Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Đừng vì vay tiền dễ dãi mà nhắm mắt ký bừa
TL - 16/08/2016 16:33
 
Ông Bruce Butler, Tổng Giám đốc Công ty tài chính Home Credit nêu lên một thực tế: Rất nhiều khách hàng lười đọc các điều khoản trong hợp đồng khi ký hợp đồng vay tiêu dùng.
TIN LIÊN QUAN
Khách hàng nên chủ động tìm hiểu kỹ hợp đồng khi vay tiêu dùng
Khách hàng nên chủ động tìm hiểu kỹ hợp đồng khi vay tiêu dùng

Tín dụng tiêu dùng tăng mạnh

Hiện nay, thị trường có tới 16 công ty tài chính tiêu dùng, trong đó dẫn đầu thị trường là FE Credit và Home Credit. Thống kê của NHNN, năm 2015 cho thấy, tín dụng tiêu dùng tăng trên 30%. Trong 7 năm qua tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng trưởng trung bình hơn 20%/năm – là lĩnh vực tăng trưởng mạnh nhất hiện nay.

Để khuyến khích khách hàng vay tiêu dùng, nhiều công ty cho vay với điều kiện rất dễ dãi. Nhiều khách hàng thấy dễ vay tiền nên nhắm mắt ký bừa mà không tìm hiểu kỹ các hợp đồng và điều khoản phạt, điều khoản về thanh toán. Chính vì vậy, đây cũng là lĩnh vực nảy sinh nhiều tranh chấp, khiếu nại giữa khách hàng với công ty tài chính.

Ông Trịnh Anh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh cho biết, khiếu nại liên quan đến tín dụng tiêu dùng chiếm tới hơn 80% tổng số phản ánh, khiếu nại trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng nói chung.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng – phó chủ tịch Hội tiêu chuẩn Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho rằng, Luật tổ chức tín dụng chưa có quy định riêng đối với cho vay tiêu dùng. Hơn nữa, nhiều người tiêu dùng thiếu không tìm hiểu kỹ, dẫn tới thua thiệt khi tham gia dịch vụ này. “Chẳng hạn lãi suất cho vay được nhân viên tư vấn chào 2- 3%/ tháng nhưng khi ký hợp đồng lãi suất có thể lên tới 60%/năm. Chưa kể các quy định về phạt đồng khi quá hạn được tính theo ngày với kiểu lãi mẹ đẻ lãi con rất cao”, ông Hùng cho biết.

Trong khi đó, lãnh đạo nhiều công ty tài chính cho hay, dù công ty đã có hợp đồng quy định rất chi tiết về các điều khoản, đặc biệt là lãi suất, song nhiều người vay vốn không tìm heieru kỹ hợp đồng, đến khi trả nợ mứi vỡ lẽ vì mức lãi suất mà mình phải trả. Do đó, các công ty tài chính khuyến cáo, để tránh rơi vào trường hợp bị động trong quá trình vay và thanh toán, chính các khách hàng cần phải nâng cao hiểu biết của mình về xu hướng tiêu dùng hiện đại này.

Làm sao để khách hàng không rơi vào thế  bị động

Tại cuộc họp báo giới thiệu về chương trình vay chủ động, tư vấn kiến thức vay tiêu dùng cho người dân do công ty tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam tổ chức sáng nay (16/8), Ông Bruce Allan Butler, Tổng Giám đốc Home Credit Việt Nam nói, rất nhiều người vay tiêu dùng hiện nay “lười đọc các điều khoản hợp đồng”, việc này cũng gây ra nhiều khó khăn, thách thức đối với các công ty cho vay tài chính, khi tranh chấp xảy ra.

Được biết, một trong những nguyên nhân dẫn tới khiếu kiện khi cho vay tiêu dùng là nhân viên tư vấn không thực hiện theo đúng quy trình, khách hàng không được nhận ngay hợp đồng mà phải nhận sau vài ngày qua đường bưu điện, lãi suất cho vay cao…

Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư, lãnh đạo Home Credit cho hay, để khắc phục những vấn đề trên, Home Credit đã cải tiến hợp đồng chỉ còn 2,5 trang so với 7 trang trước đây, cho phép khách hàng nhận hợp đồng ngay tại thời điểm mua hàng, bí mật giám sát nhân viên tư vấn, giảm lãi suất… Đến tháng 6/2016, hơn 50% khách hàng vay trả góp mua hàng hóa của Home Credit được hưởng chế độ vay vốn lãi suất 0%/năm.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, để bảo vệ người tiêu dùng và khuyến khích lĩnh vực vay tiêu dùng phát triển, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và Home Credit đã phát hành hơn 6.000 Cẩm nang tư vấn tài chính tiêu dùng với tên gọi “Vay chủ động” cho người tiêu dùng và tuyên truyền rộng rãi cho người dân các tỉnh.

Theo lời khuyên của các chuyên gia, để người vay không bị dính bẫy lãi suất vay tiêu dùng cắt cổ, giải pháp đầu tiên là nâng cao nhận thức và kiến thức của người tiêu dùng để “tiêu dùng thông minh và có trách nhiệm”. Cùng với đó, các cơ quan chức năng  phải có cảnh báo, công cụ tư vấn, hỗ trợ thông tin cho người tiêu dùng; Khuyến khích môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng; Nâng cao trách nhiệm giám sát và quản lý của cơ quan chức năng đối với hoạt động cho vay tiêu dùng, đặc biệt là minh bạch hóa hoạt động cho vay tiêu dùng.

“Tín dụng tiêu dùng tạo kênh tiếp cận vốn cho người tiêu dùng có thu nhập trung bình trở xuống, tránh kênh tín dụng đen, cho vay nặng lãi.  Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần chủ động tìm hiểu các kiến thức về lĩnh vực này, đọc kỹ hợp đồng khi vay vốn để tránh rủi ro”, ông Nguyễn Mạnh Hùng khuyến cáo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư