Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Du lịch còn nhiều việc phải làm để tạo sức hấp dẫn
Hạnh Phúc - 08/09/2023 08:09
 
Đón hơn 7,8 triệu lượt du khách quốc tế trong 8 tháng đầu năm, ngành kinh tế xanh cơ bản đã đạt mục tiêu của năm 2023. Tuy nhiên, mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế là thấp so với các nước trong khu vực.
Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến tuyệt vời nhất châu Á. Trong ảnh: Phố cổ Hội An
Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến tuyệt vời nhất châu Á. Trong ảnh: Phố cổ Hội An

Tín hiệu khả quan

Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đạt hơn 7,8 triệu lượt, gấp 5,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 69% trước dịch, đạt 98% kế hoạch cả năm 2023.

Hàn Quốc vẫn là thị trường gửi khách lớn nhất trong 8 tháng đầu năm với 2,2 triệu lượt, chiếm gần 30% tổng lượng khách. Trung Quốc xếp thứ hai với 950.000 lượt và Mỹ xếp thứ ba với 503.000 lượt.

Trong 10 thị trường gửi khách hàng đầu đến Việt Nam, Đông Bắc Á có 4 thị trường là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (498.000 lượt), Nhật Bản (349.000 lượt). Đông Nam Á có 3 thị trường là Thái Lan (321.000 lượt), Malaysia (293.000 lượt), Campuchia (256.000 lượt). Australia đứng thứ 9 (252.000 lượt) và Ấn Độ thứ 10 (247.000 lượt). Tại châu Âu, Anh (170.500 lượt), Pháp (142.000 lượt), Đức (128.000 lượt) là các nước có nhiều khách ghé thăm Việt Nam nhất. Thị trường Nga cũng đạt gần 80.000 lượt trong 8 tháng đầu năm.

Muốn tăng sức hút với khách quốc tế, cần có giải pháp đồng bộ ở nhiều khía cạnh. Các doanh nghiệp du lịch phải tạo được những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn, có tính cạnh tranh về giá. 

Tính riêng tháng 8, Việt Nam đón hơn 1,2 triệu lượt khách, tăng 17,2% so với tháng trước, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái và bằng 80% so với năm 2019. Tháng 8 năm nay cũng ghi nhận kỷ lục đón khách quốc tế nhiều nhất của Việt Nam kể từ khi mở cửa sau Covid-19. Theo Cục Du lịch quốc gia, động lực tăng trưởng chính trong tháng 8 đến từ những thị trường lớn gồm Hàn Quốc (tăng gần 35% so với tháng 7), Trung Quốc (tăng gần 18%), Nhật Bản (tăng 53%). Các thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Philippines tăng trưởng tích cực.

Ba thị trường châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức tăng trưởng từ 27% đến 46% so với tháng trước. Một số thị trường nhỏ hơn nhưng có mức tăng đột phá là Tây Ban Nha (tăng 156%), Italia (tăng 155,8%) và Nga (13%). Đây đều là những nước trong danh sách được hưởng chính sách đơn phương miễn thị thực với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 15/8/2023.

Visa thông thoáng mới chỉ là “điều kiện cần”

Theo nhận xét từ Outbox - công ty nghiên cứu thị trường du lịch, Việt Nam đang có phong độ tốt trong việc hoàn thành mục tiêu năm 2023 với tỷ lệ hoàn thành cao nhất khu vực. Tuy nhiên, mục tiêu đón khách quốc tế của ngành du lịch là 8 triệu lượt, thấp nhất trong top các điểm đến phổ biến ở Đông Nam Á như Thái Lan (30 triệu lượt), Malaysia (16 triệu lượt), Singapore (12-14 triệu lượt), Indonesia (8,5 triệu lượt).

"Nỗ lực phục hồi du lịch quốc tế của Việt Nam hướng đến mục tiêu phục hồi hoàn toàn vào năm 2024 cần nhiều hành động có tính chiến lược hơn trên phương diện thị trường và thương hiệu điểm đến để có thể củng cố lại cấu trúc thị trường khách quốc tế và cạnh tranh tốt hơn", Outbox nhận xét.

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chính sách visa thông thoáng mới chỉ là "điều kiện cần”. Muốn ngành kinh tế xanh tăng sức hấp dẫn với khách quốc tế, cần có giải pháp đồng bộ ở nhiều khía cạnh. Các doanh nghiệp phải tạo được những sản phẩm du lịch độc đáo, có tính cạnh tranh về giá, tạo sức hấp dẫn. Phương cách xúc tiến, quảng bá cần bài bản, chuyên nghiệp hơn.

Việc quản lý điểm đến, nhất là an ninh an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi đi du lịch tại Việt Nam cần được chú trọng. Đặc biệt, cần tập trung đào tạo nhân lực du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch cũng cần được thực hiện một cách đồng bộ, bắt kịp xu hướng thế giới.

Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, ông Nguyễn Công Hoan, CEO Công ty du lịch Flamingo Redtours cho rằng, một trong những "nút thắt" đòi hỏi cần được tháo gỡ ngay là giá vé máy bay, giá dịch vụ lưu trú cao, khiến du lịch Việt Nam thua ngay trên sân nhà, chưa nói đến cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực để hút khách quốc tế.

“Tính kết nối giữa các nhà cung cấp còn yếu nên ngành du lịch chưa tạo ra hệ sinh thái khép kín và các sản phẩm đa dạng. Nếu hàng không, dịch vụ lưu trú ‘đứng một mình’, giá cả đắt đỏ sẽ gây sức ì cho ngành kinh tế xanh”, ông Hoan nói và cho rằng, đây cũng là điểm yếu chí mạng cần sớm được cải thiện.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các chuyên gia nhận định, với tốc độ tăng trưởng tốt, cũng như lợi thế từ những đánh giá tích cực của thế giới, 4 tháng cuối năm 2023, ngành du lịch Việt Nam bước vào mùa cao điểm đón khách quốc tế nên sẽ có nhiều dư địa để vượt xa mục tiêu tăng trưởng đặt ra.

Muốn bắt kịp Thái Lan, du lịch Việt Nam học hỏi điều gì?
Cùng với chính sách visa thông thoáng, giá tour cạnh tranh, việc quảng bá, xúc tiến du lịch đổi mới, sáng tạo đã mang lại hiệu quả vượt trội cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư