Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Du lịch Việt Nam tự hào đứng trước Lào, Campuchia?
- 30/03/2016 20:30
 
Theo số liệu được công bố bởi Tổng cục Du lịch tại Hội nghị phổ biến chiến lược du lịch Việt Nam giai đoạn 2016-2020, do Tổng cục Du lịch tổ chức ngày 30/3, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, hiện du lịch Việt Nam xếp vị trí thứ 75/141 quốc gia và vùng lãnh thổ.
 Mặc dù Việt Nam sở hữu nhiều cảnh đẹp tự nhiên song Việt Nam vẫn đang loay hoay trong việc thu hút lượng khách quốc tế. Ảnh internet
Mặc dù Việt Nam sở hữu nhiều cảnh đẹp tự nhiên song Việt Nam vẫn đang loay hoay trong việc thu hút lượng khách quốc tế. Ảnh internet

Trong khu vực, Việt Nam được xếp thứ 5/11 quốc gia, chỉ trên được một số quốc gia như Lào, Campuchia…

Về điểm mạnh của du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực, ông Hà Văn Siêu cho rằng: Việt Nam có nhiều điểm du lịch được thế giới công nhận, giá du lịch rẻ… song lại còn quá nhiều điểm yếu như cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, kém phát triển.

Việc đầu tư xây dựng quảng bá thương hiệu du lịch còn hạn chế; chưa bài bản, mới dừng lại ở quảng bá hình ảnh, chưa tạo dựng được những sản phẩm đặc thù và thương hiệu du lịch.

Sản phẩm du lịch chưa đặc sắc, nhìn chung còn nghèo nàn, đơn điệu, trùng lắp, ít sáng tạo, thiếu tính độc đáo, đặc sắc, đồng bộ và liên kết.

Ngoài ra, ông Siêu cũng thừa nhận hiện nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho du lịch còn thiếu, hoạt động khai thác du lịch còn mang tính mùa vụ, chất lượng dịch vụ trong mùa du lịch cao điểm chưa được đảm bảo.

Xuất phát từ nguyên nhân nêu trên mà mặc dù đạt được nhiều danh hiệu, cũng như di sản thiên nhiên văn hóa phong phú song vẫn không đủ để Việt Nam thu hút khách quốc tế đến và trở lại; đưa du lịch Việt Nam đuổi kịp các nước trong khu vực.

Nói về chiến lược du lịch du lịch Việt Nam thời gian tới, ông Siêu cho biết: Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ đón 10- 10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 47- 48 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 18- 19 tỷ USD, đóng góp 6,5- 7% GDP cả nước.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Văn Siêu cũng khẳng định: Trong năm 2016, ngành Du lịch tập trung hoàn thiện dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), trình thẩm định và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội.

Đồng thời triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch và hoàn thành đề án “Hội nhập cộng đồng kinh tế Asean trong lĩnh vực du lịch”, hoàn thành thủ tục công nhận bộ tiêu chuẩn 6 nghề gồm lễ tân, buồng, phục vụ nhà hàng, chế biến món ăn, điều hành du lịch, đại lý lữ hành là tiêu chuẩn nghề quốc gia.

Còn các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch kiến nghị ngành Du lịch phải có những giải pháp kịp thời như: Phát triển sản phẩm du lịch; đầu tư hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đi đôi với đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Trong đó cần tập trung vào các hoạt động E- marketing, E- visa; tăng cường liên kết quảng bá xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, liên kết trong việc xây dựng sản phẩm du lịch. Đặc biệt cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ giảm giá tour trọn gói để tạo sức hút trong cạnh tranh.

Ngành du lịch Việt Nam cần làm gì để phát triển bền vững?
“Phát triển sản phẩm đa dạng tại nhiều điểm đến và phân bổ khách du lịch đồng đều ở các thị trường khác nhau sẽ là nền tảng căn bản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư