Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đưa Quỹ đầu tư mạo hiểm vào luật: Cơ hội cho “thiên thần” nội
Bảo Duy - 14/04/2016 08:22
 
Mở rộng cửa cho nhà đầu tư mạo hiểm đang là mục tiêu mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng tới trong các chính sách thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Gọi đúng tên

Ông Trần Xuân Đích, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), là một trong những người bày tỏ sự vui mừng khi đọc được khái niệm đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư thiên thần trong dự thảo lần hai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Luật hóa được các khái niệm này sẽ đồng nghĩa với việc xóa đi lo ngại khả năng hình sự hóa trong hoạt động đầu tư mà phần lớn được xác định là mất vốn này”, ông Đích chia sẻ quan điểm.

Phải nhấn mạnh rằng, hình sự hóa là nỗi lo lớn nhất của không chỉ các nhà đầu tư, mà của cả các nhà hoạch định chính sách về khởi nghiệp sáng tạo. Vì theo thực tiễn hoạt động của mô hình này, trong số hàng chục khoản đầu tư của nhà đầu tư mạo hiểm vào các ý tưởng kinh doanh trước khi nó được thương mại hóa, số thành công chỉ vài phần trăm, rất khác với các quỹ đầu tư chứng khoán, các quỹ đầu tư vào doanh nghiệp sau IPO... Nếu như không làm rõ khái niệm, hoạt động “hầu như là lỗ” của mô hình này sẽ trở thành cái gai trong con mắt các cơ quan quản lý nhà nước.

Đó là chưa kể, thủ tục thành lập quỹ này sẽ vô cùng phức tạp, nếu như mô hình phải đáp ứng các điều kiện của Luật Chứng khoán hay Luật Các tổ chức tín dụng. Điều này giải thích sự lẻ tẻ của các “thiên thần” Việt, cũng như sự tồn tại của lời than phiền về việc phải mất cả năm mới ra đời được một quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.

Ngay trong cuộc họp Tổ soạn thảo dự thảo Thông tư Hướng dẫn về việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo (gọi tắt là Thông tư), ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định, việc gọi đúng tên mô hình này sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư yên tâm thực hiện các kế hoạch đầu tư mạo hiểm của họ, đồng thời cũng để xã hội hiểu rõ hình thức đầu tư mới mẻ này.

“Khi góp ý cho Thông tư, có ý kiến phản biện rằng, gọi tên quỹ như vậy khác gì dẫn nhà đầu tư vào chỗ chết. Nhưng quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng, Nhà nước không chỉ cách cho nhà đầu tư làm gì, mà tạo khung khổ pháp lý để họ tự quyết định. Hơn thế, không thể khiên cưỡng gọi khác đi, vì bản thân những người chơi đều xác định, đây là hoạt động đầu tư rủi ro có tính toán. Các nhà đầu tư chấp nhận thua để thắng thông qua việc tìm kiếm các ý tưởng kinh doanh mới”, Thứ trưởng Đông khẳng định.

Điều quan trọng nữa, việc xác định đúng khái niệm quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ là cơ sở để đề xuất và thực thi các chính sách hỗ trợ phù hợp, tránh lạm dụng.

Cơ hội của “thiên thần” nội

Dự thảo Thông tư đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, dự kiến sẽ được ban hành vào tháng 7 tới. Lý do không chờ Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hoàn tất, là vì nhu cầu đầu tư mạo hiểm trong xã hội đang có, nhưng chưa thực hiện được do quy định pháp lý chưa rõ ràng.

“Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ luật hóa các khái niệm, các chính sách hỗ trợ cụ thể. Tuy nhiên, theo lịch trình, nhanh nhất phải đợi tới tháng 7/2017 mới có thể thực hiện được. Thị trường thì không thể chờ đợi, vì nhiều hồ sơ thành lập gửi tới Phòng đăng ký kinh doanh, nhưng chưa có cơ sở để thụ lý. Chúng tôi xây dựng Thông tư như một sổ tay hướng dẫn, từ việc đăng ký đến công khai hóa, đảm bảo nghĩa vụ và trách nhiệm giữa các bên liên quan, nhằm bảo vệ các bên khi có tranh chấp. Còn việc chơi thế nào, đầu tư vào đâu, đó là việc của nhà đầu tư. Nhà nước sẽ ghi nhận sự tồn tại của họ, tạo điều kiện để họ gia nhập thị trường cũng như rút ra thuận lợi”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh mục tiêu của Thông tư.

Theo đó, Thông tư hướng dẫn các cách thành lập, cơ chế hoạt động, cơ chế rút vốn, cũng như nghĩa vụ của các bên liên quan. Hiện tại, một số nội dung đang được đưa ra lấy ý kiến, như quỹ này sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Chứng khoán, Luật Các tổ chức tín dụng; có quy định vốn góp tối thiểu không; có quy định số thành viên góp vốn hay khống chế thời gian hoàn trả vốn góp cho các thành viên không…

Đặc biệt, Tổ soạn thảo cũng cân nhắc phương án có thể không cần thiết thành lập công ty như dự thảo, mà có thể chỉ đăng ký tài khoản dùng để đầu tư theo nguyên tắc đã thống nhất đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh.

Với cách này, hoạt động của mô hình sẽ rất linh hoạt, nhưng vẫn đảm bảo được kiểm soát dòng tiền đúng mục tiêu. “Cơ chế này cho phép cá nhân, doanh nghiệp đang hoạt động có thể tham gia. Phần đầu tư này của doanh nghiệp sẽ được hạch toán riêng và hưởng ưu đãi theo quy định”, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề xuất.

Các nội dung chi tiết đang được hoàn tất sau khi có các ý kiến phản hồi từ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và chính các nhà đầu tư thiên thần tiềm năng. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đông khẳng định, việc làm rõ mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ không chỉ mở rộng cơ hội cho các thiên thần nội, mà quan trọng hơn là sẽ thúc đẩy ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo.

“Chính sự xuất hiện của các quỹ đầu tư mạo hiểm - những người có nhu cầu tiêu tiền sẽ tạo ra cầu. Đó chính là nền tảng của hệ sinh thái khởi nghiệp mà nền kinh tế Việt Nam đang hướng tới”, ông Đông chia sẻ quan điểm.

Hỗ trợ khởi nghiệp vào dự thảo luật
Trong dự thảo lần thứ 2 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) dành riêng một mục quy định về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi sự.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư