Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
"Độc canh" tín dụng vẫn là nguồn sữa lợi nhuận của các ngân hàng
Hà Tâm - 20/09/2015 08:26
 
Theo lãnh đạo nhiều ngân hàng, với lãi suất cho vay và huy động hiện nay, ngân hàng hầu như chỉ “huề vốn” ở hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tín dụng vẫn mang về nguồn lợi nhuận chính cho các nhà băng.

NIM ngân hàng chỉ khoảng 2,5-2,7%

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Ngân hàng TMCP BIDV cho hay, hiện nay, tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng đang ở mức thấp. “Năm nay, NIM của các ngân hàng chỉ khoảng 2,5- 2,7%. Ở nước ta, với mức NIM này, ngân hàng chỉ huề vốn, nhất là trong bối cảnh nợ xấu tăng lên, khi Thông tư 09/2014/TT-NHNN chính thức có hiệu lực”, TS. Lực nói. 

Theo lãnh đạo nhiều ngân hàng TMCP, những năm 2011-2012, NIM ngân hàng vào khoảng 3,5-4%, song hiện nay chỉ dưới 3% và nếu dưới 2,5%, ngân hàng sẽ rơi vào thua lỗ. Việc NIM đứng ở mức vừa phải như hiện nay là lý do khiến nhiều ngân hàng không dám nhảy vào cuộc đua tăng lãi suất huy động. Bởi nếu tăng lãi suất đầu vào trong khi lãi suất đầu ra khó tăng (vì cạnh tranh tín dụng), thì ngân hàng sẽ chịu nhiều áp lực giảm NIM, đồng nghĩa với giảm lợi nhuận.

Thu nhập lãi thuần quý II của Vietcombank đạt gần 3.570 tỷ đồng, còn lãi dịch vụ chỉ gần 615 tỷ đồng
Thu nhập lãi thuần quý II của Vietcombank đạt gần 3.570 tỷ đồng, còn lãi dịch vụ chỉ gần 615 tỷ đồng

 

Thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia mới công bố cuối tháng 8 vừa qua cũng xác nhận, NIM ngân hàng đã giảm khá mạnh vài năm trở lại đây và hiện chỉ ở mức 2,74%. Nhìn chung, ngân hàng không còn được “ăn” chênh lệch lãi khủng như trước nữa. Nhiều ngân hàng cho hay, NIM cho vay khách hàng ngắn hạn hiện chỉ khoảng 2%, cho vay trung dài hạn và cho vay tín dụng tiêu dùng khoảng 4%.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, NIM ngân hàng thực tế không thấp như con số công bố. Hiện nay, một lượng lớn tiền gửi vào ngân hàng là tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất rẻ (1%/năm). Chỉ cần cho vay lại với lãi suất 5-6%/năm là ngân hàng đã có lãi. Ngay cả với lãi suất huy động có kỳ hạn, nếu cho vay tiêu dùng với lãi suất khoảng 20%/năm, ngân hàng cũng thu về “bộn tiền”. Đây cũng là lý do thời gian gần đây, lợi nhuận ngân hàng tăng mạnh khi tín dụng khởi sắc, bất chấp chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng đáng kể.

Bao giờ thoát “độc canh” tín dụng?

Chưa biết NIM chính xác trong hệ thống ngân hàng nước ta là bao nhiêu, song nếu con số 2,74% là thực, thì đây được coi là mức hợp lý trong bối cảnh nợ xấu ở nước ta khá lớn, chi phí trích lập dự phòng rủi ro cao.

Dù vậy, cũng phải thấy rằng, nếu so sánh với các nước trên thế giới, mức lãi cận biên này không phải là thấp. Nhiều chuyên gia cho rằng, chênh lệch lãi suất huy động - cho vay ở nước ta còn có thể tiếp tục kéo giảm, nếu các ngân hàng bớt sống dựa vào tín dụng.

Báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, nguồn thu nhập chính của ngân hàng vẫn chủ yếu từ tín dụng, hoạt động đầu tư, dịch vụ của nhiều ngân hàng mang về lợi nhuận không nhiều. Cụ thể, thu nhập lãi thuần hợp nhất trong quý II/2015 của VietinBank đạt gần 5.000 tỷ đồng, trong khi hoạt động dịch vụ chỉ mang về 407 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động khác cũng chỉ đạt 392 tỷ đồng. Tại BIDV, thu nhập từ lãi thuần cũng lên tới gần 3.900 tỷ đồng, trong khi thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ chỉ mang lại khoản lãi 591 tỷ đồng...

Lãi từ các hoạt động như ngoại hối, chứng khoán… khá thấp so với thu nhập chung của ngân hàng. Chính sự “độc canh” tín dụng đã khiến các ngân hàng vẫn phải duy trì lãi biên ở mức độ nhất định và khó giảm lãi suất đầu ra.

Phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2015 của VietinBank hồi đầu năm nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhắc nhở: “Tín dụng là quan trọng, song chỉ ở tỷ lệ nhất định thì mới an toàn. Tôi không muốn các ngân hàng chỉ chăm chăm chạy theo tín dụng. Khi đó, các ngân hàng cũng không thể phát triển bền vững, vì muốn bền vững, các ngân hàng phải phát triển dịch vụ là chính. Nếu không cắt được ‘vòi’ tín dụng thì các ngân hàng sẽ cứ chạy theo tín dụng mà không làm tốt khâu dịch vụ”.

Tuy nhiên, đến nay, cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng vẫn chưa có nhiều thay đổi. Điều này gây ra nhiều rủi ro, bất cập cho hệ thống ngân hàng và cũng là khởi nguồn của tình trạng nợ xấu lớn, lãi suất cao.

Tắc trách, ngân hàng mang vạ tín dụng đen
Thời gian qua, hàng loạt người dân vay vốn tín dụng đen đã sốc khi bị ngân hàng đột ngột đến thu hồi nhà. Khi sự việc vỡ lở, cả người dân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư