Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất thông minh
Bích Thủy - 29/06/2022 17:31
 
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều doanh nghiệp đang tăng cường đầu tư áp dụng công nghệ, phát triển nhà máy thông minh, mở ra cơ hội đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất thông minh của khu vực.
Ảnh minh họa
Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam và Myanmar

Môi trường làm việc không dây sẽ thúc đẩy năng suất

Tại buổi Tọa đàm với chủ đề “Chuyển đổi số với 5G - xu hướng phát triển nhà máy thông minh tại Việt Nam”, do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, các chuyên gia cho biết, doanh nghiệp trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau đang áp dụng những công nghệ mới để tăng sức cạnh tranh, tồn tại trong thời đại số.

Theo ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam và Myanmar, một môi trường làm việc không dây sẽ thúc đẩy các quá trình thông minh hơn, linh hoạt hơn và ít bị gián đoạn hơn. Điều này ngày càng quan trọng đối với các nhà máy.

Ông Brunetti giải thích thêm, những nhà máy hoạt động có sự hỗ trợ của 5G sẽ hưởng lợi nhiều. Theo đó, các cảm biến điều khiển mọi quá trình sản xuất và thu thập dữ liệu xong sẽ phản hồi đến máy móc và giám đốc sản xuất, giúp tăng cường tốc độ vận hành, khả năng bảo dưỡng, cũng như tính an toàn.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định, đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Để đạt được mục tiêu đề ra, sẽ là cả chặng đường dài để doanh nghiệp tiếp tục thay đổi tư duy và hành động.

Đồng quan điểm, ông Seck Yee Chung, thành viên Ban quản trị Nhóm công tác kinh tế số Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 được đánh dấu bởi công nghệ mới đột phá trong một số lĩnh vực bao gồm dữ liệu lớn, robotics, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ nano, công nghệ sinh học, Internet vạn vật (IoT), in 3D, xe tự lái, đã và đang tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ngành sản xuất cũng nằm trong xu hướng đó.

Theo Báo cáo mới đây của Tập đoàn Ericsson, chuyển đổi số của các doanh nghiệp sản xuất sẽ mạnh mẽ hơn trong vài năm tới, với việc tăng cường ứng dụng các công cụ được hỗ trợ bởi công nghệ hiện đại như công nghệ AI, nhận dạng video, AR/VR, xe tự động… Mạng 5G sẽ mở ra các trường hợp sử dụng sáng tạo để tăng năng suất, giải phóng các hoạt động khỏi sự phụ thuộc có dây.

Khi chuyển đổi số được đẩy mạnh, Việt Nam có cơ hội lớn để trở thành trung tâm sản xuất thông minh trong khu vực. Chính phủ đang đi đúng hướng khi mạng 5G đã thử nghiệm thương mại từ tháng 12/2020 và đẩy mạnh phát triển hạ tầng số. Ngoài ra, Việt Nam cũng có nhiều chính sách ưu tiên thu hút đầu tư công nghệ cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển của sản xuất thông minh.

Nghiên cứu mới đây của Tập đoàn Ericsson dự báo, hơn 2/3 nhà sản xuất toàn cầu sẽ di chuyển tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2025, trong đó Việt Nam được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn. Ước tính, doanh thu 5G tại Việt Nam sẽ đạt 1,54 tỷ USD vào năm 2030, trong đó ngành sản xuất sẽ dẫn đầu.

Nhiều doanh nghiệp đã và đang thành công với mô hình sản xuất thông minh như VinFast, Thaco, Tân Hiệp Phát, Vinamilk, TH True Milk.

Được thành lập vào năm 2009, Tập đoàn TH, sở hữu thương hiệu TH true Milk nổi tiếng, hiện chiếm 50% thị phần sữa tươi của Việt Nam. Chuyển đổi số luôn được coi là chiến lược trọng tâm của tập đoàn này. Ông Arghya Mandal, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa TH (Tập đoàn TH), chia sẻ: “Tại dự án cụm trang trại chăn nuôi và chế biến sữa trị giá 1,2 tỷ USD (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An), các công nghệ hiện đại đã được sử dụng, chẳng hạn, các chip điện tử được gắn cố định trên chân bò để đo sức khỏe và theo dõi tình trạng sữa. Tất cả thông tin được thu thập bởi các chip điện tử sẽ được truyền đến máy tính để phân tích”.

Thách thức vẫn là thiếu kiến thức

Tuy nhiên, chuyển đổi số ở phần lớn doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam vẫn hạn chế và chưa thực sự sẵn sàng do còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo ông Seck Yee Chung, một trong những thách thức hiện nay là thiếu kiến thức.

“Thật không dễ để biết nên bắt đầu từ đâu. Phải đánh giá đúng doanh nghiệp cần gì, điều gì là then chốt và ai có thể giúp. Các doanh nghiệp nhỏ, kể cả doanh nghiệp lớn nhiều khi cũng gặp phải những vấn đề này. Sau khi tiến hành đánh giá, doanh nghiệp quyết định và rồi đưa ra giải pháp thực hiện. Các doanh nghiệp sản xuất cần tập trung vào 4 yếu tố quan trọng là nhận thức, tiếp cận, thích nghi và thúc đẩy”, ông Seck Yee Chung nói.

Theo ông David Liden, Trưởng đại diện Business Sweden, xác định được nhu cầu thực tế là một trong những yếu tố thành công chính cho quá trình chuyển đổi số. Một vấn đề nhiều doanh nghiệp đang mắc phải hiện nay là chỉ tập trung áp dụng những công nghệ tân tiến và sáng tạo nhất, tuy nhiên, chuyển đổi số chỉ thực sự hiệu quả nếu được thực hiện đúng hướng. Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ những đối tác họ đã và đang làm việc cùng để xác định đâu là điểm giao nhau giữa nhu cầu của họ và công nghệ sẵn có.

Cũng theo ông David Liden, tiết kiệm chi phí không phải là mục tiêu duy nhất của chuyển đổi số. Khía cạnh chất lượng và quản lý cũng cần được chú trọng trong quá trình tự động hóa hoặc sản xuất thông minh. 

“Một yếu tố khác cần được cân nhắc là mạng lưới an toàn xã hội. Như chúng ta đã thấy ở Thụy Điển, Stockholm thường được ca ngợi là thành phố sáng tạo thứ hai sau Thung lũng Silicon khi nói đến các startup công nghệ. Tôi nghĩ rằng, đó là sự kết hợp của một môi trường cởi mở cho doanh nghiệp và một hệ thống đào tạo bài bản”, ông David Liden nhấn mạnh.

Samsung bắt đầu hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh ở Việt Nam
14 doanh nghiệp đầu tiên tại các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên và Hà Nam sẽ nhận sự hỗ trợ của Samsung để phát triển nhà máy thông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư