Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Mưu toan xoá sổ nông trại Vinamit làm khu dân cư
Đừng để Vinamit khốn đốn trên “sân nhà”
Ngô Nguyên - 14/07/2020 07:35
 
Từng giành thắng lợi trong cuộc chiến bảo vệ thương hiệu ở Trung Quốc, nhưng ngay trên “sân nhà”, Vinamit lại đang liêu xiêu bởi quyết định thanh tra của chính quyền địa phương.
Vinamit tham dự Hội chợ quốc tế Thực phẩm và Đồ uống tại Mỹ (năm 2016)
Vinamit tham dự Hội chợ quốc tế Thực phẩm và Đồ uống tại Mỹ (năm 2016).

Quật cường trên đất khách 

Vinamit từng đương đầu một vụ kiện rất cam go, kéo dài suốt 4 năm để đòi lại thương hiệu tại Trung Quốc. Mới đây, câu chuyện này được bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.

Năm 1997, sau khi phát triển ổn định ở thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit quyết định đưa sản phẩm Vinamit sang Trung Quốc. Trước đó, năm 1993, ông Viên đã đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu Vinamit ở Việt Nam.

Sau một thời gian ngắn buôn bán tiểu ngạch để thăm dò thị trường, ông Viên bắt đầu tính đến việc xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch. Khi bắt đầu bước chân sang thị trường này, ông đã chủ động đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu Đức Thành cho phù hợp với quy định của Trung Quốc, nhưng “chết lặng” khi phát hiện thương hiệu này bị nẫng tay trên.

Vinamit quyết định thành lập công ty phân phối tại Quảng Châu, xây dựng văn phòng đại diện chính thức tại Nam Ninh, Bắc Kinh, Thượng Hải để trực tiếp bán sản phẩm xuất khẩu chính ngạch cho các hệ thống siêu thị lớn nhất tại Trung Quốc như Wal-mart, Carrefour, Lotus.

Chiến lược này của Vinamit đã khiến đối tác truyền thống làm ăn biên mậu trước đó chính thức bộc lộ âm mưu muốn thôn tính, nắm giữ độc quyền tại thị trường Trung Quốc khi công bố thương hiệu Đức Thành là của họ, không phải của Vinamit (đối tác đó đã lặng lẽ đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu trước để chiếm đoạt), hòng đánh bật hàng hóa của doanh nghiệp Việt bay khỏi cả hệ thống siêu thị lẫn chợ truyền thống.

Nếu không chiến đấu giành lại thương hiệu, không chỉ bị đánh bật sản phẩm khỏi thị trường Trung Quốc, lãnh đạo của Vinamit còn đối diện nguy cơ bị ngồi tù, nếu đơn vị nói trên “kiện ngược”. Theo luật pháp Trung Quốc, tội làm giả thương hiệu có thể bị ngồi tù 5 năm.

Ông Viên quyết định nộp đơn ra Tòa án Thương mại Bắc Kinh (Trung Quốc) đòi lại thương hiệu với lý do: “Đức Thành” là tên sản phẩm, cũng là logo thương hiệu của Vinamit và Công ty Vinamit đã sử dụng trước Xie Hong Yi - vốn là nhà phân phối của Vinamit tại thị trường Trung Quốc.

Sau 4 năm theo đuổi vụ kiện với 3 phiên tòa và hàng loạt thủ tục, tới năm 2012, Vinamit mới được Tòa án Thương mại Bắc Kinh ra phán quyết thu hồi và trả lại thương hiệu “Đức Thành”.

Nhưng lại… liêu xiêu trên “sân nhà”

“Hồi đó, dù căng thẳng đến mấy, nhưng chưa bao giờ anh Viên nao núng hay mất nhuệ khí. Vậy mà bây giờ, con người dành cả một đời tâm huyết cho nông nghiệp hữu cơ này lại có lúc phải suy sụp”, bà Hạnh kể

Theo bà Hạnh, không chỉ là doanh nghiệp có sản phẩm đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao nhiều năm liền, Vinamit còn là doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư căn cơ, dẫn đầu khâu chế biến - khâu trọng yếu để phát triển nông nghiệp Việt hiện nay.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng bày tỏ ngạc nhiên, vì trong quy trình bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao hàng năm, Ban Tổ chức luôn gửi công văn cho các sở, ngành liên quan của các địa phương có doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn (kết quả sơ bộ bước 1) và không bao giờ thấy các sở, ngành của tỉnh Bình Dương phản ánh bất kỳ vi phạm nào của Vinamit.

“Có lãnh sự thương mại của một nước đã gọi điện hỏi tôi về tình trạng của Vinamit. Các đối tác lớn quốc tế luôn có đội ngũ theo dõi về doanh nghiệp mà họ ký hợp đồng. Vì vậy, khi xuất hiện những tin tức như: “Vì sao người dân bức xúc, đề nghị thu hồi dự án Vinamit” hay “Thanh tra toàn diện Vinamit”, sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, những rủi ro nghiêm trọng cho doanh nghiệp về uy tín, niềm tin”, bà Hạnh chia sẻ.

Bên cạnh đó, những thông tin nói trên khiến các cộng tác viên, tiểu thương bán hàng của Vinamit hoang mang và bộ phận bán hàng, chăm sóc khách hàng của Công ty phải liên tục giải thích về vụ việc.

“Một doanh nghiệp phải mất không biết bao nhiêu thời gian, công sức, tiền của mới gây dựng được uy tín, lấy được niềm tin của người tiêu dùng, vậy mà… Hơn nữa, lúc này, người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu do dịch bệnh và trước những trận bão quảng cáo, khuyến mãi dồn dập của các thương hiệu ngoại, họ sẽ càng dễ dàng chuyển sang sử dụng các sản phẩm ngoại nhập, chứ không phải hàng Việt”, bà Hạnh chia sẻ tâm tư.

Thanh tra trái chỉ thị của Thủ tướng?

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2020, cả nước có hơn 34.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó 18.600 doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, 12.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động và 4.100 doanh nghiệp phá sản do ảnh hưởng của Covid-19. Cùng với đó, là hàng triệu người lao động bị mất việc.

Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.

Chỉ thị nêu rõ: “Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, không thanh tra ngoài kế hoạch, trừ trường hợp đặc biệt được giao”.

Thế nhưng, từ Kết luận số 101 ngày 8/1/2020 “nhầm vai, trật luật” (thay vì chỉ đề cập vấn đề đất đai theo đúng chức năng thẩm quyền, thì lại “kết án” rằng, 152 ha đất nông trại của Vinamit làm ăn không hiệu quả, không đóng góp cho ngân sách địa phương), Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã kiến nghị UBND tỉnh cho thanh tra toàn diện Vinamit. 

Điều ngạc nhiên là, UBND tỉnh Bình Dương lại chấp thuận kiến nghị đó và ngày 29/4/2020 đã ra Quyết định số 1149/QĐ-UBND thành lập Đoàn Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật tại Dự án Sản xuất nông nghiệp tại xã Phước Sang, huyện Phú Giáo của Vinamit, bất chấp Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ mới ban hành trước đó.

Đoàn Thanh tra của tỉnh Bình Dương đã tiến hành làm việc với Vinamit từ ngày 18/5/2020 cho tới nay. Sau mấy tháng hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ do Covid-19, chưa kịp triển khai kế hoạch hồi phục, đội ngũ lãnh đạo Vinamit lại phải “cuống cuồng”, “dồn lực” chuẩn bị hồ sơ, chứng từ để làm việc với Thanh tra.

Sau đó, từ chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nội vụ lập Đoàn Kiểm tra xác minh làm rõ nội dung phản ánh về việc các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương thanh tra, kiểm tra gây khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh tại Vinamit.

Sau khi Đoàn kiểm tra của Thanh tra Bộ Nội vụ kết thúc đợt kiểm tra (hiện chưa có kết luận chính thức), Thanh tra tỉnh Bình Dương lại tiếp tục thanh tra Vinamit.

Doanh nghiệp chỉ mong không phát sinh khó khăn

Theo tư liệu mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, từ khi nhận sang nhượng lại hơn 152 ha đất từ Trường đại học Cần Thơ để xây dựng nông trại hữu cơ, Vinamit đã trải qua hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương.

Cụ thể, năm 2017, các cơ quan hữu quan đã thực hiện 3 cuộc thanh tra, kiểm tra và kết luận Vinamit không sai phạm sau công bố sản phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; không sai phạm trong điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu 2017; không sai phạm trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Năm 2018, Vinamit cũng “tiếp” 3 cuộc thanh kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh Bình Dương.

Năm 2019, nếu không tính đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, thì cả 4 cuộc kiểm tra của 4 đoàn từ các cơ quan chức năng (về công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên nước, công bố sản phẩm với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ) đều kết luận Vinamit không có sai phạm.

Vì vậy, khi nhận quyết định thanh tra của tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Lâm Viên khẳng định: “Chúng tôi tôn trọng và sẵn sàng tuân thủ, hợp tác đối với tất cả các cuộc thanh, kiểm tra theo đúng quy định pháp luật của các cơ quan nhà nước. Qua nhiều cuộc thanh, kiểm tra, Vinamit không hề có sai phạm. Nếu như qua đợt thanh tra này, cơ quan chức năng thấy doanh nghiệp còn thiếu sót, xin hãy hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện để chúng tôi khắc phục, bổ sung đầy đủ. Vinamit đang gặp muôn vàn khó khăn do ảnh hưởng quá lớn của Covid-19 và cả “sang chấn tâm lý” từ cuộc kiểm tra, thanh tra, chỉ mong các cơ quan chức năng hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp tránh phát sinh thêm khó khăn”, ông Viên nói.

Doanh nghiệp bị thanh tra 18 lần trong 1 quý, chỉ phát hiện 4 kg hoa quả không rõ nguồn gốc

Tại buổi họp mặt các hiệp hội doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 tổ chức tại Cần Thơ ngày 7/7, ông Phạm Đình Vũ, Chánh văn phòng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kiêm Chánh văn phòng Hội đồng Trung ương các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam cho biết, có doanh nghiệp làm thương mại một quý phải đón... 18 đoàn thanh tra. Kết quả thanh tra chỉ nêu được doanh nghiệp đó nhập 4 kg hoa quả không rõ nguồn gốc xuất xứ và phạt 18 triệu đồng.

Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương "sáng tác" cớ, Vinamit liêu xiêu
Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương bác kiến nghị của cử tri muốn xoá sổ nông trại của Vinamit làm khu dân cư, nhưng lại "bẻ lái" khi kết...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư