Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 07 năm 2024,
Du lịch y tế - mỏ vàng chưa khai thác
Dương Ngân - 15/07/2024 09:10
 
Xu hướng du lịch y tế đã xuất hiện trong 5 năm trở lại đây, cho thấy tiềm năng của lĩnh vực này rất lớn, song chưa được khai thác đúng mức.
Phối cảnh Trung tâm AAA Intelligent Health, một Dự án bất động sản kết hợp du lịch y tế tại Đà Nẵng
Phối cảnh Trung tâm AAA Intelligent Health, một dự án bất động sản kết hợp du lịch y tế tại Đà Nẵng

Tiềm năng lớn

Theo thống kê, du lịch y tế đang phát triển nhanh chóng. Một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia… là điểm đến du lịch y tế, thu hút lượng lớn du khách Mỹ và các nước châu Âu. Năm 2019 (thời điểm trước Covid-19), Thái Lan đón hơn 3 triệu lượt khách chữa bệnh, tạo doanh thu hơn 700 triệu USD. Cùng năm, Ấn Độ cán mốc 3 tỷ USD, Malaysia đạt 1,7 tỷ USD doanh thu. Khách hàng du lịch y tế tại các quốc gia châu Á có nhu cầu chủ yếu gồm thẩm mỹ, chăm sóc nha khoa, chỉnh hình…

Tại Việt Nam, dịch vụ y tế có giá cả phải chăng, đang là điểm đến thu hút nhiều khách nước ngoài và Việt kiều. Chẳng hạn, chi phí phẫu thuật bắc cầu tim ở Việt Nam là 10.000 - 15.000 USD, trong khi ở Thái Lan 25.000 - 30.000 USD. Hay chi phí làm răng cũng thấp hơn nhiều nước trên thế giới từ 6 đến 10 lần. Năm 2018, International Living đã bình chọn Việt Nam là một trong 3 quốc gia hàng đầu Đông Nam Á được du khách Australia ưa chuộng vì có dịch vụ nha khoa chất lượng cao và chi phí thấp.

Ngành du lịch cần chủ động xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường kết nối với khách du lịch, khách sạn, các cơ sở nghỉ dưỡng với cơ sở có triển khai dịch vụ du lịch y tế, đảm bảo cung ứng dịch vụ kết hợp chăm sóc sức khỏe và du lịch. Hình thành tổng đài du lịch y tế để tiếp nhận cuộc gọi, điều phối, đáp ứng nhu cầu khách du lịch về khám sức khỏe, khám chữa bệnh.

Thông tin từ nhiều cơ sở y tế trên cả nước cho thấy, hiện tỷ lệ người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, thăm thân, kết hợp khám chữa bệnh tăng cao. PGS-TS. Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Trung tâm Mắt công nghệ cao Tâm Anh cho biết, Trung tâm đón tiếp số lượng Việt kiều về quê hương phẫu thuật cận thị trong tháng 5 và tháng 6/2024 tăng 30% so với tháng 4, 5. Họ thường tranh thủ thời gian về thăm người thân, kỳ nghỉ hè, nghỉ lễ để khám và sắp xếp mổ cận. Nhiều người có thời gian nghỉ dài, nên chọn được thời gian phẫu thuật, nghỉ ngơi hợp lý, từ đó bình phục hoàn toàn trước khi trở lại công việc.

“Xu hướng Việt kiều và người nước ngoài về Việt Nam chữa bệnh ngày càng tăng. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy chất lượng khám chữa bệnh của Việt Nam đang được nâng cao. Xu hướng này hoàn toàn phù hợp với kỳ vọng của Bộ Y tế là xây dựng những dịch vụ y tế chất lượng, phục vụ tốt để người có tiền không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh”, ông Hiệp nói.

Đại diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông tin, trong 1 năm trở lại đây, Trung tâm Phẫu thuật đại trực tràng - tầng sinh môn của Bệnh viện đón nhận nhiều trường hợp người bệnh tại các nước Ba Lan, Hungary, Nhật Bản, Anh, New Zealand… đến điều trị. Họ cho biết, đã mổ trong nước nhiều lần không khỏi, nên tìm đến Việt Nam để chữa.

Trong lĩnh vực sản khoa, thụ tinh trong ống nghiệm, sàng lọc chẩn đoán trước sinh, nuôi dưỡng và cứu sống trẻ sinh non của Việt Nam cũng đạt những bước tiến lớn. Mỗi năm có hàng trăm cặp vợ chồng nước ngoài đến Việt Nam chữa vô sinh. Nhiều Việt kiều cũng tìm về quê nhà để điều trị vô sinh, hiếm muộn, bởi kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam có chi phí thấp hơn các nước, cơ hội thành công của một chu kỳ điều trị khá cao.

Được biết, Công ty Vietravel đang chuẩn bị các sản phẩm du lịch y tế để chào mời khách hàng đến Việt Nam vừa du lịch, vừa thăm khám sức khỏe định kỳ. Đặc biệt, ngành răng hàm mặt của TP.HCM đang phát triển rất tốt, đây cũng là sản phẩm mà doanh nghiệp chú trọng.

Nâng chất lượng để tạo niềm tin

Hiện khách nước ngoài khi tới Việt Nam sử dụng sản phẩm du lịch y tế chủ yếu tập trung vào mảng nha khoa, điều trị hiếm muộn, tầm soát bệnh bằng công nghệ cao, khám tổng quát, y học cổ truyền, phục hồi chức năng, thẩm mỹ, nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và y tế chuyên sâu...

Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch y tế, song một trong những điểm yếu của du lịch y tế ở Việt Nam hiện nay là còn quá ít thông tin về các dịch vụ du lịch kết hợp chữa bệnh, còn ít hãng du lịch lữ hành tổ chức các tour kết hợp chăm sóc sức khỏe. Không ít bệnh viện chưa đạt các tiêu chuẩn quốc tế như JCI hay ISO, nên du khách nước ngoài còn ngần ngại đăng ký dịch vụ khám, chữa bệnh.

Trên website các bệnh viện chưa có nhiều thông tin, thậm chí không có tiếng Anh để tra cứu, cũng như chưa có các dịch vụ hỗ trợ kèm theo, nên người nước ngoài khó tìm kiếm một dịch vụ du lịch y tế trọn gói để sử dụng. Ngoài ra, ngoại ngữ của y tá, điều dưỡng còn hạn chế. Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa các địa phương, cơ quan y tế, các cơ sở có điều kiện phát triển du lịch y tế với các hãng du lịch lữ hành còn thiếu đồng bộ.

Để du lịch y tế phát triển, đại diện một số doanh nghiệp du lịch nêu ý kiến, ngành y tế cần xác định và phát huy thế mạnh của mình để đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của du lịch y tế; tăng cường phát triển thêm các loại hình tầm soát bệnh bằng công nghệ cao, xây dựng và cung cấp dịch vụ có chất lượng; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo ngành y tế; thành lập các trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao; phát triển hạ tầng hiện đại, triển khai khu y tế kỹ thuật cao. Ðồng thời, tiếp tục phát triển du lịch y tế kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền nhằm cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng, xây dựng mạng lưới chăm sóc chuyên khoa, từ đó nâng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

TP.HCM khai thác tiềm năng du lịch y tế
Với hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế hiện đại ở tầm khu vực và quốc tế, TP.HCM có khả năng tiếp nhận bệnh nhân là khách du lịch cả trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư