Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dự phòng cao, nhiều ngân hàng vẫn lãi nghìn tỷ
Thùy Vinh - 26/10/2015 13:41
 
Dù dự phòng rủi ro tăng cao do các ngân hàng phải đẩy mạnh bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), song tín dụng tăng trưởng và việc xử lý, thu hồi nợ dần cải thiện đã đóng góp phần nào vào lợi nhuận của các ngân hàng.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Sau 9 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt hơn 1.092 tỷ đồng. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), ông Đỗ Minh Toàn cho hay, kết thúc tháng 9/2015, ACB đạt hơn 1.029 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (sau trích lập dự phòng rủi ro). Những yếu tố tác động tích cực đến kết quả hoạt động của ACB trong 3 quý đầu năm là tăng trưởng tín dụng được cải thiện, lãi suất giảm dần về mức hợp lý 7,5 - 8%/năm cho các khoản vay mới, tiến trình xử lý thu hồi nợ xấu tốt hơn.

Cụ thể, kết thúc 9 tháng đầu năm nay, tổng dư nợ tín dụng ACB tăng 12,8%, huy động vốn tăng hơn 8%, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.092 tỷ đồng (sau trích lập dự phòng rủi ro). ACB tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trước thuế (sau trích lập dự phòng) năm 2015 ở mức 1.314 tỷ đồng.

Về nợ xấu, ACB đã đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 1,7% tính đến cuối tháng 9/2015. Cụ thể, ACB đã xử lý thu hồi nợ được 900 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2015. Lũy kế từ năm 2014 đến cuối năm nay, tổng nợ xấu ACB bán cho VAMC là 2.000 tỷ đồng. Chỉ với khoản nợ xấu bán cho VAMC, ACB phải trích dự phòng 20% cho trái phiếu đặc biệt khoảng 400 tỷ đồng.

Lãnh đạo ACB cho biết, các khoản nợ xấu liên quan đến vụ án “bầu” Kiên vẫn được Ngân hàng thực hiện theo phương án đã trình Ngân hàng Nhà nước và ACB trích lập dự phòng đầy đủ. Do quá trình xử lý nợ xấu đã có cải thiện so với năm trước và kỳ vọng rằng, sự hồi phục của thị trường bất động sản có thể đẩy nhanh quá trình xử lý tài sản đảm bảo, nên trong năm nay, ACB dự kiến xử lý, thu hồi khoảng 1.000 tỷ đồng nợ xấu.

Sau 9 tháng đầu năm nay, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đạt 4.528 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Nợ xấu của Ngân hàng tính đến ngày 30/9 chỉ còn 7.776 tỷ đồng, trong khi cuối quý I/2015 lên tới gần 9.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 2,1% sau khi lên gần 3% hồi đầu năm. Sở dĩ lợi nhuận đạt mức khả quan, theo Vietcombank, là do Ngân hàng đã chính thức “ghìm cương” nợ xấu sau hơn 2 năm dồn lực trích lập dự phòng và xử lý.

Theo lãnh đạo Vietcombank, công tác thu hồi nợ tiếp tục được đẩy mạnh trong hơn 2 năm qua. Đáng chú ý là, 9 tháng đầu năm 2015, thu nợ ngoại bảng lũy kế của Vietcombank đạt 1.313 tỷ đồng, trong đó, thu hồi nợ đã xử lý bằng dự phòng rủi ro là 1.024 tỷ đồng, thu nợ bán cho VAMC là 289 tỷ đồng. Chính điều này đã tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của Ngân hàng khi dự phòng được hoàn nhập.

9 tháng đầu năm 2015, tổng lợi nhuận trước trích lập dự phòng của Vietcombank tăng tới 25,6% so với cùng kỳ 2014, nhưng sau trích lập dự phòng tăng 12,3%; tăng trưởng huy động vốn Vietcombank tăng 15,5% so với cuối 2014; dư nợ tín dụng cũng tăng trên 12%. Với mức tăng trưởng này, các chỉ số sinh lời của Vietcombank tiếp tục cải thiện, như ROE đạt 11,82%, ROA đạt khoảng 0,86%.

Về phần mình, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đặt kế hoạch lợi nhuận hợp nhất 3.250 tỷ đồng, trong đó riêng ngân hàng mẹ là 3.150 tỷ đồng trong năm 2015. Tuy nhiên, kết thúc 9 tháng đầu năm nay, MB đã đạt 2.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, bằng 76% chỉ tiêu cả năm.

Về việc xử lý nợ xấu, 9 tháng đầu năm 2015, MB hoàn tất bán nợ cho VAMC, đồng thời hoàn tất việc thu hồi nợ theo kế hoạch đưa ra cả năm. Cũng trong 9 tháng đầu năm, tín dụng của MB tăng xấp xỉ 12,7%; huy động vốn tăng 3,8%; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Mặc dù còn những khó khăn nhất định, quá trình xử lý nợ xấu chưa thể đẩy nhanh như kỳ vọng, song hoạt động tín dụng tốt hơn chính là một trong những yếu tố đóng góp tích cực vào lợi nhuận của MB.

Bán nợ càng nhiều, lợi nhuận ngân hàng càng giảm
Cái được lớn nhất trong việc bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là làm “sạch” bảng cân đối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư