, buộc bụng.

Ấn tượng nhất là ai biểu tình cứ biểu tình, ai bán hàng cứ bán. Không có chuyện lộn xộn, tranh thủ cướp bóp tại đây.

Theo báo chí quốc tế, có khoảng 12.000 đã có mặt trong cuộc biểu tình chiều tối ngày 15/7. Tin tức sau đó cũng cho hay, hồi 21g15 ngày 15/7, cảnh sát Hy Lạp đã đụng độ với người biểu tình ở trung tâm Athens và bắn hơi cay để giải tán đám đông tụ tập tại Quảng trường Syntagma, vào lúc các nhà lập pháp bắt đầu thảo luận các điều kiện liên quan để nhận một gói cứu trợ mới lên đến 86 tỷ euro đi kèm với việc tăng thuế, cắt giảm chi tiêu.

Thậm chí những người biểu tình đã ném bom xăng vào cảnh sát trước tòa nhà Quốc hội Hy Lạp.

Các cuộc biểu tình liên tiếp tại Hy Lạp cũng cho thấy những thách thức của Thủ tướng Alexis Tsipras khi đối mặt với những khó khăn của đất nước khi kinh tế suy giảm và phải tiếp tục cắt giảm chi tiêu.

Trước đó, ngày 5/7, hơn 61% người dân Hy Lạp đã bỏ phiếu "không" với một gói cắt giảm ít nặng nề hơn so với mức được chấp nhận vào ngày 13/7 vừa qua khi được trưng cầu dân ý. Tiếp đó, ngày 14/7, một Thứ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp và một quan chức cấp cao khác thuộc Bộ Kinh tế của nước này đã từ chức để phản đối các thoả thuận mà chủ nợ đưa ra.

Chưa biết tương lai sẽ tới đâu, nhưng tại các bên tàu điện ngầm chiều tối ngày 15/7, một số tuyến ra sân bay không hoạt động nữa. Dẫu vậy thì thông báo được dán rất rõ ràng khắp các điểm bán vé và trong ga, đồng thời hướng dẫn chi tiết cách đi lại để du khách không gặp khó khăn khi rời đi.

Sáng sớm ngày 16/7, khi phải đi qua Quảng trường Syntagma, không còn chút ấn tượng nào về một đám đông hỗn độn đã đụng độ với cảnh sát đêm qua. Quảng trường sạch sẽ, vắng vẻ, bồ câu thong thả bên vài du khách và người dân đang có mặt ở nơi đây.

Những chiếc hộp kiểm soát vé ở ga tàu điện ngầm bị gỡ nắp chiều ngày 15/7 đã nhanh chóng được lắp bổ sung lại ngay ngày 16/7 để thuận tiện cho người dân và du khách. Những tờ thông báo miễn phí vé tàu đi ra sân bay và ngược lại dán đầy hôm trước cũng đã được gỡ bỏ.

Những tour du lịch vẫn tấp nập đón khách theo đúng lịch hẹn mà không có bất cứ cản trở nào từ việc người dân biểu tình hay chặn đường để gây khó khăn.

Có lẽ cách đón khách chu đáo ngay cả khi “nhà có việc” này đã khiến cho lượng du khách đến Hy Lạp trong mùa hè nóng bỏng 2015 vẫn rất nhộn nhịp.

 

Hy Lạp là một quốc gia Nam Âu, có gần 11 triệu dân và hàng năm đón trên 25 triệu khách du lịch.

Đây là quê hương của nhiều nhà sử học, triết học, kiến trúc, thiên văn, nhà thơ, là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại và có nhiều khu nghỉ mát biển sang trọng như Santorini, Mykonos, Crete, Rhodes, Skiathos…

Thu nhập bình quân đầu người trước khủng hoảng tài chính, năm 2008 khoảng 30.000 USD/năm.

Số nợ nước ngoài của Hy Lạp hiện là trên 243 tỷ euro (271 tỷ USD), trong đó Đức là chủ nợ lớn nhất.
EU và Hy Lạp đạt thỏa hiệp về một thỏa thuận cứu trợ tài chính
Hãng tin Pháp AFP dẫn một nguồn tin châu Âu cho biết, lãnh đạo các nước Hy Lạp, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt “thỏa hiệp” về...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư