Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Dừng “làn sóng” cổ phần hóa cơ sở y tế, giáo dục
Anh Minh - 17/03/2017 08:10
 
Hàng loạt cơ sở y tế, đào tạo công lập trong ngành giao thông vận tải từng được lên kế hoạch cổ phần hóa sẽ bị tạm dừng để chuyển sang hình thức tự chủ tài chính.
TIN LIÊN QUAN

Tạm dừng vô thời hạn

Như Báo Đầu tư đã đưa tin, Bộ Giao thông - Vận tải  (GTVT)vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm dừng cổ phần hóa đối với Bệnh viện Nam Thăng Long, Bệnh viện Giao thông vận tải Vinh và Bệnh viện Giao thông vận tải Đà Nẵng.

Lý do tạm dừng chuyển đổi mô hình hoạt động 3 bệnh viện, theo ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, do các cơ sở y tế, giáo dục công lập không còn nằm trong diện cổ phần hóa theo tinh thần của Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1/11/2016 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: “chỉ cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện, trừ các bệnh viện, trường học”.

.
.

Cần nói thêm rằng, nếu như tiến trình cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông vận tải Vinh và Bệnh viện Giao thông vận tải Đà Nẵng mới chỉ ở giai đoạn khởi động, thì tại Bệnh viện Nam Thăng Long, Bộ GTVT đã xác định xong giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa.

Cụ thể, Bệnh viện Nam Thăng Long đã được định giá theo giá trị sổ sách tính đến hết tháng 5/2015 là 29,5 tỷ đồng. Bộ GTVT sẽ bán 70% cổ phần tại đây, đồng thời phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ. Sau cổ phần hóa, cơ sở y tế công lập đầu tiên trong cả nước được chọn thí điểm chuyển đổi mô hình hoạt động sẽ chỉ còn 30% vốn nhà nước. Toàn bộ công tác chuẩn bị cho cổ phần hóa Bệnh viện Nam Thăng Long trong 2 năm qua tốn khoảng 500 triệu đồng.

Do đây là các đơn vị sự nghiệp công lập, không có nguồn để thanh toán các chi phí cần thiết phục vụ quá trình cổ phần hóa, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho phép sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC) để thanh toán chi phí cổ phần hóa mà các đơn vị đã chi trong quá trình triển khai.

Trước đó, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đồng ý tạm dừng thực hiện cổ phần hóa Học viện Hàng không Việt Nam – VAA và Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải Thăng Long sau khi Bộ GTVT đưa ra đề nghị tương tự hồi tháng 1/2017.

Như vậy, tính đến thời điểm này, ngoại trừ Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương đã chính thức chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 5/1/2016 với nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn T&T, toàn bộ cơ sở y tế, giáo dục công lập đã từng được Bộ GTVT lên kế hoạch cổ phần hóa trong giai đoạn 2015 – 2016 đều bị dừng vô thời hạn.

Được biết, trong quá trình lên kế hoạch cổ phần hóa, cả 5 trường học, bệnh viện này đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, do đây đều là những cơ sở đào tạo, khám chữa bệnh có uy tín và có cơ sở vật chất, quỹ đất khá lớn.

Đồng thuận cao

Chỉ ít ngày trước khi tiến hành lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, vào cuối tháng 12/2016, Ban Giám hiệu Học viện VAA đã có văn bản đề nghị lãnh đạo bộ chủ quản xin dừng cổ phần hóa. Đổi lại, Học viện sẽ xây dựng Đề án Tự chủ trình bộ chủ quản trong thời gian sớm nhất.

Lý do khiến Ban Giám đốc VAA xin “phanh gấp” tiến trình cổ phần hóa đang trong giai đoạn về đích là với Học viện, mô hình hoạt động theo định hướng tự chủ sẽ phù hợp hơn mô hình công ty cổ phần.

Bà Nguyễn Thị Hải Hằng, Giám đốc VAA cho biết, chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của Ban Chấp hành Đảng bộ sau khi trong nội bộ Học viện xuất hiện những ý kiến đề nghị xem xét lại việc cổ phần hóa.

Ưu điểm của quá trình cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương:
Số lượng bệnh nhân tăng so với cùng kỳ năm 2015
Doanh thu tăng so với cùng kỳ năm 2015 (Doanh thu bệnh nhân bảo hiểm y tế là 112,240 tỷ đồng, đạt 145,8%; doanh thu bệnh nhân dịch vụ là 29,68 tỷ đồng, đạt 116,15%...)
Tăng bình quân lương 20% toàn bộ người lao động từ 1/4/2016; Tổng quỹ lương tăng 23,45% so với năm 2015. Chế độ phụ cấp thường trực tăng bình quân 58% so với chế độ hiện tại. Thu nhập bình quân của người lao động tăng 19,7% so với năm 2015.
Từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn bệnh viện đa khoa cấp I (điều chỉnh quy mô, cơ cấu khoa, phòng từ 26 lên 37 khoa, phòng theo quy định).
(Đánh giá của Bộ GTVT)

Cần phải nói thêm, công tác cổ phần hóa VAA được khởi động cách đây 2 năm hiện đang đi vào giai đoạn cuối. Cụ thể, vào cuối tháng 9/2016, trên cơ sở đề xuất của lãnh đạo học viện, Bộ trưởng Bộ GTVT đã phê duyệt giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 31/3/2016 của VAA, trong đó giá trị thực tế để cổ phần hóa là 241,3 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại đơn vị là 220 tỷ đồng. Tròn một tháng sau, VAA kiến nghị Bộ GTVT chọn CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam là đơn vị tư vấn xây dựng phương án cổ phần hóa.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Nam Thăng Long, bệnh viện hạng hai theo quy định của Bộ Y tế, lý do xin dừng cổ phần hóa là do bệnh viện hiện đã đủ điều kiện đảm bảo tự chủ hoàn toàn cả về chi thường xuyên và chi đầu tư. Bệnh viện này hiện khám chữa bệnh cho hơn 70.000 người dân có mức thu nhập trung bình đăng ký bảo hiểm hàng năm.

Lãnh đạo bệnh viện cho rằng, nếu cổ phần hóa Bệnh viện Nam Thăng Long có nghĩa là sẽ chuyển đổi một bệnh viện công lập, đã thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa y tế, hàng năm nhà nước không phải cấp kinh phí chi thường xuyên, sang bệnh viện hoạt động với mục đích lợi nhuận sẽ không phải địa điểm dành cho người lao động có thu nhập trung bình và thấp.

Mặt khác, lãnh đạo Bệnh viện cho rằng, nếu Chính phủ thực hiện cổ phần hóa Bệnh viện Nam Thăng Long sẽ khiến nhiều thầy thuốc có trình độ chuyên môn tốt ra đi, dẫn đến tình trạng khủng hoảng nhân lực.

“Vì vậy, hầu hết cán bộ công nhân viên của Bệnh viện Nam Thăng Long thống nhất ký văn bản đề nghị Chính phủ cho phép Bệnh viện được hoạt động tự chủ hoàn toàn theo Nghị định 16/2015 về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập”, Ban lãnh đạo Bệnh viện khẳng định.

Liên quan đến công tác cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương, theo thông tin của Báo Đầu tư, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa có yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương đánh giá đầy đủ kết quả thí điểm cổ phần hóa bệnh viện này.

“Bộ Y tế phải có báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2017”, Phó thủ tướng chỉ đạo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư