Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Du lịch Thái Bình cần mang bản sắc mảnh đất con người quê hương
Phương Liên - 31/08/2019 11:28
 
Nằm trong chiến lược phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển sản phẩm du lịch Thái Bình”.
Sở Văn hóa,  Thể thao và Du lịch Thái Bình tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển sản phẩm du lịch Thái Bình”.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển sản phẩm du lịch Thái Bình”

Với lợi thế là tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch với nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân văn đa dạng, phong phú, đặc biệt là tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, sinh thái, làng nghề, trong những năm qua, công tác quy hoạch du lịch Thái Bình được chú trọng.

Năm 2010, tỉnh Thái Bình đã phê duyệt quy hoạch khu du lịch sinh thái Cồn Vành (huyện Tiền Hải), năm 2011, quy hoạch khu du lịch sinh thái Cồn Đen (huyện Thái Thụy), năm 2017 phê duyệt quy hoạch Phát triển du lịch tỉnh Thái Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong giai đoạn 2002 – 2010, Thái Bình tập trung đầu tư và cấp phép đầu tư các dự án tu bổ, tôn tạo di tích, nâng cấp cơ sở hạ tầng gắn với phát triển du lịch tại các huyện Vũ Thư, Hưng Hà, Tiền Hải,… với tổng số vốn hơn 108 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kết quả phát triển du lịch của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch cho nền kinh tế còn thấp, cơ sở hạ tầng tại những nơi có điều kiện phát triển du lịch còn khó khăn, chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng, nguồn nhân lực thiếu, công tác quảng bá xúc tiến chưa được đầu tư nhiều,…

Vì vậy, Hội thảo là cơ hội để Thái Bình tiếp nhận các ý kiến đóng góp quý giá của các nhà quản lý, nhà khoa học, các công ty du lịch có nhiều kinh nghiệm, giúp Thái Bình phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, từng bước đưa du lịch phát triển. 

Các bản tham luận trong hội thảo cũng như trong cuốn Kỷ yếu “Du lịch Thái Bình” của các nhà quản lý du lịch, nhà khoa học, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành,… tập trung xoay quanh các nội dung sản phẩm du lịch đặc trưng của Thái Bình, giải pháp khai thác sản phẩm chủ lực, chiến lược xây dựng, phát triển sản phẩm, quảng bá thương hiệu đạt hiệu quả cao,… của du lịch Thái Bình. 

Nhiều ý tưởng độc đáo, mang tính thực tiễn cao đã được các đại biểu thảo luận như, gợi ý về việc nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát triển các giá trị của di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch của PGS.TS Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Văn hóa Du lịch Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; Xây dựng và phát triển du lịch nông thôn Thái Bình theo hướng bền vững của TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội; Kinh nghiệm tăng cường kết nối tour du lịch giữa Ninh Bình với các tỉnh thành phố của ThS. Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình;… 

Đại diện các Công ty du lịch lữ hành đã chia sẻ các dịch vụ homestay, du lịch xe đạp tại làng vườn Bách Thuận, cải thiện chất lượng dịch vụ khu du lịch sinh thái Cồn Đen, đào tạo tập huấn đội ngũ phục vụ du lịch,…

Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch (Tổng Cục Du lịch Việt Nam) các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch Thái Bình là nâng cao nhận thức về du lịch cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương, ban hành cơ chế, chính sách phát triển sản phẩm du lịch, tăng cường đào tạo, đãi ngộ nhân lực du lịch, tăng cường đầu tư chất lượng dịch vụ, liên kết xây dựng tour tuyến du lịch liên tỉnh, xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu,… 

Phát biểu kết luận, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình Trương Thị Hồng Hạnh khẳng định, hội thảo đã đón nhận nhiều ý kiến đóng góp quý giá cho Thái Bình về những nội dung, giải pháp hiệu quả phát triển du lịch và lựa chọn được những sản phẩm du lịch quan trọng.

Từ đó bước đầu rút ra 5 định hướng trọng tâm phát triển sản phẩm du lịch Thái Bình: Sản phẩm du lịch Thái Bình cần phản ánh được bản sắc riêng của mảnh đất và con người Thái Bình để tạo nên sự khác biệt, cạnh tranh. Chú trọng ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có như du lịch sinh thái, tâm linh, làng nghề, du lịch biển, nông nghiệp nông thôn kết hợp văn hóa truyền thống,… Phát triển đột phá nhưng vẫn đảm bảo sự nguyên vẹn của cảnh quan, môi trường sinh thái đảm bảo sự phát triển bền vững. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho xây dựng hạ tầng kinh tế, giao thông, du lịch kết nối với các địa phương trong khu vực. Sớm có các cơ chế, chính sách ưu tiên nhằm thu hút đầu tư du lịch tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. 

Trước đó, ngày 29/8 và sáng ngày 30/8, các đại biểu đã đi tham quan làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (huyện Kiến Xương), rừng ngập mặn Thụy Trường, khu du lịch sinh thái Cồn Đen (huyện Thái Thụy), làng vườn Bách Thuận (huyện Vũ Thư).

Thái Bình: Kết thúc kỳ họp HĐND "không giấy" đầu tiên
Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần làm việc trách nhiệm, dân chủ, khách quan, kỳ họp thứ tám, HĐND tỉnh Thái Bình khóa XVI,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư