Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đưa Việt Nam thành điểm đến đẳng cấp thế giới
Trần Hà - 02/01/2018 19:31
 
Nền móng vững chắc từ chính sách cùng những sản phẩm sáng tạo của các doanh nghiệp du lịch dẫn đầu sẽ đem tới cho du lịch Việt Nam vị thế mới, tiến tới mục tiêu trở thành một điểm đến đẳng cấp của thế giới.
.
.

Khi chính sách tạo nền tảng

Năm 2017 ghi nhận hàng loạt dấu mốc quan trọng cho ngành du lịch khi Việt Nam chủ trì hội nghị về phát triển du lịch bền vững trong khuôn khổ APEC, du lịch được đặt là một trong 3 trọng tâm trong Diễn đàn Kinh tế tư nhân, Luật Du lịch sửa đổi được hoàn thiện, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong số 8 nhóm giải pháp mà Nghị quyết 08-NQ/TW đề ra và đưa vào chương trình hành động mới đây, bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Công ty Vietrantour đặc biệt quan tâm tới giải pháp cơ cấu lại ngành du lịch vận hành theo quy luật kinh tế thị trường.

Bà Huyền cho rằng, giải pháp này sẽ giải quyết được những điểm nghẽn của ngành du lịch. Trước hết, đây sẽ là cơ sở để ngành du lịch tạo đột phá trong thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông kết nối các tuyến điểm du lịch, cải thiện chất lượng dịch vụ hạ tầng đường sắt, cảng biển, cảng thủy nội địa chuyên dùng phục vụ du lịch, đầu tư xây dựng các điểm dừng nghỉ trên các tuyến du lịch đường bộ và tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch.

Niềm tin của bà Huyền càng được củng cố khi Chính phủ cam kết xây dựng môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, trong đó, ưu tiên tạo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động du lịch, cùng những hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch, như ưu đãi về thuế sử dụng đất, thuê đất…

Niềm hứng khởi không chỉ đến từ phía doanh nghiệp, mà còn đến từ chính cộng đồng địa phương khi họ cũng được tham gia chuỗi phát triển du lịch cộng đồng, với thông điệp rất rõ ràng về xây dựng điểm đến thân thiện, an toàn, văn minh.

Xét về số lượng, nếu như năm 2016, ngành du lịch ngỡ ngàng khi lần đầu tiên chạm mốc 10 triệu lượt khách quốc tế, mức cao kỷ lục và cán đích trước 4 năm so với mục tiêu ban đầu đề ra tại Chiến lược Phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030, thì năm 2017, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 13 triệu lượt khách, vượt xa con số của năm 2016.

Với sự phát triển của ngành trong thời gian qua và nền tảng hỗ trợ phát triển du lịch từ Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Transviet  dự báo, năm 2018, ngành du lịch có thể đạt mức tăng trưởng mới, thu hút 16,5 triệu lượt khách quốc tế, thậm chí cao hơn.

Ông Đạt còn đặt niềm tin lớn hơn vào mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với tổng thu 35 tỷ USD, đóng góp 10% GDP vào năm 2020, như Nghị quyết 08-NQ/TW đặt ra.

Lý do là, nếu xét trên 3 tiêu chí của ngành kinh tế mũi nhọn hiện nay là đóng góp ít nhất 7% GDP, tạo nhiều việc làm và có tính liên kết cao, thì ngành du lịch đang ngấp nghé đạt chuẩn. Chỉ riêng đóng góp về kinh tế, năm 2017, tổng thu từ du lịch đã đạt 500.000 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ USD, đóng góp khoảng 7% GDP.

Thu hút khách từ những sản phẩm sáng tạo

Ngành du lịch đang đặt quyết tâm xây dựng những sản phẩm sáng tạo, nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ xứng tầm thế giới.

Trong buổi tham vấn Đề án Tái cơ cấu ngành du lịch diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tin tưởng rằng, doanh nghiệp Việt có thể tạo ra những sản phẩm du lịch sáng tạo, khác lạ để thu hút khách du lịch.

Đó cũng chính là mục tiêu mà Sun Group đặt ra cho tầm nhìn phát triển với ước vọng đầu tư xứng tầm để đưa du lịch Việt Nam lên hàng những điểm đến đẳng cấp.

“Từ đảo hoang của 40 năm trước, Maldives đã trở thành điểm đến xa hoa bậc nhất, với những khu resort siêu sang trọng mà giá nghỉ một đêm bằng cả một chiếc xe hơi. Hay khu nghỉ mát Genting của Malaysia đi lên từ vùng đất hoang vu, nơi chỉ có mặt những người đốn gỗ và khai thác đá. Thực tế đó đang cho thấy, việc đầu tư táo bạo sẽ cho kết quả không ngờ. Nếu xét về điều kiện tự nhiên, Tam Đảo hơn hẳn cao nguyên Genting của Malaysia. Vậy tại sao Genting thu hút tới 3.000 - 4.000 khách/ngày, lúc cao điểm lên tới 8.000 khách, với doanh thu khoảng 2 tỷ USD/năm, trong khi Tam Đảo chỉ thu được vỏn vẹn 115 tỷ đồng/năm, tương đương 5 triệu USD. Đó là một câu chuyện”, ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group nói.

Cũng theo ông Cường, sự phát triển thần kỳ của các nước láng giềng về du lịch sẽ là bài học để Việt Nam rút ngắn khoảng cách về đích.

Liên quan kế hoạch phát triển du lịch, ông Cường cho biết, Sun Group sẽ góp phần đưa du lịch Việt Nam lên tầm cao mới, với những tổ hợp quy mô lớn tại Hạ Long, Phú Quốc, Đà Nẵng. “Nếu Hồng Kông có Disneyland, thì Việt Nam có Sun World, Ba Na Hills. Trong tương lai, khi các công trình của Sun Group được hoàn thiện, Phú Quốc sẽ đẹp không kém Maldives, thậm chí còn nhiều điều thú vị hơn”.

Việc InterContinental Danang Peninsula Resort chinh phục được những vị khách hạng sang nhất như Tổng thống Nga Putin hay Tổng thống Mỹ Donald Trump… trong dịp diễn ra sự kiện APEC tại Đà Nẵng vừa qua là dẫn chứng rõ nét nhất cho mục tiêu của Sun Group.

Nhìn tổng thể, hiện có rất ít ngành chứng kiến sự phát triển vượt bậc lại hội tụ chủ yếu là doanh nghiệp Việt như ngành du lịch.

Nói như vậy không có nghĩa là du lịch không bị cạnh tranh của đối tác ngoại, vì thực tế cho thấy, mặc dù thị trường khách quốc tế đang tăng trưởng nhanh, nhưng mức tăng trưởng này lại phụ thuộc tới 50% vào Hàn Quốc và Trung Quốc.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel cho biết, 2 thị trường trên tăng trưởng về số lượng, nhưng doanh thu không mang lại nhiều cho ngành du lịch, vì có sự vào cuộc của doanh nghiệp ngoại.

“Thử hỏi, tại 2 thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam hiện có bao nhiêu doanh nghiệp kết hợp với nhau để cùng xúc tiến du lịch, trong khi chỉ có sự kết nối giữa các doanh nghiệp mới tạo lực đủ mạnh chống lại các doanh nghiệp ngoại, vì bản chất không phải 1 cộng 1 bằng 2, mà là 1 cộng 1 bằng n”, ông Kỳ nói.

Ông Kỳ cũng cho biết, bắt đầu từ năm 2017, Vietravel đã phối hợp với Vietnam Airlines và hệ thống Vinpearl để cùng nhau xúc tiến từng thị trường. Năm 2018, Vietravel sẽ cố gắng mở rộng từ 5 văn phòng hiện nay lên 11 văn phòng ở hầu hết các thị trường du lịch chính của Việt Nam để đẩy mạnh việc hút khách quốc tế tới Việt Nam.

Năm 2018, ông Kỳ đặt ra mục tiêu kết nối hệ thống cung ứng dịch vụ nhằm tạo chuỗi giá trị hoàn chỉnh, trên cơ sở đó gia tăng giá trị cho từng điểm. Một phần trong kế hoạch này là nối sản phẩm từ Quảng Bình đến Tây Nguyên, tạo ra bộ tour về con đường di sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Kỳ, kế hoạch này cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng. “Điều doanh nghiệp đang cần là những sản phẩm cụ thể ở mỗi địa phương trên con đường di sản này là gì, vì nếu không cụ thể thì rất có thể đầu tư của doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro”, ông Kỳ đặt lo ngại.

Rõ ràng, sự vào cuộc của Chính phủ, cùng với quyết tâm đổi mới, sáng tạo của các doanh nghiệp dẫn đầu đang tạo tiền đề cho ngành du lịch bứt phá. Năm 2018 rất có thể sẽ chứng kiến sự phát triển lên tầm cao mới của du lịch Việt Nam.

Startup giúp khách du lịch truy cập Internet giá rẻ ở bất cứ quốc gia nào
Ứng dụng handy giúp kết nối Internet, cuộc gọi trong và ngoài nước với giá phải chăng như người dân địa phương ở mỗi nơi khách du lịch đi qua.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư