Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Mưu toan xoá sổ nông trại Vinamit làm khu dân cư
Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương "trật" luật, nhầm vai khi kết luận Vinamit "không hiệu quả"
Ngô Nguyên - 18/06/2020 16:14
 
Nhiều luật sư khẳng định, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương đã "nhầm vai", “trật” nguyên tắc Luật Đất đai khi kết luận nông trại Vinamit không hiệu quả.

Nhầm vai

Như chúng tôi công bố tài liệu thể hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương đã tổ chức đoàn kiểm tra theo đề xuất của 1 cử tri muốn "xóa sổ" nông trại hơn 152 ha của Vinamit làm khu dân cư.

Tháng 11/2019, kết thúc kiểm tra, Sở báo cáo với UBND tỉnh Bình Dương về kết quả giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Bình Dương khóa IX.

Tại kết quả này, Sở đã đúng chức năng nhiệm vụ khi bác ý kiến cử tri, bởi qua kiểm tra, thì Vinamit sử dụng đất đúng mục đích, quy hoạch.

Khu vực trồng dứa và nhà lồng tại nông trại Vinamit
Khu vực trồng dứa và nhà lồng tại nông trại Vinamit.

Nhưng Sở đã bất ngờ “bẻ lái” khi kết luận hiệu quả kinh tế nông trại của Vinamit: “Hiệu quả việc sử dụng đất mang lại đóng góp vào Ngân sách để phát triển kinh tế tại địa phương thời gian qua là không có. Việc sử dụng đất như trên là chưa phù hợp với nguyên tắc sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Đất đai 2013”.

Với cái cớ đó, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị dẫn tới việc UBND tỉnh Bình Dương lập đoàn thanh tra toàn diện dự án của Vinamit, khiến đã vất vả vì đại dịch Covid-19, người lao động Công ty phải “mướt mồ hôi” lo hồ sơ chứng từ làm việc với thanh tra.

Kết luận nêu trên đã khiến nhiều luật sư…ngớ người.

Luật sư Bùi Phúc Thạch (Công ty Luật Hợp danh Nam Trí Việt, TP.HCM) phân tích, theo Quyết định 970/QĐ-STMT ngày 22/7/2019 thì đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương chỉ được giao nhiệm vụ “kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai”. Điều này cũng đúng với chức năng quyền hạn được quy định tại Nghị định 35/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Tài nguyên và Môi trường.

Nên việc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương lại đi kết luận về hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp là làm sai nhiệm vụ, chức năng.

Trồng rau trong nhà lưới không thuốc trừ sâu, hóa chất của nông trại Vinamit để cung cấp cho các siêu thị tại TP.HCM, Bình Dương
Rau trong nhà lưới không thuốc trừ sâu, hóa chất ở nông trại Vinamit được cung cấp tới các siêu thị tại TP.HCM, Bình Dương.

Còn luật sư Hồ Nguyên Lễ (Trưởng Văn phòng luật sư Tín Nghĩa, TP.HCM) thì thẳng thắn: "Thật vô lý, dự án của Vinamit là dự án nông nghiệp hữu cơ, sử dụng đúng mục đích đất đai, sao Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương lại vin vào "hiệu quả sử dụng đất", "chưa có đóng góp vào ngân sách" địa phương, để tiếp tục thanh tra doanh nghiệp? Tôi cho rằng, Sở này đã nhầm vai; cái này hãy để cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính ý kiến, xem dự án của doanh nghiệp hiệu quả hay không hiệu quả hay không hiệu quả, có đóng góp ngân sách hay chưa đóng góp ngân sách".

Trật luật

Chúng tôi phản biện luật sư rằng, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương cũng có phần đúng chức năng khi áp dụng Luật Đất đai 2013 trong kết luận: “Việc sử dụng đất như trên là chưa phù hợp với nguyên tắc sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Đất đai 2013”.

Do đó, Sở kiến nghị và UBND tỉnh Bình Dương cho thanh tra thì cũng là áp dụng Khoản 4 Điều 37 Luật Thanh tra năm 2010: “Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao”.

Công nhân nông trại Vinamit đóng gói rau sạch
Công nhân nông trại Vinamit đóng gói rau sạch.

Luật sư Bùi Phúc Thạch không đồng tình, phân tích: Khoản 2 Điều 6 Luật Đất Đai 2013 là quy định “nguyên tắc”. Các luật, bộ luật được ban hành luôn cơ cấu một điều quy định về “nguyên tắc”. Những quy định “nguyên tắc” này đóng vai trò nền tảng, bao quát và định hướng cho các điều khoản khác trong chính các luật ấy.

Để xác định một hành vi nào đó có vi phạm pháp luật hay không, phải căn cứ vào những quy định tại các điều khoản cụ thể của pháp luật, kèm theo đó là những chế tài nhất định chứ không phải căn cứ vào những điều khoản chung kiểu nguyên tắc.

“Vì vậy, việc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương kết luận Vinamit sử dụng đất không hiệu quả, chưa phù hợp với nguyên tắc sử dụng đất tại khoản 2 Điều 6 Luật Đất đai 2013 là rất… khó hiểu, đặc biệt là việc sử dụng hơn 152 ha đất của Vinamit để làm nông trại, vùng nguyên liệu cho nhà máy là hoàn toàn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đúng mục đích sử dụng đất được giao”, Luật sư Thạch nói.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Tấn Thi (Văn phòng luật sư Hoa Sen, TP.HCM) cho rằng, trong trường hợp “nguyên tắc” này được chuyển tải vào quy định pháp luật cụ thể như sẽ bị xử lý khi hủy hoại đất đai, sử dụng không đúng mục đích, không sử dụng quá 12 tháng thì chính kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường thể hiện Vinamit không hề có các hành vi này. Thậm chí kết luận thể hiện chi tiết từng “miếng đất” của nông trại hơn 152 ha, chỗ trồng chuối, nơi trồng mít, rau củ, nhà kho xưởng chuồng trại, không sai mục đích...

Từ năm 2016 nông trại Vinamit đã được cấp giấy chứng nhận hữu cơ EU và NOP bởi tổ chức chứng nhận USDA
Từ năm 2016 nông trại Vinamit đã được cấp giấy chứng nhận hữu cơ EU và NOP bởi tổ chức chứng nhận USDA.

Các hồ sơ chứng lý và thực tế của Vinamit cũng thể hiện không hề để đất hoang hóa. Cụ thể, từ năm 2007 (khi tiếp nhận dự án) đến 2013, Vinamit duy trì phát triển theo diện tích cây trồng. Từ 2013-2016 cải tạo rửa đất, đào kênh dẫn nước cấp thoát, lắp đặt hệ thống tưới, gieo trồng theo phương pháp hữu cơ.

Nhờ vậy, chỉ tới năm 2016, nông trại đã được cấp giấy chứng nhận hữu cơ EU và NOP bởi tổ chức chứng nhận USDA. Từ năm 2016 tới nay, nông trai tiếp tục thêm diện tích trồng cây, lắp đặt hệ thống nhà lưới nhà kính… Nhờ vậy, nông trại cung cấp chu yếu nguyên liệu rau củ quả hữu cơ cho nhà máy chế biến và thi trường trong nước, góp giá trị lớn vào tổng doanh thu của toàn công ty.

* Mới đây ông Nguyễn Huy Phong (Phó Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương) trả lời báo chí rằng, cơ sở mà đoàn kiểm tra kết luận hiệu quả sử dụng đất của Vinamit chưa đóng góp ngân sách cho địa phương là “do ông Hoàng, đại diện Vinamit nói!”.
Ngày 18/6/2020, ông Nguyễn Thành Hoàng, Giám đốc nông trại Vinamit khẳng định không nói như vậy. “Trong buổi làm việc, đoàn kiểm tra có hỏi, ngoài đóng thuế đất hơn 32 tỷ đồng, nông trại có đóng góp gì nữa không? Tôi trả lời rằng, nông trại là đơn vị hạch toán báo sổ của công ty nên các khoản thuế khác là từ công ty đóng cho tỉnh. Nông trại chỉ tham gia đóng góp các khoản khác cho địa phương như quỹ xây dựng nhà tình thương, quỹ vì người nghèo, công trình công ích”, ông Hoàng nói.

* Luật sư Bùi Phúc Thạch: "Tôi chưa thể tìm ra được tiêu chí nào để đánh giá là Vinamit sử dụng đất không hiệu quả theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Đất đai 2013 như kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương".

Có không mưu toan xoá sổ nông trại đạt chuẩn quốc tế của Vinamit để phân lô bán nền?
Vinamit hoang mang khi cơ quan chức năng Bình Dương liên tục thanh kiểm tra xuất phát từ đề xuất “lạ lùng” là xóa sổ nông trại hơn 152 ha để làm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư