Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp ngay hay làm luật riêng?
Nguyễn Lê - 14/04/2020 14:23
 
Đại diện Ban soạn thảo dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cho rằng, đưa hộ kinh doanh vào luật này thì có lợi cho nền kinh tế, nên không nhất thiết phải cầu toàn (làm luật riêng). Trong khi đó, một số đại biểu Quốc hội chuyên trách có quan điểm nên xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.

Sau phiên họp tháng 3/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cả hai quan điểm về phạm vi điểu chỉnh của dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Quan điểm của cơ quan trình dự án luật là đưa quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật thành một chương, còn quan điểm của cơ quan thẩm tra là xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.

Tổng hợp sơ bộ các ý kiến của các vị đại biểu chuyên trách và các đoàn đại biểu vừa góp ý về nội dung này thì ý kiến không nên đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật chiếm đa số. Các ý kiến ngược lại dù thiểu số nhưng cũng đưa ra nhiều phân tích đáng chú ý.

Cần phân loại hộ kinh doanh theo quy mô

Việc có một số quy định liên quan đến hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp, theo Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, là cần thiết. Đây sẽ là cơ sở để Chính phủ quy định chính sách quản lý và xây dựng luật hộ kinh doanh sau này.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng cần có sự xem xét trên cơ sở phân loại quy mô, mức độ đóng góp lợi nhuận cho xã hội. Cụ thể là đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ, không nhất thiết phải thực hiện như dự thảo luật đã quy định còn đối với hộ kinh doanh có quy mô lớn (về mức vốn, doanh thu, lợi nhuận, lao động ...), cần đưa vào cơ chế quản lý như một phần hình thức doanh nghiệp.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước bày tỏ sự thống nhất quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp, nhằm nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh, là bước tiến trong định hình tư tưởng của hộ kinh doanh về việc thành lập, hoạt động và phát triển theo một quy trình quản lý chung của nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh.

Quy định này, theo các vị đại biểu Bình Phước, sẽ giúp các hộ kinh doanh thụ hưởng được một số quyền lợi của doanh nghiệp, các chính sách ưu đãi…tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh phát triển tốt hơn. Xét về bản chất hộ kinh doanh và doanh nghiệp đều là mục đích kinh doanh, chỉ khác ở quy mô lớn và nhỏ, đoàn Bình Phước nêu quan điểm.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, ông Phạm Văn Tuân cho rằng, đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp là phù hợp với bản chất kinh tế, pháp lý của hộ kinh doanh đồng thời cũng bảo đảm quyền bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp khác, là bước tiến mới của hệ thống pháp luật về doanh nghiệp ở Việt Nam.

Vị đại biểu Thái Bình khẳng định, việc này cũng sẽ không làm thay đổi kết cấu và quan niệm về doanh nghiệp tại luật này vì doanh nghiệp vẫn bao gồm 2 chủ thể: chủ thể có tư cách pháp nhân là các công ty và chủ thể không có tư cách pháp nhân là cá nhân kinh doanh và nay bổ sung thêm hộ kinh doanh. 

Tránh tác động bất lợi

Cho rằng cần nghiên cứu ban hành luật riêng về hộ kinh doanh, đại biểu Hoàng Văn Hùng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên lo ngại, nếu quy định như trong dự thảo luật có thể làm tăng rủi ro, tăng chi phí cho hộ kinh doanh.

Dự thảo luật không có nội dung nào quy định về khuyến khích phát triển, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hộ kinh doanh, ông Hùng nhận xét.

Một số vị đại biểu ở đoàn khác cũng có chung quan điểm như ông Hùng.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, đại biểu Bế Minh Đức góp ý, đã đến lúc xây dựng một luật riêng quy định hộ kinh doanh do số lượng đối tượng chịu tác động rất là lớn (hơn 5 triệu hộ) và đây là một hình thức kinh doanh rất đặc thù.

Theo đại biểu thì có luật riêng để quy định rõ hơn việc quản lý nội bộ, trách nhiệm, việc góp vốn, quyền lợi của từng thành viên trong hộ kinh doanh ...nhằm giải quyết tốt các quyền lợi, nghĩa vụ của các cá nhân khi có tranh chấp xảy ra. Do vậy, nếu chỉ dành 1 chương trong Luật Doanh nghiệp để quy định về hộ kinh doanh sẽ không thể nào quy định hết được các yếu tố liên quan đến hộ kinh doanh.

Ngoài ra, ông Đức nhận xét, hiện nay có nhiều hộ kinh doanh có doanh thu lớn nhưng số thuế khoán nhỏ, việc kê khai doanh thu phụ thuộc rất nhiều vào việc tự kê khai, đây là “kẽ hở” dẫn đến thất thu thuế…Do vậy, việc xây dựng luật quy định riêng về hộ kinh doanh sẽ giúp phân loại hộ kinh doanh sát hơn, có cơ chế áp dụng chế độ kế toán đơn giản, phù hợp hơn đối với loại hình này, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, đồng thời quy định rõ hơn các chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chuyển lên thành doanh nghiệp khi có đủ điều kiện.

Dư luận xã hội cũng chưa đặt vấn đề cấp bách phải quy định hộ kinh doanh ngay trong luật này, còn nhiều ý kiến phân tích khác nhau, nên cần đánh giá kỹ lưỡng tác động các mặt có liên quan để quy định hộ kinh doanh tại một luật riêng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Hữu Toàn thể hiện chính kiến.

Sau khi hoàn thiện thêm một bước từ ý kiến đại biểu, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận tại một phiên toàn thể, trước khi xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 tới đây. 

Tình huống hy hữu doanh nghiệp “ghi nhầm” vốn tỷ USD và bài học về Luật Doanh nghiệp
Tình huống hy hữu doanh nghiệp ghi nhầm vốn điều lệ lên tới 144.000 tỷ đồng, tương đương 6,3 tỷ USD và những lo ngại về sự dễ dàng của thủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư