Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 01 năm 2025,
Đức: Lạm phát tại bắt đầu hạ nhiệt
T.T - 16/05/2023 11:38
 
Sau cú sốc lạm phát kỷ lục do tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, xu hướng giá cả tăng mạnh tại Đức đã bắt đầu có dấu hiệu chậm lại, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng nước này có thể sớm thoát khỏi tình trạng lạm phát "chóng mặt" vừa qua.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn số liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết giá bán buôn trong tháng 4 đã giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là lần đầu tiên giá bán buôn hằng năm giảm kể từ tháng 12/2020.

Theo Destatis, kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát, hoạt động kinh tế bị tác động khiến giá bán lẻ nói chung tăng với tốc độ khó kiểm soát, xu hướng chi phí gia tăng đã tạo áp lực với người tiêu dùng. Giá trên thị trường bán buôn trong tháng 3 đã tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi vào tháng 2, tỷ lệ này là 8,9%. Mặc dù vậy, trong tháng 4, không phải tất cả giá bán buôn đều giảm. Một số mặt hàng vẫn tiếp tục tăng, như giá trái cây, rau và khoai tây tăng 22%, vật liệu xây dựng tăng 13,9%.

Mức giá chung thấp hơn trên thị trường bán buôn có thể là tin tốt cho những người tiêu dùng đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt cao. Các đại lý bán buôn thường là trung gian liên kết giữa nhà sản xuất với người bán lẻ và cuối cùng là người tiêu dùng. Vì vậy mức giá họ đặt ra thường tác động đến giá trong các cửa hàng, việc tăng hoặc giảm giá đến tay khách hàng bình thường chỉ sau một thời gian rất ngắn.

Với giá bán buôn hiện đang giảm, điều này có thể làm giảm tỷ lệ lạm phát, trong khi giá tiêu dùng có khả năng tăng với tốc độ chậm hơn trong những tháng còn lại của năm.

Mức lạm phát 7,2% trong tháng 4 là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2022, một dấu hiệu khác cho thấy lạm phát có thể đã đạt đỉnh ở Đức. Giá tiêu dùng dự kiến sẽ tăng 5,9% trong năm nay, tiếp theo là 2,7% vào năm 2024. Con số này thấp hơn so với mức 6,9% vào năm 2022, thời điểm xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine khiến giá năng lượng tăng cao chưa từng có.

Mặc dù giá bán buôn đã giảm trung bình 0,5%, nhưng vẫn có sự khác biệt đáng kể giữa các sản phẩm khác nhau. Giá xăng giảm 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trở thành động lực chính giúp giảm tỷ lệ lạm phát trong tháng 4. Đây là một phần của xu hướng giảm giá năng lượng khiến lạm phát đi xuống trong những tháng gần đây.

Các sản phẩm khác có giá giảm đáng kể như phế liệu và vật liệu giảm 31,5%; ngũ cốc, thuốc lá thô, hạt giống và thức ăn chăn nuôi giảm 25,2%; quặng, kim loại và bán thành phẩm kim loại giảm 20,5% và hóa chất giảm 5,4%.

Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã thực hiện nhiều biện pháp trên phạm vi rộng để giảm bớt tác động của việc giá khí đốt và giá năng lượng tăng cao. Tuy nhiên, sau khi “quay lưng” với nguồn cung khí đốt từ Nga, nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn chưa thoát khỏi những dự báo về nguy cơ có thể xảy ra một cuộc suy thoái nhẹ.

Theo dự báo mới nhất của Chính phủ liên bang Đức, tỷ lệ lạm phát năm 2023 của nền kinh tế đầu tàu châu Âu sẽ ở mức 5,9%. Tiền lương thực tế chỉ có thể tăng trở lại vào năm 2024, vì tỷ lệ lạm phát khi đó dự kiến sẽ giảm xuống 2,7%.

Đức: Chi phí nhập khẩu khí đốt tăng 131%
Mặc dù lượng nhập khẩu giảm 29%, chi phí nhập khẩu khí đốt của Đức trong 11 tháng đầu năm 2022 đã tăng 131%, hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư